Chuyện học sinh chúng ta bị trói buộc, thiếu sáng tạo trong cách dạy áp đặt một chiều của thầy cô đã được dư luận lên tiếng từ lâu.
Những cuốn sách “văn mẫu, văn chọn lọc” từ tiểu học cho đến trung học nhan nhản trong các nhà sách, tiếc thay đó lại là sản phẩm được giáo viên giới thiệu cho học sinh mua tham khảo và ... học thuộc lòng.
Có đồng nghiệp của người viết vẫn thuộc lòng “mẫu” mở bài khi tả về phong cảnh quê hương “Quê hương em không phải áng mây hồng, hay cơn gió nhẹ làm rung rinh cánh hoa nhài trước cửa. Mà quê hương em là núi này, đất nọ, sông kia, là những cái gì thân thuộc nhất của em. Hễ nói đến quê hương em, là nghĩ ngay đến...”.
Học sinh cứ làm theo bài mẫu của cô giáo cho là đạt điểm cao, làm trái ý cô, nói theo ý mình là điểm thấp. Thế mới có chuyện vui “Thầy giáo nọ chấm văn học sinh giỏi, vừa đọc vừa gật đầu chào lia lịa. Trả lời bạn tại sao gật đầu hoài vậy, thầy bảo cứ gặp bạn quen suốt trong bài viết của học trò”.
Tệ nạn “văn mẫu” lại nở rộ ngay chính trong nội tại thầy cô giáo. (Ảnh minh họa: Vanmauhoctro.com) |
Cứ thế, ngày qua ngày chúng ta giáo dục ra những thế hệ học sinh thiếu sáng tạo, không dám nói điều mình nghĩ, không phải là chính mình trong... suốt cuộc đời.
Tệ hại hơn “văn mẫu” đã thấm vào máu, người ta sao chép trí tuệ của người khác để làm cả luận án thạc sĩ, tiến sĩ, sáng kiến kinh nghiệm ... để làm cơ sở trèo cao, luồn sâu hơn, gây biết bao tác hại cho dân tộc.
Tệ nạn văn mẫu đã và đang được thay đổi nhờ cách ra đề mở; những ý kiến trái chiều, những góc nhìn khác, nhưng đúng, trúng, đã được công nhận trong trong giáo dục và phản biện xã hội.
Văn mẫu dần dần sẽ không còn đất sống trong giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
Thầy cô đồng phục giáo án có nên chăng?
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Bộ Giáo dục vừa thay mẫu mới, chợ giáo án online lập tức trở nên nhộn nhịp” của tác giả Lê Mai, bài viết đã nhận được sự quan tâm của thầy cô giáo trên cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.
Kế hoạch bài dạy (giáo án) để tổ chức dạy học sẽ thực hiện theo khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV của văn bản này.
Theo đó, giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy phải theo mẫu thống nhất, vì vậy tất cả giáo viên đang dạy phổ thông phải đồng loạt thay giáo án.
Việc thay đổi mẫu giáo án mới của Bộ đã trở thành “món ăn béo bở” của những “hợp tác xã soạn giáo án mẫu”.
Chỉ cần bỏ ra một ít “phí” là có ngay giáo án mẫu của bất cứ môn học nào trong chương trình phổ thông mới và cũ.
Vô hình trung Kế hoạch bài dạy phải theo mẫu thống nhất của Bộ đã tạo nên thị trường mua bán giáo án, tệ nạn “văn mẫu” lại nở rộ ngay chính trong nội tại thầy cô giáo.
Mỗi học trò, mỗi lớp học, mỗi trường học là những trận địa khác nhau mà người chiến sĩ cầm phấn phải tấn công để tiêu diệt giặc dốt.
Mỗi trận đánh khác nhau cần một phương án, kế hoạch tác chiến khác nhau, không thể dùng chung một phương án.
Dạy học cũng vậy, phải linh hoạt sử dụng các phương pháp với mỗi đối tượng học sinh, dạng bài học.
Vì vậy, không thể dùng chung một mẫu bài soạn, phải để giáo viên được tự do sáng tạo, viết kế hoạch bài dạy theo kiểu của mình thích, hình thức mình diễn đạt.
Xin đừng đồng phục giáo án, lặp lại vết xe đổ văn mẫu trong giáo dục. Đồng phục giáo án sẽ tạo ra thợ dạy, robot dạy học, chứ không phải những người thầy truyền đạt hứng thú học tập trong dạy học, hứng thú học tập là cái học sinh cần chứ không phải những bộ hồ sơ đẹp.