Nghịch lý đề trường điểm cao, đề sở điểm thấp

18/01/2021 06:49
Lê Văn Minh
GDVN- Những bài kiểm tra mà nhà trường ra đề thì điểm cao chót vót, đa phần là điểm khá, điểm giỏi, rất hiếm điểm dưới trung bình. Vậy, đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Học kỳ I của năm học 2020-2021 vừa mới đi qua và thời điểm này cũng là lúc các nhà trường tổ chức họp phụ huynh, sơ kết học kỳ và phát thưởng cho học trò. Điều tất nhiên là các nhà trường cũng sẽ phân tích kết quả giảng dạy, học tập trong quãng thời gian học kỳ I.

Tuy nhiên, đối với các trường phổ thông thì chúng ta thường thấy một tồn tại trong từng năm học là những môn mà sở giáo dục ra đề kiểm tra thì điểm rất thấp, thậm chí có những môn hơn một nửa học trò bị điểm dưới trung bình.

Ngược lại, những bài kiểm tra mà nhà trường ra đề thì điểm lại cao chót vót, đa phần là điểm khá, điểm giỏi, rất hiếm điểm dưới trung bình. Vậy, đâu là nguyên nhân của vấn đề? Lý giải điều này thật dễ dàng nhưng lại cũng khó khăn vô cùng…!

Đề của sở ra thường có điểm thấp hơn của nhà trường (Ảnh minh họa: P.L)

Đề của sở ra thường có điểm thấp hơn của nhà trường (Ảnh minh họa: P.L)

Những môn kiểm tra sở ra đề thì điểm thấp bất ngờ

Hiện nay, đối với những lớp cuối cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở thì thông thường sở giáo dục sẽ ra đề kiểm tra một số môn học nhằm hướng tới kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho địa phương mình.

Vì thế, đối với cấp trung học cơ sở thì sở giáo dục sẽ ra các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, cấp trung học phổ thông thêm một số môn tổ hợp nữa để các em làm quen với các dạng đề thi sau này.

Những môn mà sở giáo dục ra đề thì giáo viên và học sinh thường phải ôn tập vất vả nhiều hơn bởi không biết sở ra chỗ nào nên giáo viên phải ôn tập hết kiến thức của học kỳ, không dám bỏ phần nào.

Thế nhưng, trớ trêu ở chỗ là học sinh học các môn này nhiều hơn mà kết quả lại không cao bởi có những học sinh không làm được bài, hoặc chỉ làm được một số câu hỏi rồi thôi.

Nếu như nhà trường tổ chức gác kiểm tra nghiêm túc, bài được rọc phách, chấm theo từng phòng thì điểm thường rất thấp, nhất là những môn kiểm tra tự luận, học sinh khó có cơ hội trao đổi với nhau.

Cũng may là điểm trung bình môn được cộng cả các cột điểm thường xuyên và định kỳ trước đó chứ không thì điểm các môn sẽ rất thấp bởi một số môn có đa phần có điểm dưới trung bình.

Cũng chính vì vậy mà mỗi lần sơ kết học kỳ thì ban giám hiệu, thậm chí là lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương luôn đặt câu hỏi là tại sao những môn mà đề sở giáo dục ra đề thì điểm thấp mà những môn trường ra đề thì điểm lại cao bất thường?

Lý giải vấn đề này có khó không?

Thực ra, việc sở giáo dục ra đề kiểm tra, nhiều học sinh không làm được bài cũng là một điều rất bình thường bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất: khi sở ra đề thì họ không giới hạn nội dung ôn tập cho các trường. Trong khi kiến thức môn học thì nhiều, có những môn như Ngữ văn lớp 9 lên đến 5 tiết/tuần, Toán 4 tiết/tuần... Trong đó, nhiều nội dung kiến thức không chỉ ở lớp 9 mà còn có nhiều kiến thức ở lớp 6,7,8.

Đối với đề lớp 12 cũng vậy, có nhiều nội dung kiến thức ở lớp 10, lớp 11 nên những em có học lực trung bình rất khó nhớ những kiến thức của những năm học trước.

Hơn nữa, học sinh có tới hơn 10 môn học mà thời gian kiểm tra học kỳ chỉ gói gọn tối đa trong vòng 1 tuần nên chuyện nhiều học sinh không làm được đề của sở ra cũng là một điều dễ hiểu.

Thứ hai: đề của sở giáo dục thường có yêu cầu cao hơn rất nhiều đề của trường, thậm chí có những đề kiểm tra không sát với kiến thức trọng tâm đã học, nhất là đề cho khối trung học cơ sở.

Bởi, mỗi sở có một vị chuyên viên phụ trách một môn học nhưng thông thường là chuyên viên này có điểm xuất phát là giáo viên trung học phổ thông, nhiều khi lại đã làm quản lý nhiều năm học…

Chính vì thế, có những lúc ra đề kiểm tra học kỳ cho khối trung học cơ sở không sát với thực tế học tập của học sinh. Những hạn chế này cũng đã được báo chí phản ánh khá nhiều trong thời gian qua.

Thứ ba: đề của sở ra, có nghĩa là học sinh cả tỉnh sẽ làm chung một đề bài nhưng học sinh của mỗi địa bàn mỗi khác nhau. Học sinh khu vực thị thành có điều kiện học tập tốt hơn, nhiều em đi học thêm, học trước kiến thức…

Học sinh nông thôn, miền núi thì điều kiện khó khăn hơn nên khi gặp những đề bài này thường không thể làm hết được yêu cầu của đề bài.

Trong khi, đề kiểm tra thì sở phải căn cứ vào tình hình chung và chuẩn kiến thức để ra đề. Vì vậy, có những trường học sinh làm được bài nhưng cũng có trường phần lớn học sinh không làm hết được đề của sở và điểm thấp là chuyện cũng bình thường.

Trong khi, những môn học mà trường ra đề thường điểm cao cũng là một lẽ đương nhiên vì thầy cô giới hạn nội dung ôn tập cụ thể. Nhiều khi, thầy cô “thương” học trò quá thì ôn sát đề, thậm chí còn giải các dạng đề tương tự ở lớp học thêm, ở những buổi ôn tập trên lớp…

Khi làm bài kiểm tra thì học sinh chỉ cần thay số hoặc nhớ được nội dung thầy cô đã ôn tập là làm được bài vì không mấy thầy cô dám ôn xa nội dung đề kiểm tra.

Cũng chính vì vậy mà điểm kiểm tra giữa đề sở và đề trường cứ xa nhau một trời một vực và bất cập này không dễ gì giải quyết trong ngày một ngày hai. Đây cũng là lý do mà học sinh giỏi nhiều, khen thưởng nhiều nhưng khi thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì điểm khá thấp.

Lê Văn Minh