Sư phạm Công nghệ - Ngành học đầy hứa hẹn của nền giáo dục Việt Nam hiện đại

25/01/2021 06:54
Phạm Minh
GDVN- Sinh viên ngành sư phạm Công nghệ là nguồn nhân lực triển vọng để thực hiện chương trình giáo dục mới, cơ hội nghề nghiệp của ngành nghề này ngày càng mở rộng.

Từ vai trò của môn công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành sư phạm công nghệ hứa hẹn là một ngành nghề triển vọng trong tương lai.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề đào tạo cũng như triển vọng của ngành sư phạm Công nghệ trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Đào tạo ngành sư phạm công nghệ theo định hướng giáo dục STEM

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hiện hữu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi trọng thúc đẩy giáo dục STEM nói chung, giáo dục công nghệ nói riêng. Đây là những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp, thúc đẩy nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Để đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra đối với ngành giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiên phong trong vấn đề đào tạo giáo viên công nghệ - giáo dục STEM. Từ năm 2019, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành này.

Sự ra đời của ngành Sư phạm công nghệ - Giáo dục STEM nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cao của các cơ sở giáo dục hiện nay.

Theo học Chương trình Sư phạm công nghệ - Giáo dục STEM tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên được học tập và nghiên cứu về Toán và khoa học (Vật lí, khoa học máy tính), đủ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ trong chương trình.

Cùng với đó là tri thức và năng lực nền tảng về kỹ thuật, công nghệ thuộc các lĩnh vực cơ khí, động lực, điện và điện tử, các kỹ thuật, công nghệ chuyên ngành thuộc một trong ba lĩnh vực: công nghệ và giáo dục STEM; công nghệ IoT; công nghệ điều khiển - tự động hóa. (giai đoạn chuyên sâu).

Mô hình chương trình đào tạo sinh viên sư phạm công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)

Mô hình chương trình đào tạo sinh viên sư phạm công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của trường cũng chú trọng phát triển ở sinh viên những năng lực, kỹ năng thích ứng bối cảnh mới về khoa học và công nghệ như Năng lực công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy phản biện, tư duy đổi mới sáng tạo.

Triết lí đào tạo của khoa Sư phạm kỹ thuật là học đi đôi với hành; học tập dựa trên nghiên cứu; chú trọng thực hành, trải nghiệm kỹ thuật, công nghệ trong môi trường thực tiễn.

"Sinh viên của khoa ngoài học tập, nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, thực hành, còn được trải nghiệm các hoạt động sáng chế kỹ thuật, công nghệ thông qua cuộc thi sáng tạo robot thường niên; cùng với giảng viên, phát triển các sản phẩm kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong thực tiễn.

Đây chính là những hoạt động sinh viên rất đam mê trong quá trình học tập và nghiên cứu tại khoa và cũng là phương thức học tập hiệu quả ở bậc đại học", Tiến sĩ Lê Huy Hoàng chia sẻ. .

Nếu có nhu cầu và có đủ năng lực, trong quá trình học, sinh viên có thể được giới thiệu để làm việc tại một số doanh nghiệp (đang có hợp tác với khoa: Học viện Human Robot; Teky Holdings; KDI Education,…) về giáo dục kỹ thuật, công nghệ.

Qua các hoạt động trên, sinh viên vừa phát triển chuyên môn, vừa hình thành kỹ năng làm việc trong thực tiễn và có thêm thu nhập.

Triển vọng ngành sư phạm Công Nghệ được mở rộng

Từ xu hướng tương lai của nền giáo dục hiện đại, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng khẳng định vai trò của môn học này sẽ ngày càng được coi trọng. Chính vì vậy, những hứa hẹn về nghề nghiệp tương lai của ngành đào tạo Sư phạm Công nghệ là có cơ sở.

Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ - Giáo dục STEM sẽ trở thành những giáo viên sáng tạo, chủ động, tích cực, đón đầu xu hướng mới của giáo dục hiện đại (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)

Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ - Giáo dục STEM sẽ trở thành những giáo viên sáng tạo, chủ động, tích cực, đón đầu xu hướng mới của giáo dục hiện đại (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)

Đầu tiên, sinh viên sau khi ra trường có thể lựa chọn dạy học môn Công nghệ - Giáo dục STEM ở Các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Vai trò của giáo viên môn Công nghệ trong Nhà trường ngày càng được đề cao. Các trường học hiện nay đều rất cần những giáo viên có năng lực để dạy học theo định hướng của chương trình giáo dục mới.

Trong bối cảnh ấy, các trường đang có nhu cầu tuyển dụng giáo viên đào tạo đúng chuyên môn. Giáo viên Công nghệ - Giáo dục STEM được đào tạo đúng chuyên ngành sẽ được mở rộng cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Sư phạm công nghệ còn có cơ hội trở thành giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo sư phạm Công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thiết kế theo hướng phân nhánh, chuyên sâu. Sinh viên năm cuối sẽ được lựa chọn theo các chuyên ngành dựa vào định hướng công việc tương lai.

Chính vì vậy, sinh viên sau này hoàn toàn có thể trở thành những giảng viên Điều khiển và tự động hóa, giảng viên IoT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Khoa Sư phạm Kỹ thuật tổ chức nhiều cuộc thi, tạo sân chơi bổ ích giúp sinh viên học tập, trải nghiệm (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)

Khoa Sư phạm Kỹ thuật tổ chức nhiều cuộc thi, tạo sân chơi bổ ích giúp sinh viên học tập, trải nghiệm (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)

Một cơ hội nghề nghiệp nữa dành cho sinh viên sư phạm công nghệ là làm việc như cử nhân kĩ thuật, công nghệ ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Với kiến thức nền tảng, chuyên sâu về công nghệ - kỹ thuật, sinh viên hoàn toàn có thể chủ động làm việc tại những cơ sở doanh nghiệp khác nhau có lĩnh vực, ngành nghề liên quan.

Xu hướng giáo dục STEM hiện nay cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm công nghệ, họ có thể trở thành giáo viên STEM tại các tổ chức giáo dục khác nhau.

Đặc biệt, sinh viên còn có cơ hội việc làm trong quá trình học tập tại giảng đường đại học, có cơ hội học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành của khoa, theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Trong tương lai gần, Công nghệ sẽ trở thành một môn học có ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của giáo dục trong trường học và các cơ sở giáo dục.

Giáo dục hiện đại đã cho thấy sự cần thiết, tầm quan trọng của môn Công nghệ cũng như vai trò, vị thế của những giáo viên Công nghệ sáng tạo, chủ động, tích cực, đón đầu xu thế.

Phạm Minh