Tăng lương giáo viên thật cao không phải cách chấm dứt dạy thêm

09/01/2021 11:42
Phạm Minh
GDVN- Không thể khẳng định lương giáo viên 20 triệu sẽ đảm bảo chấm dứt hoạt động dạy thêm. Quan trọng là cần phải có sự thay đổi đồng bộ của cả hệ thống giáo dục.

Quy định cấm học thêm, dạy thêm được ban hành nhằm ngăn chặn những tiêu cực trong giáo dục như tình trạng giáo viên đưa kiến thức chương trình chính khóa vào dạy thêm, giáo viên lôi kéo, ép buộc học sinh của mình học thêm,...

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, nhiều người cho rằng cần phải nâng cao đời sống của giáo viên, tăng lương cho giáo viên. Vì khi giáo viên không còn gặp khó khăn trong cuộc sống, họ sẽ không phải dạy thêm để tăng thu nhập.

Ngày 04/01/2021, Báo điện tử VTCNews có bài viết "Lương 20 triệu đồng/tháng, có lẽ chẳng giáo viên nào nghĩ đến việc dạy thêm", chia sẻ quan điểm của một giáo viên về vấn đề dạy thêm.

Giáo viên này cho rằng: "Nếu giáo viên được trả lương cao, tôi tin rằng chẳng thầy cô nào muốn đi dạy thêm. Lấy ví dụ như giáo viên trường tư thục, trường quốc tế nhận lương mỗi tháng 15 – 20 triệu đồng nên họ không có nhu cầu dạy thêm là phải thôi". [1]

Tuy nhiên, câu chuyện này lại đặt ra cho dự luận nhiều vấn đề tranh cãi, liệu những tiêu cực trong giáo dục từ dạy thêm, học thêm có hoàn toàn xuất phát từ lương giáo viên, và liệu rằng tăng lương cho giáo viên có phải là giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tô Thụy Diễm Quyên, Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, số người muốn đi dạy thêm có thể sẽ giảm nếu lương giáo viên tăng lên. Tuy nhiên, phạm trù dạy thêm mang yếu tố cá nhân rất nhiều, không thể đem vấn đề về lương để giải quyết triệt để tình trạng này.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng tăng lương, cải thiện đời sống giáo viên chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để xử lý tình trạng dạy thêm hiện nay (Ảnh: Phạm Minh)

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng tăng lương, cải thiện đời sống giáo viên chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để xử lý tình trạng dạy thêm hiện nay (Ảnh: Phạm Minh)

Cô Quyên khẳng định: "Tôi cho rằng, quan điểm, nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Có giáo viên dạy thêm 50 triệu đồng mỗi tháng thấy giáo viên khác dạy thêm 100 triệu đồng mỗi tháng thì họ sẽ không cảm hài lòng.

Nhưng cũng có giáo viên với mức lương 6 đến 7 triệu đồng là đủ sống. Chính vì vậy, không thể nói lương 20 triệu đồng là đảm bảo không còn dạy thêm, học thêm".

Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, nếu giáo viên có tình thương với học sinh, thầy cô sẽ không bao giờ đưa nội dung chính khóa vào dạy thêm, họ cũng sẽ không ép buộc học sinh tham gia học thêm.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Không ai làm việc quá mười giờ đồng hồ mỗi ngày mà đạt hiệu quả.

Trẻ em cũng vậy, mỗi ngày trẻ chỉ cần học 8 tiếng, nếu buộc học sinh phải học đến 12 tiếng theo kiểu nhồi nhét kiến thức thì sẽ gây tác dụng ngược.

Trẻ học quá nhiều sẽ không còn thời gian vui chơi, phát triển. Đặc biệt hình thức học nặng về kiến thức chỉ kiến trẻ mệt mỏi, áp lực, căng thẳng, gây cận thị, phát triển trí não cũng bị hạn chế,...

Nếu giáo viên hiểu điều này, nếu giáo viên biết yêu thương học sinh của mình, các thầy cô sẽ có những phương pháp giúp các con học tập hiệu quả mà không cần phải tổ chức dạy thêm.

Cần thay đổi đồng bộ cả hệ thống giáo dục

Theo quan điểm của cô Tô Thụy Diễm Quyên, để xóa bỏ những tiêu cực từ hoạt động dạy thêm, học thêm thì giải pháp tăng lương cho giáo viên chỉ là điều kiện cần. Bên cạnh đó, còn rất nhiều giải pháp phải được thực hiện đồng bộ.

Cô Quyên nêu ra 3 vấn đề quan trọng cần thay đổi trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Thứ nhất, giáo viên cần phải thay đổi phương pháp dạy học. Giáo dục hiện đại không yêu cầu dạy học sinh ghi nhớ kiến thức, giáo viên không làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đó chính là lý do mà thầy cô cần đổi mới phương pháp của mình.

"Nếu dạy học truyền thụ kiến thức thì bao nhiêu thời gian cũng không đủ. Hơn nữa, kiến thức trong thời đại 4.0 là thứ sẽ lạc hậu theo thời gian. Khi học sinh mang kiến thức của ngày hôm nay thực hành cho mai sau chưa chắc còn đúng.

Giáo viên phải là người biết khơi động lực học tập cho học sinh, giúp các em phát triển năng lực, tư duy, hướng đến giải quyết vấn đề,... Đổi mới phương pháp chính là thực hiện những nhiệm vụ đó.

Thầy cô phải dạy học sinh khi gặp một vấn đề, các em hiểu thế nào, phương pháp tư duy ra sao. Tư duy cần có phương pháp, có kỹ thuật, trong thời đại mà khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, dạy tư duy mới giúp giải quyết vấn đề.

Như vậy, học sinh không cần tham gia học thêm để nhồi nhét thức, thay vào đó là động lực học tập từ bên trong, khả năng tư duy, sáng tạo giúp các em phát triển từng ngày", cô Quyên nhấn mạnh.

Chạy đua với thành tích, đặt nặng điểm số, thi cử đặt nặng kiến thức là những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Chạy đua với thành tích, đặt nặng điểm số, thi cử đặt nặng kiến thức là những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Thứ hai, cần phải có sự thay đổi về mục tiêu giáo dục hiện nay. Trong Luật Giáo dục đã nêu rõ về mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu trong giáo dục không phải để học sinh có điểm số cao, không phải để học sinh cố nhớ những kiến thức có sẵn. Chính vì vậy, hoạt động dạy thêm để ghi nhớ, để ôn luyện đề thi như trước đây hoàn toàn không phù hợp.

Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, một khi chúng ta nhận thức được mục tiêu giáo dục hiện đại thì chúng ta cần thay đổi quan niệm về thành tích, thay đổi cách ra đề thi và thay đổi cách đánh giá học sinh.

Nếu vẫn đánh giá học sinh qua điểm số, qua hình thức thi cử truyền thống thì các em vẫn phải đi học thêm, các em tiếp tục phải gánh những áp lực tâm lý nặng nề.

Tuy nhiên, nếu giáo dục đánh giá trên nhiều phương diện khác nhau, gồm trải nghiệm, hoạt động cộng đồng, kỹ năng, khả năng tư duy,... thì học sinh sẽ không cần phải đi học thêm. Quan trọng hơn là các em sẽ có cơ hội để phát triển toàn diện.

Giáo viên cũng cần hiểu rằng, đánh giá học sinh không phải để so sánh, để xếp hạng, phân bậc cao thấp mà để giúp người học thay đổi, điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, quan niệm về thành tích cũng cần phải thay đổi. Những điểm số, bảng xếp hạng học lực mà xưa nay chúng ta coi trọng không phải là thành tích để đưa ra so sánh.

Giáo dục cần chấm dứt tình trạng chạy đua theo thành tích từ điểm số, từ kết quả thi cử.

Một giải pháp không kém phần quan trọng chính là cần phải thay đổi cách ra đề thi. Nếu đề kiểm tra, đề thi vẫn nặng kiến thức, vẫn chỉ là những đề thi theo dạng bài khuôn mẫu nhất định thì học sinh vẫn phải đi học thêm và luyện đề.

Nếu ra đề thi theo hướng phát triển năng lực, vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn thì quá trình học tập cũng trở nên nhẹ nhàng và hoạt động dạy thêm, học thêm trở nên không cần thiết.

Thứ ba, cần phải thay đổi quan niệm từ phía phụ huynh học sinh. Nếu bố mẹ ra sức áp đặt thành tích học tập cho con, kỳ vọng điểm số của con thì áp lực là điều hiển nhiên mà học sinh, giáo viên và cả trường học phải gánh lấy.

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, thầy cô giáo cần giải thích cho phụ huynh để họ thay đổi những quan niệm của mình, xóa bỏ áp đặt thành tích học tập lên con cái.

"Có phụ huynh yêu cầu giáo viên làm sao cho con 10 điểm, giáo viên phải giải thích cho họ hiểu rằng: không nhất thiết phải chạy đua theo điểm số, điểm 10 không quyết định thành công và con đường tốt nhất dành cho các em.

Phụ huynh không đòi hỏi con trở thành học sinh giỏi xuất sắc thì sẽ không có câu chuyện học thêm. Thay vào đó, cần tạo động lực cho trẻ tự học bởi lẽ bản năng của con người là thích khám phá", cô Quyên khẳng định.

Tuy nhiên, cô Quyên cũng nêu vấn đề: "Chúng ta vẫn phải đặt câu hỏi, nếu không dạy thêm thì đời sống giáo viên có được đảm bảo không. Họ sẽ sống bằng cái gì khi đồng lương quá thấp và không đủ để trang trải?

Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao đời sống cho giáo viên, tất cả đối tượng liên quan đến giáo dục đều phải thay đổi mục tiêu giáo dục, cần có nhận thức, quan điểm, hành động đúng với mục tiêu của giáo dục hiện đại".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtc.vn/luong-20-trieu-dong-thang-co-le-chang-giao-vien-nao-nghi-den-viec-day-them-ar588831.html

Phạm Minh