Đừng dạy Sử trên giấy, hãy cùng học trò tới các di tích như gò Đống Đa

25/01/2021 06:56
Thùy Linh
GDVN- Lịch sử chính là phòng thí nghiệm của cả xã hội, đôi khi cái giá cho việc làm thí nghiệm phải trả bằng máu nên tự thân nó là môn rất hấp dẫn.

Theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì năm học 2021-2022 bắt đầu đối với lớp 2 và lớp 6, trong đó nhiều người đặc biệt quan tâm đến bộ môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 6.

Bởi trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên ở bộ môn Lịch sử dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng…khiến học sinh rất sợ, khó nhớ nên giờ đây khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì dư luận xã hội đặt câu hỏi là cần đổi mới thế nào để việc dạy và học môn Lịch sử trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học.

Trước vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà nghiên cứu Lịch sử, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử cho rằng:

“Để môn Lịch sử hấp dẫn, lôi cuốn, người học yêu thích, say mê thì có nhiều yếu tố nhưng trước hết cần giúp người học hiểu Lịch sử rất hay thông qua nhiều câu chuyện li kỳ, với lợi ích từ việc cung cấp kiến thức dạy khôn cho mỗi người”.

Tiến sĩ Maxner- Giám đốc Trung tâm Việt Nam tại Đại học Texas giới thiệu với Giáo sư Vũ Minh Giang cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (ảnh: Giáo sư Vũ Minh Giang cung cấp)

Tiến sĩ Maxner- Giám đốc Trung tâm Việt Nam tại Đại học Texas giới thiệu với Giáo sư Vũ Minh Giang cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (ảnh: Giáo sư Vũ Minh Giang cung cấp)

Giáo sư Vũ Minh Giang nêu ví dụ, đơn cử như nếu làm thí nghiệm ở lĩnh vực khác phải mất nhiều thời gian, tiền bạc mới cho ra được kết quả thì Lịch sử chính là phòng thí nghiệm của cả xã hội, đôi khi cái giá cho việc làm thí nghiệm phải trả bằng máu nên tự thân nó là môn rất hấp dẫn. Nhưng hiện nay chúng ta làm nó bị khô cứng đi là do tiếp cận nội dung đã bắt học trò phải ghi nhớ điều này, ghi lòng tạc dạ điều kia, trong khi chỉ cần một cú nhấp chuột, thông qua Google với nguồn thông tin và dữ liệu vô tận, có thể tìm thấy tất cả các thông tin cần chỉ trong vài thao tác tra cứu đơn giản .

Do đó, theo Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thì trước tiên sách giáo khoa phải gọn nhẹ, đưa vào đó những kiến thức kích thích sự tìm tòi của học sinh hơn là bắt học sinh phải nhớ cái này cái kia. Đó là điều rất quan trọng của đổi mới.

Thứ hai, môn học này gắn với những môi trường, hoàn cảnh, địa điểm cụ thể nên việc kết hợp học ở nhà trường với đi điền dã, xem phim, vào bảo tàng là cực kỳ quan trọng.

“Tôi biết từng có những đoàn sinh viên Mỹ sang Việt Nam học về lịch sử hiện đại Việt Nam đã kết hợp với study tour, trong đó có những buổi thầy trò cùng ngồi tại hầm tướng de Castries ở Điện Biên để dạy và học về cuộc chiến tranh Đông Dương. Rõ ràng đây là hình thức phụ trợ ngoại khóa rất hấp dẫn để mở rộng những kiến thức”, thầy Vũ Minh Giang thông tin.

Còn ta thì sao, ngay tại Gò Đống Đa, một di tích lịch sử gắn với chiến công oai hùng có diễn biến hết sức hấp dẫn mà rất đáng nhớ mà ngoại trừ ngày giỗ trận vào mùng 5 Tết, còn lại suốt 364 ngày trong năm rất vắng vẻ quạnh hiu. Phải chăng ta nên tôn tạo nơi đây và cho tái hiện lại trận đánh dưới các hình thức nghệ thuật và công nghệ hiên đại để thu hút nhân dân và học sinh đến tham quan thì chắc chắn sẽ là một địa điểm vô cùng hấp dẫn.

Điều thứ ba thầy Vũ Minh Giang chỉ ra đó là do người Việt Nam quá cầu toàn nên có rất ít tác phẩm nghệ thuật nói về lịch sử, bởi chưa làm hoặc đang làm thì đã có người đưa ra những phán xét đôi khi mang ý nghĩa rất chủ quan của cá nhân rồi quy kết tác phẩm …

Trong khi ở nước ngoài, các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử luôn được khai thác từ nhiều góc độ khác nhau. Họ có thể văn học hóa, nghệ thuật hóa nhân vật để người xem ham thích lịch sử rồi họ tự tìm hiểu sự thật là như thế nào, tức là họ luôn mong muốn tìm hiểu điều mới.

"Do đó, chúng ta rất cần nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật để cùng lịch sử tạo ra sự hấp dẫn và cần phải nhớ rằng, phạm vi dao động của tác phẩm nghệ thuật khác với quyển sách về lịch sử", thầy Giang nhấn mạnh.

Được biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục lịch sử được thực hiện liên tục ở cả ba cấp học thông qua các môn Lịch sử và Địa lí (cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở), Lịch sử (cấp trung học phổ thông). Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Chương trình môn Lịch sử được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính kết hợp với đồng tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm của chương trình hiện hành (học toàn bộ thông sử ở cả ba cấp).

Trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Các chủ đề được xây dựng trên cơ sở tổng hợp những kiến thức lịch sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở, tạo cơ sở để học sinh tiếp cận một cách toàn diện các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng… qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, thông qua các chủ đề, học sinh nhận thức được sự tương tác giữa lịch sử thế giới, khu vực với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn của Chương trình môn Lịch sử là đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực với mục tiêu hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống; đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn.

Chương trình chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử.

Cùng với việc đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử theo định hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức lịch sử trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử, thuộc lòng và ghi nhớ máy móc làm trung tâm của việc đánh giá.

Chương trình khuyến khích việc sử dụng phối hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau đối với môn Lịch sử như: kết hợp giữa kiểm tra miệng, kiểm tra viết và bài tập thực hành, dự án nghiên cứu; kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá...

Thùy Linh