Người Lô Lô (ở Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) đón Tết với những phong tục tập quán mộc mạc. Từ ngày 28 - 29 tháng Chạp, các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ với ý nghĩa tống khứ những rủi ro của năm cũ.
Chiều 30 Tết, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe.
Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái; đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.
Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.
Đêm đón giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc với vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà.
Người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới.
Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng.
Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu: "Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn", cho nên, ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh.
Video: Thăm bản của người Lô Lô
Ngày Tết đến thăm dân tộc ít người nhất Việt Nam. Video: Tùng Dương. |
Nơi sinh sống của người Lô Lô có lối kiến trúc cơ bản là những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất sét nện, hai tầng tường không trát, với mái lợp ngói xi măng hoặc lợp tranh.
Hàng rào quanh nhà người Lô Lô cũng được sắp lại bằng những hòn đá tai mèo, Theo quan niệm từ bao đời nay thì hàng rào bằng đá sẽ ngăn được giá rét và thú dữ. Tuy chỉ là những hòn đá sắp lên nhau nhưng rất chắc chắn không bị xô lệch.
Qua chiếc cổng nhỏ cũng được xếp bằng đá, chúng tôi đã vào thăm một gia đình người Lô Lô. Nhà người Lô Lô có hai cửa, một cửa chính chỉ mở ra vào buổi sáng rồi đóng lại, sinh hoạt trong ngày đi qua cánh cửa còn lại.
Trên mỗi cánh cửa là những miếng bùa màu đỏ để trừ tà. Sát nhà là chuồng bò, đầu hồi là bếp và cũng là nơi chứa ngô, nguồn lương thực chính của người Lô Lô.
Một nét văn hóa độc đáo nữa được biết đến nhiều ở người Lô Lô là những bộ váy áo rất đặc trưng. Trong 3 nhóm người Lô lô thì trang phục của Lô lô Hoa là đặc sắc. Một bộ trang phục đầy đủ gồm có áo, quần hoặc váy, khăn.
Áo là loại áo ngắn, cổ tròn may kiểu xẻ ngực, tay dài. Thân trước và thân sau trang trí các mảng màu hình tam giác. Tay áo gồm 4 đoạn dài may nối lại với nhau những đường kẻ song song.
Phụ nữ Lô lô chải tóc, quấn quanh đầu rồi đội khăn ra ngoài. Có 2 loại khăn vuông và khăn dài. Khi đội, phụ nữ Lô lô Hoa thường gấp đôi rồi quấn quanh đầu, để lộ hoa văn và hạt cườm ra phía ngoài. Ngoài ra khăn mỏ thúc thường được dùng phổ biến để che mặt cho các cô dâu trước khi ra khỏi nhà để về nhà chồng.