Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Với nhiều giáo viên, ít có công việc nào thu nhập cao như dạy thêm”, nhiều bạn đọc đã đưa ra những ý kiến trái chiều.
Cụ thể, bài viết cho rằng ít có nghề nào thu nhập bằng giáo viên dạy thêm. Chuyện giáo viên dạy thêm, thu nhập ngoài lương hàng trăm, hàng chục triệu đồng một tháng không hiếm.
Để tiện cho việc so sánh, bài viết đã lấy ví dụ về một kỹ sư du học tại Pháp về, đi làm cho một công ty lớn lương cũng chỉ được hơn 20 triệu đồng một tháng.
Vị kỹ sư này còn chia sẻ: “Dù có chọn lại, tôi cũng không chọn sư phạm, vì thu nhập do dạy thêm cao cũng kèm theo đó những điều không trong sáng.
Làm thầy giáo, có thể ít tiền nhưng phải giàu trong mắt học trò mới hạnh phúc. Có những thầy giáo của tôi ít tiền, nhưng với chúng tôi thầy ấy mới thực sự giàu có”.
Đồng tình với quan điểm của bài viết, một bạn đọc cho rằng nhiều giáo viên dạy thêm không phải vì nhu cầu bồi dưỡng cho học sinh mà chỉ vì thu nhập khủng.
Một bạn đọc khác thì cho rằng bài viết quá phiến diện, làm kỹ sư mới ra trường lương 20 triệu đồng một tháng trong khi làm giáo viên 10 năm lương có 6,5 triệu đồng một tháng thôi.
Từ đó, đặt ra câu hỏi là phải chăng giáo viên chỉ được phép giàu có về mặt tâm hồn còn giàu có về vật chất thì là cái tội?
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đối với những giáo viên dạy thêm, thu nhập của họ tăng lên, nhưng mức thu nhập đó chưa thể giúp họ “giàu có về vật chất”:
“Để hoàn thành định mức công việc trên trường, giáo viên đã bỏ ra rất nhiều thời gian và sức lực. Việc dạy thêm chỉ được thực hiện vào buổi tối và cuối tuần.
Vì thế, đối những giáo viên dạy thêm, họ đã phải đánh đổi thời gian chăm lo gia đình, thư giãn cho bản thân, sức khoẻ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Về bản chất của việc dạy thêm, cô Hiền cho rằng việc dạy thêm phụ thuộc vào quy luật cung – cầu trong xã hội:
“Dạy thêm là một trong những loại hình cung ứng dịch vụ giáo dục. Bản chất của loại hình cung ứng dịch vụ giáo dục này khác so với các loại hình kinh doanh khác.
Ông cha ta thường nói “tiền nào của nấy”, nếu bạn bỏ ra 5 triệu sẽ mua được chiếc điện thoại có giá trị tương ứng 5 triệu, nếu bạn bỏ ra 10 triệu sẽ mua được chiếc điện thoại có giá trị tương ứng 10 triệu.
Trong giáo dục, chất lượng giáo dục không thể tính như vậy được. Khó có thể so sánh giá trị đồng tiền với giá trị chất lượng giáo dục như mong muốn.
Có thể người dạy cho đi nhiều hoặc ít kiến thức, cũng có thể người học có chủ động tiếp nhận kiến thức ấy hay không.
Trong cùng 1 lớp, có em học sinh rất ham học, kết quả học tập rất tốt, nhưng ngược lại, có những em học sinh không tập trung học nên kết quả học tập không tiến triển, chẳng khác nào “bỏ tiền ra nhưng không lấy hàng về”.
"Đối với tôi, khi được mời dạy cho các cơ sở giáo dục khác, có cơ sở trả phí nhiều hơn, có cơ sở trả phí ít hơn, nhưng không vì thế mà chất lượng giờ dạy tăng – giảm cùng với mức phí mình nhận được.
Khi mình đứng trên bục giảng là mình phải cố gắng dạy tốt nhất có thể. Điều đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà nó còn là lòng tự trọng của một người làm giáo dục.
Có thể bạn chỉ dạy những học sinh đó 1 lần, nhưng bạn để lại dấu ấn như thế nào, học sinh học được gì và sau này còn nhớ gì về bạn, điều đó quan trọng hơn tất cả.
Bản chất của dạy học nói chung và dạy thêm nói riêng là “cho đi vô điều kiện”. Nếu việc học thêm là tự nguyện và người dạy sẵn sàng “cho đi vô điều kiện” hết những kiến thức mình có, dẫn dắt người học tiếp thu được nhiều kiến thức nhất có thể thì việc dạy thêm là điều tích cực.
Chất lượng giáo dục của thầy sẽ được đền đáp bằng uy tín giáo dục, tạo tiếng tăm giúp nhiều người có như cầu học thêm tìm đến thầy. Công việc cứ thế tiếp nối giúp người thầy vừa “giàu có” hơn về vật chất, vừa giàu có về tâm hồn.
Ngược lại, nếu việc học thêm là không tự nguyện và người dạy đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của người học thì hoạt động giáo dục ấy sự “cho đi” đã kèm theo “điều kiện” rồi.
Trong trường hợp này, người thầy có thể “giàu có” lên nhờ dạy thêm nhưng rõ ràng sự giàu có về mặt tâm hồn là không còn nữa.
Vì vậy, khi nhìn nhận một sự việc cần phải nhìn vào bản chất và suy xét theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Không thể lúc nào cũng chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của việc dạy thêm, gắn việc dạy thêm với những điều xấu xa mà quên mất rằng nó cũng đem lại lợi ích và xuất phát từ nhu cầu thực của xã hội.
Dù có đổi mới chương trình, đưa ra những điều luật mới thì việc dạy thêm, học thêm vẫn âm thầm diễn ra”, cô Hiền cho biết.
Để hoạt động dạy thêm đạt được những điều tích cực, theo cô Hiền cần phải có cơ chế để các nhà quản lý có thể quản lý được hoạt động này.
Thu nhập giáo viên có được từ hoạt động dạy thêm, giáo viên cũng cần đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, với những học sinh không có nhu cầu học thêm thì không “ép” được:
“Theo tôi trước tiên cần phải có các quy định mới về hoạt động dạy thêm, học thêm từ Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung cho Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Những quy định mới này cần phải thỏa mãn 2 điều kiện: 1 là người dạy thêm phải đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ cho nhà nước, 2 là học sinh không muốn học thêm sẽ không thể bị ép buộc được.
Bên cạnh đó cần phải xem xét tăng lương cho giáo viên để họ yên tâm công tác, tránh việc tìm cách ép học sinh đi học thêm để tăng thu nhập.
Nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ việc dạy thêm, học thêm sẽ phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực.”