Không học chữ trước lớp 1, nhiều học sinh khó theo kịp Chương trình mới

25/01/2021 07:15
Phan Tuyết
GDVN- Sau những cố gắng của ngành để khắc phục những tồn tại, khó khăn, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi thầy cô giáo học sinh lớp 1 đã có những chuyển biến...

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 1. Có lẽ chưa bao giờ triển khai chương trình mới lại gặp “sóng gió” như lần này.

Học sinh lớp 1 tại Bình Thuận (Ảnh: Phan Tuyết)

Học sinh lớp 1 tại Bình Thuận (Ảnh: Phan Tuyết)

Những ồn ào về "sạn” trong 5 bộ sách giáo khoa, những yêu cầu kiến thức quá nặng khiến học sinh lớp 1 phải học quá tải, khiến phụ huynh cũng phải vất vả cùng các con vật lộn với từng con chữ hằng đêm, những áp lực về đổi mới phương pháp giảng dạy để theo kịp chương trình mới khiến giáo viên đau đầu.

Sau một học kỳ đã trôi qua, sau những cố gắng của ngành để khắc phục những tồn tại, khó khăn, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi thầy cô giáo học sinh lớp 1 đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Nhiều học sinh đọc, viết tốt hơn

Cô Dung giáo viên dạy lớp 1 tại Bình Thuận nhận xét: “Nhìn chung học sinh lớp 1 năm nay nhiều em đọc, viết tốt hơn. Có em đã đọc được một đoạn văn bản khá dài, đã biết nghe viết được vài câu.

Có em tỏ ra thích đọc các bài tập đọc và đã biết đọc những câu chuyện ngắn, có âm vần đơn giản.

Một số giáo viên chia sẻ nhiều học sinh rất tự tin, năng động trong giờ học. Các em biết học nhóm, giao lưu với bạn, đặt câu hỏi với giáo viên, biết giúp đỡ bạn trong học tập, tự làm các công việc của mình…

Tuy nhiên, ngoài những chuyển biến tích cực từ chương trình mới vẫn bộc lộ những tồn tại mà nhiều giáo viên lớp 1 mong muốn được tháo gỡ trong những năm học sắp tới.

Học sinh có lực học trung bình, yếu kém vật vã vì không theo kịp chương trình

Cô giáo Hương cho biết, nhiều học sinh đã đọc thông viết thạo ngay học kỳ 1 cũng chưa chứng tỏ được sự thành công của chương mới. Bởi, ngay khi vào lớp 1 ở lớp của cô dạy đã có khoảng 2/3 học sinh đi học chữ từ mẫu giáo.

Vào học chính thức, giáo viên dạy âm vần thì những học sinh này đã đọc lưu loát cả đoạn văn.

Cô Hương nói, ngoài những học sinh đọc tốt, trong lớp vẫn còn không ít học sinh không theo kịp chương trình hoặc theo một cách khó khăn, đuối sức.

Hiện lớp 1 do cô làm chủ nhiệm có khoảng 6 em vẫn chưa đọc được, khoảng hơn chục em đọc một cách khó khăn. Đọc yếu, đọc đánh vần chậm đương nhiên không thể nghe viết.

Cô Hương cho biết, với chương trình này em nào nhanh sẽ đọc rất tốt , ngược lại sẽ rất khó khăn cho những học sinh có lực học trung bình trở xuống.

Cô giáo Mai cho biết, giáo viên rất mệt khi dạy xong một ngày, phải nói là bở hơi tai và thở không nổi. Bài học quá dài, những em học tốt không vấn đề gì nhưng nhiều em yếu theo không kịp nên mong muốn bài đọc ngắn lại để có thời gian rèn đọc kỹ hơn cho các em.

Cô Mai nói, vào lớp là dạy miệt mài cho đến lúc trống hết giờ. Giáo viên hết giảng bài, làm mẫu rồi đi đến từng em cầm tay, hướng dẫn đọc đứng suốt cả buổi học nên rất mệt.

Có phụ huynh bận rộn việc nhà nên tìm thầy cô giáo dạy thêm cho con vào buổi tối hoặc 2 ngày cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật.

Người rảnh hơn chút thì ngồi vào bàn học cùng con tới tận 10 giờ đêm chỉ chủ yếu cho các con đọc và viết.

Chị Hoa có con đang học lớp 1 tại Bình Thuận cho biết, nhà có 2 con nhưng đứa lớn học lớp 1 năm trước không cực bằng cậu em học lớp 1 năm nay. Đêm nào, hai mẹ con cũng ngồi học đến tận khuya.

Từ những thực trạng trên, giáo viên mong muốn điều gì?

Cô giáo Dung cũng cho rằng lớp 1 mà phải đọc nhiều từ trúc trắc, khó hiểu nên khi cho học sinh đọc nối tiếp câu những học sinh không học chữ trước lớp 1 đọc không nổi. Không bỏ rơi học sinh nên giáo viên phải hướng dẫn các em đọc làm cho không khí giờ học chùng xuống vì học sinh phải đợi nhau đọc quá lâu.

Lượng kiến thức yêu cầu đọc, nhớ quá nhiều, kiến thức cũ chưa kịp nhớ lại chồng kiến thức mới lên nên nhiều em học trước quên sau làm giáo viên rất cực. Cô Dung cũng mong muốn bài đọc được rút ngắn lại, giữa các bài mới cần có thời gian để học sinh rèn đọc và ghi nhớ mới qua âm vần khác.

Cô giáo Thắng mong muốn các nhà biên soạn sách sắp xếp lại các âm vần hợp lý hơn như vần dễ học trước, vần khó học sau (hiện bộ sách Cách Diều học sinh học vần ênh, ếch, ương, uông…trước vần ai, oi, ơi..).

Nên thay một số truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện phỏng theo…bằng những bài ca dao, bài thơ có vần điệu dễ hiểu, dễ thuộc cho học sinh vừa dễ đọc vừa mang tính giáo dục cao.

Phan Tuyết