Cả sân trường nín lặng khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về lòng hiếu thảo

08/01/2021 10:22
Trung Dũng
GDVN- “Tôi muốn truyền đến với các em thông điệp rằng, khi bậc sinh thành của chúng ta còn mạnh khoẻ, đừng để cho nước mắt họ phải trào rơi”.

Từ sáng sớm, hơn 1000 học sinh trường Trung học phổ thông Yên Thế, huyện Yên Thế, Bắc Giang ngồi lặng yên, nghiêm túc giữa cái rét tê tái của vùng sơn cước và lắng nghe từng lời truyền thụ của diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong buổi hội thảo chuyên đề: “Hiếu thảo, hiếu học và cách mạng công nghệ 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện trong buổi hội thảo (ảnh: Trung Dũng)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện trong buổi hội thảo (ảnh: Trung Dũng)

Dường như những chia sẻ của vị Giáo sư này về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện về đạo làm con đã chạm đúng tâm lý của các bạn trẻ đang tuổi mới lớn, nên suốt trong 3 tiếng đồng hồ đã có không biết bao nhiêu biểu cảm của học trò được thể hiện.

Đặc biệt khi đề cập đến chuyện tình cảm gia đình, vị diễn giả đã nêu lên thực trạng đáng buồn trong xã hội hiện đại, khi khoảng cách giữa các thế hệ trong cùng một mái nhà đang ngày càng xa hơn.

Lặng im ít phút, giọng trầm buồn Giáo sư lấy luôn ví dụ ngay trong chính gia đình mình để các học sinh dễ hiểu.

Cả sân trường như nín lặng khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể về lòng hiếu thảo (ảnh: Trung Dũng)

Cả sân trường như nín lặng khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể về lòng hiếu thảo (ảnh: Trung Dũng)

Ông kể: “Tôi có hai người con đặt tên là Hiếu và Thảo với mong muốn cuộc đời mình sẽ được chúng đền đáp lại giống như tên gọi đó và may mắn cuộc đời đã cho tôi toại nguyện.

Tôi muốn truyền đến với các em thông điệp rằng, khi bậc sinh thành còn mạnh khoẻ đừng để cho nước mắt của họ phải trào rơi”.

Vừa dứt câu chuyện, cả sân trường như nín lặng trong mấy phút, lũ học trò vừa xôn xao trước đó giờ không ai bảo ai ngồi lặng yên, như muốn dành ít phút để suy nghĩ về bản thân mình, liệu một ai trong số chúng đã từng làm bố mẹ phải buồn chưa, mười mấy năm trời bố mẹ nuôi dưỡng mình đã thực sự là người con hiếu thảo hay chưa.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng Khuyên học sinh nên chăm lo học hành để báo hiếu cho mẹ cha (ảnh: Trung Dũng)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng Khuyên học sinh nên chăm lo học hành để báo hiếu cho mẹ cha (ảnh: Trung Dũng)

Để xua tan đi sự tĩnh lặng đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục bằng lời khuyên: “Với những người làm cha, làm mẹ khi có con đang ngồi trên ghế nhà trường thì việc các em chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô đã là một sự báo hiếu lớn nhất với họ rồi.

Các em hãy nhớ lấy điều đó và hãy tạo dựng một cuộc sống lành mạnh, vì chính các em sau này sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta đang bước vào vận hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hãy phấn đấu hơn nữa để không bị tụt hậu so với thế giới”.

Không khí trầm lắng kết thúc, thay vào đó là sự sôi nổi tranh luận và những câu hỏi dí dỏm của các cô cậu học trò dành cho Giáo sư.

Em Trần Huyền Trân, lớp 11A7 hỏi: “Thưa Giáo sư, làm thế nào để biết được đâu là việc mình thích đâu là việc mình đam mê và thành công với đam mê đó?”.

Đáp lại câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời rằng: “Việc đam mê hay là chỉ thích nhất thời còn phải phụ thuộc vào trí thông minh của mình. Muốn biết cụ thể nhất, em có thể lên mạng hoặc nhờ cô giáo chủ nhiệm tìm hiểu về 8 trí thông minh là gì, bởi trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp để nói hết được chủ đề này cho em hiểu thì thời lượng là không đủ.

Tương ứng với những trí thông minh đó, bản thân em phải biết em có thế mạnh và nghiêng về trí thông minh nào. Nếu công việc của mà em đang theo đuổi phù hợp với trí thông minh của em thì em có khả năng trở thành người tài giỏi”.

Không chỉ quan tâm đến tri thức và kỹ năng sống, các em học sinh còn có sự tư duy và liên hệ rất nhanh đến cuộc cách mạng 4.0 mà vị diễn giả đang nói tới.

Em Hoàng Ngọc Anh, lớp 12A8 mạnh dạn đặt ra vấn đề liên quan đến việc kiếm tiền từ game. Cậu lấy ví dụ là những streamers, youtubers nổi tiếng với thu nhập cả trăm triệu hàng tháng của họ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đánh giá đây là một câu hỏi khá thú vị. Tuy nhiên Giáo sư cũng đưa ra những lời khuyên:

“Tôi thấy rất ít những người chơi game mà kiếm được tiền. Chủ yếu là những người làm game, lập trình game thì có thu nhập rất tốt. Việc chơi game mà có tiền chỉ đến từ một số nhỏ nhưng phải chơi thật giỏi. Ngoài ra các em cũng nên bảo vệ sức khỏe của mình, tránh chơi game thâu đêm suốt sáng rất có hại”.

Học sinh hỏi giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Làm gì để trở thành người tự do (ảnh: Trung Dũng)

Học sinh hỏi giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Làm gì để trở thành người tự do (ảnh: Trung Dũng)

Còn em Đoàn Thuỳ Dung, lớp 10A7 lại tỏ ra quan tâm đến quan điểm “Học để trở thành người tự do” của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Giáo sư có nói rằng, tương lai của mình chỉ có bản thân mình tự quyết định chứ không ai có thể quyết định thay mình, nếu sau này học ra trường em muốn đi xuất khẩu lao động thì Giáo sư có thể cho biết thu nhập khi làm ở nước ngoài là bao nhiêu và điều kiện để đi xuất khẩu lao động mình cần có là gì không ạ?”

Câu hỏi này của Thuỳ Dung được Giáo sư trả lời rằng: “Các em hãy cố gắng học để trở thành con người tự do. Trong đó có sự tự do về lựa chọn. Đại học không phải là con đường và cái đích duy nhất mà người học hướng đến.

Các em có thể đi xuất khẩu lao động nếu như cảm thấy việc thi và học đại học là không cần thiết. Điều kiện để đi xuất khẩu lao động phải dưới 30 tuổi, có đủ sức khỏe và biết một ngoại ngữ ở trình độ A.

Hiện nay có rất nhiều thị trường lao động tiềm năng nhưng tôi khuyên các em nên học tiếng Nhật và đi lao động tại Nhật Bản”.

Cô Hoàng Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Thế cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ảnh: Trung Dũng)

Cô Hoàng Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Thế cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ảnh: Trung Dũng)

Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Yên Thế chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ảnh: Trung Dũng)

Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Yên Thế chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ảnh: Trung Dũng)

Để kết thúc buổi hội thảo, cô Hoàng Thị Hạnh – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Yên Thế gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo mang đến cho thầy cô và các em học sinh nhà trường nhiều bài học ý nghĩa.

Đồng thời mong Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục lan tỏa chương trình ý nghĩa này đến với nhiều trường học, chuẩn bị hành trang cho các em học sinh bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trung Dũng