Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú có quá tầm với của nhiều giáo viên?

24/01/2021 07:14
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Chỉ nhìn vào tiêu chuẩn xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú thì chúng ta đã thấy khó khăn vô cùng bởi nếu là một giáo viên đứng lớp rất rất ít có cơ hội để đạt được.

Việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cho đội ngũ nhà giáo là một sự ghi nhận đáng trân trọng của Đảng và Nhà nước dành cho những thầy cô đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.

Nhìn chung, những nhà giáo được xét và công nhận các danh hiệu cao quý này trong những năm qua hoàn toàn xứng đáng bởi họ là những người tiêu biểu của các nhà trường, các địa phương dù là ở cương vị lãnh đạo hay là giáo viên đang trực tiếp đứng lớp.

Song, nhìn từ danh sách những nhà giáo đã được xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú trong những năm qua thì chúng tôi cũng thấy còn nhiều băn khoăn bởi những thầy cô ở các cấp học mầm non, phổ thông rất ít người được xét các danh hiệu cao quý này, nhất là những thầy cô không đảm nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Các nhà giáo ở Thành phố Hà Nội được trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú năm 2017 (Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN)

Các nhà giáo ở Thành phố Hà Nội được trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân,

Nhà giáo Ưu tú năm 2017 (Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN)

Tại sao giáo viên cấp mầm non và phổ thông lại khó có cơ hội xét danh hiệu cao quý này?

Chỉ nhìn vào tiêu chuẩn xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú thì chúng ta đã thấy khó khăn vô cùng bởi nếu là một giáo viên đứng lớp rất rất ít có cơ hội để đạt được các tiêu chuẩn theo quy định.

Đa phần giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đạt danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân phải là người đảm nhận chức vụ từ tổ trưởng chuyên môn trở lên, rất hiếm những giáo viên không đảm nhận chức vụ trong các nhà trường được xét các danh hiệu cao quý này bởi các lý do sau:

Thứ nhất: việc giáo viên không đảm nhận chức vụ mà có 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 07 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp là rất khó.

Bởi, đạt được các danh hiệu này còn liên quan việc giáo viên đó phải đạt giải sáng kiến kinh nghiệm từ cấp huyện trở lên, điều này đã được quy định trong Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ.

Trong khi, đạt được sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, cấp tỉnh trong những năm gần đây là khó vô cùng, nhất là những giáo viên dạy lớp đơn thuần…

Dù không phải là tất cả nhưng với cách chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay thì lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng, Sở “dễ đạt giải” hơn nhiều giáo viên đứng lớp.

Thứ hai: việc đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cấp tỉnh, cấp bộ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ còn khó khăn hơn nữa.

Bởi, các danh hiệu thi đua này thường yêu cầu số phiếu rất cao mà thường phân bổ chỉ tiêu cho từng Phòng Giáo dục. Vì thế, giáo viên không đảm nhận chức vụ dù có đạt được thành tích để xét thì cũng không dễ dàng đạt được số phiếu tín nhiệm theo quy định.

Thứ ba: việc lấy ý kiến thăm dò dư luận, lấy phiếu tín nhiệm của các Hội đồng xét đề nghị danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú là một khâu vô cùng quan trọng trong việc các địa phương gửi danh sách về Sở, Sở gửi về Bộ.

Bởi, những giáo viên mà đảm nhận chức vụ, là lãnh đạo nhà trường hay là Hội đồng bộ môn thì họ có ảnh hưởng, có quen biết với nhiều người.

Những người không đảm nhận chức vụ thì thường ít có cơ hội giao lưu, họp hành, tham gia các hoạt động của Phòng, Sở nên cũng không mấy ai biết mặt, biết tên nên cũng rất khó có thể nhận được 90% phiếu tín nhiệm của Hội đồng.

Có lẽ vì thế mà trong số 14 nhà giáo được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” vì có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo dân tộc thì chúng ta chỉ thấy có người là giáo viên đứng lớp, đó là cô Huỳnh Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Dù đây là điều rất đáng mừng nhưng nhiều người cũng không khỏi chạnh lòng vì số lượng trường học, giáo viên phổ thông đông gấp nhiều lần các trường đại học nhưng số lượng xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân lại chỉ có…1 giáo viên cấp tiểu học mà thôi.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú theo Nghị định số 27/2015/NĐ-CP của Chính phủ

Đối với Nhà giáo Nhân dân thì tại khoản 3, khoản 4 của Điều 8- Nghị định số 27/2015/NĐ-CP hướng dẫn như sau:

“3. Đã được 01 lần tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp tỉnh, bộ hoặc giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên (riêng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có 02 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ trở lên).

4. Có sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng như sau: "Giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề và trung cấp, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, trường giáo dưỡng: Chủ trì 03 sáng kiến hoặc 01 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy, giáo dục, được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu”.

Đối với danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” thì cũng tại khoản 3, khoản 4 của Điều 9- Nghị định số 27/2015/NĐ-CP quy định:

“3. Đã 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 07 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 01 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ.

Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đã 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 05 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú:

4. Tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng như sau: a) Giáo viên mầm non: Đảm bảo chất lượng và hiệu quả nuôi dạy trẻ; chăm sóc, giáo dục trẻ đạt chất lượng cao, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập, góp phần thu hút trẻ đến trường; thực hiện xuất sắc mục tiêu, yêu cầu của ngành học giáo dục mầm non; Hướng dẫn, vận động được nhiều cha mẹ các cháu nuôi dưỡng, chăm sóc con theo phương pháp khoa học; được cha mẹ các cháu tín nhiệm; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên. Chủ trì 02 sáng kiến về đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ đã được áp dụng có hiệu quả cao trong trường, được hội đồng sáng kiến cấp huyện nghiệm thu. b) Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở: Có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong học tập; Giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; Chủ trì 02 sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh đã được áp dụng có hiệu quả cao trong trường, được hội đồng sáng kiến cấp huyện nghiệm thu. c) Giáo viên trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, trường giáo dưỡng: Giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của người học; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên; Chủ trì 02 sáng kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy, giáo dục, được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu”.

Về số phiếu tín nhiệm thì tại khoản 7, khoản 8 ở Điều 11 của Nghị định số 27/2015/NĐ-CP quy định: “Cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” phải đạt từ 90% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng; Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” ở mỗi cấp có Tổ thư ký, do Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập. Tổ Thư ký có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tổng hợp kết quả thăm dò dư luận; gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên Hội đồng và tổ chức cuộc họp của Hội đồng”.Với những quy định như vậy, thì việc giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đang trực tiếp đứng lớp mà không đảm nhận các chức vụ rất khó đạt được.

NGUYỄN NGUYÊN