Phụ huynh của em M.K (học sinh khối 9, trường trung học cơ sở Lam Sơn, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) vừa chuyển thông tin tới Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh việc không hài lòng một giáo viên dạy Văn của trường này có câu nói như là dọa dẫm học sinh.
Vị phụ huynh này nói, em K. có điểm kiểm tra môn Văn 15 phút trong lớp thường hay bị thấp, bị giáo viên nhận xét là không chịu học, hay ngủ gục trong lớp, nên học rất yếu.
Em K. đăng ký học thêm ở nhà với cô T. là một giáo viên cũng dạy Văn ở trong trường, còn giáo viên dạy chính khóa trong lớp của em K. là thầy Ph.
Tới khi kiểm tra học kỳ 1, em K. đã được điểm môn Văn cao hơn rất nhiều, nên em đã chạy đến để khoe với thầy Ph.
Tuy nhiên, trái ngược với mong muốn của em K. là sẽ được thầy giáo động viên, thầy Ph.lại nói ra một câu, có ý là dọa coi chừng tôi trong học kỳ 2. Phụ huynh nghĩ rằng, thầy giáo này nói ra câu có ý vậy để cho học sinh đi học thêm mình trong học kỳ 2.
Cô T. dạy thêm em K. môn Văn với học phí 500.000 đồng/tháng, tuần học 2 buổi, mỗi buổi kéo dài trong 1,5 giờ.
Trường trung học cơ sở Lam Sơn, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Ngày 11/1/2021, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đặng Trung Hiếu – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lam Sơn, quận 6 xác nhận, thầy Ph.là tổ trưởng chuyên môn Văn, còn cô T. là giáo viên đã nghỉ hưu, hiện vẫn đang dạy hợp đồng Văn ở trường.
Các quy định về dạy thêm, học thêm, nhà trường đều phổ biến rất kỹ tới giáo viên, cho làm cam kết không vi phạm. Cả cô T. và thầy Ph.đều không có bản đăng ký đi dạy thêm gửi tại trường, nên trường không biết là cả 2 thầy cô này có dạy thêm bên ngoài, sẽ cho kiểm tra lại.
Về câu nói của thầy Ph, ông Hiếu chia sẻ: Qua trao đổi với thầy Ph, thầy có trình bày là nói câu nói với nội dung chủ yếu là muốn em K. chú ý học môn Văn hơn trong học kỳ 2, chứ không được chủ quan do đã có điểm cao khi kiểm tra học kỳ 1, chứ thầy hoàn toàn chẳng có ý gì đe dọa liên quan đến việc học thêm cả.
Theo ông Hiếu, học sinh khối 9 còn nhỏ, có thể các em lại không nghĩ tới ý sâu xa như thầy Ph. nghĩ là dặn dò học sinh, mà chỉ có thể nghĩ là thầy dọa dẫm khi các em không đi học thêm môn Văn của thầy.
Ông Trần Đặng Trung Hiếu cũng đã đề nghị thầy Ph. cần rút kinh nghiệm lại việc nói ra câu nói có thể khiến cho học sinh, phụ huynh hiểu lầm như vậy.
Ngay sau đó, tại nhà trường, phóng viên của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã được gặp thầy Ph.để nghe thầy chia sẻ về vấn đề này.
Thầy Ph. cho biết mình có dạy thêm tại trung tâm, trong số này có một ít học sinh chính khóa, nhưng thầy lại không đăng ký và báo với lãnh đạo nhà trường.
Đối với trường hợp của em K. thầy giáo này kể lại: Sau khi phát bài kiểm tra học kỳ 1 xong, thấy K. mừng rỡ, thầy Ph. có nói câu nhắc nhở với nội dung chủ yếu là học sinh đừng chủ quan, "nếu không học bài tốt là chết với tui. Tui báo cô Tr. dò bài tiếp ông" (em K.).
Thầy Ph. cho biết là sẽ rút kinh nghiệm việc dạy thêm ở trung tâm nhưng không báo với nhà trường, sẽ không dạy cho học sinh chính khóa ở trong lớp nữa.