Bộ giảm hồ sơ sổ sách ở đâu đấy, giáo viên vẫn phải ghi chép ngập đầu

18/01/2021 06:56
Phan Tuyết
GDVN- Về nhà là bỏ hết bao công việc để lao vào ghi ghi chép chép tới tận khuya ròng rã hàng mấy ngày trời đến tê cả bàn tay, mỏi nhừ cổ và mờ cả đôi mắt.

Sau bài viết “Giáo viên trung học vật vã với việc đánh giá học sinh bằng nhận xét” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/1, chúng tôi tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh của đồng nghiệp từ khắp nơi chia sẻ về những bất cập, những áp lực khi phải ngồi nhận xét bằng lời hàng nghìn em học sinh một lần.

Giáo viên phải ghi điểm nhận xét sổ con trước khi vào sổ chính (Ảnh CTV)

Giáo viên phải ghi điểm nhận xét sổ con trước khi vào sổ chính (Ảnh CTV)

Đồng nghiệp Nguyễn Thu Năm nói rằng: “Đầu tiên áp dụng thông tư 26, giáo viên nào cũng rất hoang mang khi nhận xét từ 100 đến mấy trăm em một lần. Đâu phải nhận xét mỗi trên phần mềm đâu mà copy được.

Giáo viên phải nhận xét kí tên tất cả bài kiểm tra từ 1 tiết trở lên. Nhận xét trong sổ điểm cá nhân, mỗi học sinh ít nhất 2 lần nhận xét và cuối cùng mới nhận xét trên hệ thống. Thấy bảo giảm hồ sơ sổ sách mà toàn thấy tăng thôi”.

Bạn Văn Đức cho biết: “Vợ tôi là giáo viên môn Mĩ thuật, mỗi tuần dạy 22 tiết, tức là 22 lớp, mỗi lớp 40-50 học sinh. Tôi thấy cô ấy cuối học kỳ vừa rồi cặm cụi nhập điểm rồi ghi nhận xét cho từng học sinh tới nửa đêm mà thấy giận mấy ông làm chính sách trên trời.

Cần phải bắt mấy ông nghĩ ra quy định này phải nghĩ ra 1000 nhận xét, nếu không được thì cho về vườn, để tránh ra thêm các chính sách bất khả thi nữa”.

Banh Nguyễn Hương nói rằng: “Tôi là giáo viên môn Địa trung học cơ sở. Tôi dạy 4 khối 6, 7, 8, 9 tổng cộng có 17 lớp. Tôi cảm thấy vô cũng áp lực và khó khăn trong vấn đề nhận xét học sinh theo thông tư 26.

Tôi thấy không cần thiết vì khi giáo viên nhận xét như vậy thì học sinh cũng không biết được. Tôi không hiểu nhận xét để làm gì?”.

Bạn Dương Văn Phong thì cho rằng: “Nhảm nhất là phải vào điểm ở cả 2 phần mềm. 4.0 mà 2 phần mềm không kết nối với nhau”.

Thế nhưng, những phản ánh như thế chưa là gì so với phản ánh của một số thầy cô giáo tại tỉnh Hà Giang. Bởi, nhiều địa phương đã sử dụng vào điểm bằng phần mềm nên giáo viên có thể copy hay gài nhận xét.

Đằng này, còn không ít địa phương giáo viên đang phải vào điểm, ghi lời nhận xét bằng tay. Bởi thế, một lúc mà phải ghi vào mấy cuốn sổ hàng mấy ngàn nhận xét quả là cực hình.

Điều đáng nói là, những lời nhận xét ấy thầy cô ghi, tự thầy cô đọc và phần nhiều không có tác dụng gì đối với học sinh.

Nhận xét bằng tay một lần 5 cuốn sổ, giáo viên trung học “tẩu hỏa nhập ma”

Quy trình vào điểm, ghi lời nhận xét học sinh được thầy giáo H. giáo viên tại tỉnh Hà Giang cho biết như sau: “Chấm bài xong, chúng tôi vào điểm và tính điểm tổng kết.

Ghi nhận xét sổ liên lạc (Ảnh CTV)

Ghi nhận xét sổ liên lạc (Ảnh CTV)

Sau đó, nhập điểm vào sổ con ghi lời nhận xét từng em, sang qua sổ lớp ghi điểm và ghi lại lời nhận xét, tiếp đến vào sổ liên lạc ghi điểm, ghi lời nhận xét, rồi sổ chủ nhiệm và cuối cùng vào học bạ ghi điểm và ghi lời nhận xét.

Nhận xét sổ kế hoạch xong để lên giá sách vì công việc có ở sổ công tác hội họp rồi (Ảnh: CTV)

Nhận xét sổ kế hoạch xong để lên giá sách vì công việc có ở sổ công tác hội họp rồi (Ảnh: CTV)

Ngoài ra, còn có 2 cuốn sổ cũng phải ghi lời nhận xét đó là sổ kế hoạch cá nhân và sổ An toàn giao thông.

Vào điểm, ghi nhận xét sổ chủ nhiệm (Ảnh CTV)

Vào điểm, ghi nhận xét sổ chủ nhiệm (Ảnh CTV)

Thầy giáo H. cho biết: “Sổ kế hoạch giảng dạy tuần nào cũng ghi giống nhau. Họp hành đã có sổ công tác rồi, về lại chép ra đây. Cuốn này là cuốn vô duyên nhất , vì nó chỉ được ghi cho hết giấy, để im trên giá sách, không dùng làm gì, vì công việc có ở sổ công tác hội họp rồi”.

Ghi nhận xét sổ An toàn giao thông hàng tháng (Ảnh: CTV)

Ghi nhận xét sổ An toàn giao thông hàng tháng (Ảnh: CTV)

Mỏi cổ, mỏi tay và mờ mắt vì phải ghi bao nhiêu lời nhận xét lặp đi lặp lại

Nhiều thầy cô giáo thắc mắc, một điểm số kèm lời nhận xét của giáo viên mà nhà trường bắt phải ghi vào đủ loại sổ không biết để làm gì trong khi sổ điểm, học bạ, sổ kế hoạch, sổ An toàn giao thông ghi lời nhận xét cũng chẳng ai đọc vì những cuốn sổ này chỉ để lại trường.

Riêng cuốn sổ liên lạc được gửi về cho từng em nên quy định ghi điểm và lời nhận xét cũng là điểm hợp lý.

Chúng tôi đặt câu hỏi cho một số thầy cô buộc phải ghi lời nhận xét cùng lúc nhiều sổ như vậy thì ghi vào thời gian nào?

Câu trả lời nhận được trả lời là giáo viên tranh thủ triệt để những thời gian dôi dư như nghỉ giữa tiết, thời gian hội họp ở trường.

Về nhà là bỏ hết bao công việc để lao vào ghi ghi chép chép tới tận khuya ròng rã hàng mấy ngày trời đến tê cả bàn tay, mỏi nhừ cổ và mờ cả đôi mắt.

Giải pháp nào để đánh giá học sinh chính xác mà không cần phải ghi nhận xét?

Thứ nhất, cần triển khai sử dụng phần mềm quản lý nhà trường có tên là Vnedu. Giáo viên bộ môn chỉ cần vào điểm và giáo viên chủ nhiệm sẽ nhận xét từng em một cách ngắn gọn sau khi đã trao đổi cụ thể với giáo viên bộ môn.

Quy định này, một giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ phải nhận xét nhiều nhất khoảng 45 học sinh.

Từ bảng tổng hợp kết quả ở phần mềm, giáo viên có thể in ra để khi họp phụ huynh thông báo để cha mẹ các em được biết.

Thứ hai, khi đã vào điểm và ghi lời nhận xét học sinh trên phần mềm thì giáo viên chỉ cần ghi vào học bạ là xong mà không nhất thiết phải sao chép kết quả này vào các loại sổ sách như hiện nay.

Việc nhà trường quy định khá nhiều loại sổ sách buộc giáo viên phải ghi đi ghi lại những nội dung trùng lắp từ sổ này sang sổ kia không chỉ hành khổ giáo viên mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng những giờ dạy.

Bởi, khi giáo viên phải dành quá nhiều thời gian đầu tư cho hồ sơ sổ sách một cách không cần thiết thì thời gian dành cho các hoạt động chuyên môn sẽ bị rút ngắn lại.

Phan Tuyết