Chương trình “Nhà giáo dục truyền cảm hứng”

18/01/2021 15:19
Thu Giang
GDVN- Khi giáo dục chuyển mình trong thời đại mới, giáo viên sẽ là nhà giáo dục truyền cảm hứng và chuyển hóa nội lực người học.

1. Bối cảnh

Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho giáo dục đại học.

Nằm trong guồng chuyển động lớn của xu hướng giáo dục đại học hiện đại, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn phát huy 3 đặc trưng cơ bản của một đại học thời kỳ mới là đổi mới sáng tạo, số hóa và nghiên cứu (Inovation, Digital Factor và Research Factor).

Năm 2019, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Đề án Đổi mới hoạt động giảng dạy giai đoạn 2019-2025 các bậc đào tạo trong toàn Trường.

Với mong muốn thực hiện các mục tiêu của Đề án, Trường Đại học Ngoại ngữ xây dựng và triển khai chương trình tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng.

Nội dung chương trình được biên soạn từ những kinh nghiệm tham gia chuỗi tập huấn Nhà giáo dục đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam tổ chức và từ kinh nghiệm tham gia Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Bộ Khoa học và công nghệ.

Trong tháng 7 và tháng 12 năm 2020, Trường Đại học Ngoại ngữ triển khai chương trình tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng cho gần 500 giảng viên, giáo viên và hơn 100 cán bộ phòng ban chức năng trong Trường.

Sau thành công của 4 khóa tập huấn nội bộ, tháng 9 năm 2020, Trường Đại học Ngoại ngữ triển khai chương trình tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng cho gần 150 giáo viên của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội.

Trong tháng 12 năm 2020, tập huấn cho gần 30 giảng viên của Học viện Y dược học cổ truyền.

Trường Đại học Ngoại ngữ triển khai chương trình tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng cho gần 150 giáo viên của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội.

Trường Đại học Ngoại ngữ triển khai chương trình tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng cho gần 150 giáo viên của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội.

2. Nội dung khóa tập huấn

Chương trình tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng gồm 3 module: Nhận diện bản thân, Kết nối và thấu cảm, Lãnh đạo và truyền cảm hứng. Chương trình tập huấn diễn ra trong 3 buổi, với các hoạt động được tổ chức theo quy trình:

- Hoạt động khởi động về thể chất và tinh thần (warm up), kết nối tập thể;

- Tạo dựng bối cảnh, nguyên tắc lớp học: ngồi vòng tròn đẹp kết nối chia sẻ, thống nhất nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe;

- Nhận diện cảm xúc đầu giờ, chuẩn bị tâm thế, tăng năng lượng tích cực;

- Cùng nhau xây dựng mục tiêu, kì vọng và đồng thuận.

- Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, chiêm nghiệm bản thân, chia sẻ và ứng dụng hoạt động trong giảng dạy.

3. Phương thức tổ chức

Khóa tập huấn được tổ chức theo nhóm nhỏ khoảng 30-40 học viên/nhóm. Cơ sở triết lí của các hoạt động là học tập qua trải nghiệm (Learning by doing) và nền tảng là quá trình thấu cảm & chuyển hóa nội lực bên trong người học.

Hoạt động nhóm

Hoạt động nhóm

Trước buổi học, giáo viên tham gia tập huấn được xây dựng tâm thế với cái nhìn cởi mở (Beginner’s mind) và được dẫn dắt qua các hoạt động để chuyển đổi linh hoạt từ tư duy cố định (Fixded mindset) sang tư duy phát triển (Growth mindset), từ đó rèn luyện và phát huy kĩ năng cho giáo viên trong thời đại mới: kĩ năng tổ chức các hoạt động lớp học theo vòng tròn đẹp, xác định tâm thế và kết nối năng lượng tích cực đầu giờ, kĩ năng xây dựng mục tiêu học tập qua hoạt động Cây kì vọng và Hành trình dòng sông học tập, kĩ năng nhận diện và thấu cảm bản thân.

Dòng sông học tập

Dòng sông học tập

Giáo viên từ việc kết nối lại với chính bản thân mình, sẽ biết cách kết nối với đồng nghiệp, kết nối với học sinh trên nền tảng thấu cảm, tôn trọng sự khác biệt.

Từ đó, ngọn lửa yêu nghề được sống lại, tạo ra những chuyển biến năng lượng bên trong dẫn đến thay đổi về hình thức tổ chức lớp học, hình thức nhận xét học sinh.

Việc phản hồi cho học sinh được thực hành tiêu chí đánh giá theo quy tắc bánh kẹp và tiêu chí 4H: Head, Heart, Hands, Harmony.

Giáo viên biết sử dụng các công cụ lấy ý kiến người học một cách tinh tế, thú vị như Ba lô – Thùng rác – Máy giặt; Head, Heart, Hand; Start, Stop, Continue.

Cây kỳ vọng

Cây kỳ vọng

Quá trình tổ chức hoạt động học tập theo hình thức trải nghiệm cùng nhau sẽ giúp giáo viên thúc đẩy tinh thần khám phá tri thức, gieo hạt và nuôi dưỡng, chuyển hóa năng lượng hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh mình.

4. Kết quả đạt được

Kết thúc khóa tập huấn, các giảng viên, cán bộ tham gia tập huấn đã phát triển các năng lực như: Nhận diện rõ hơn về những phương diện tính cách, thế mạnh của bản thân cũng như những giá trị mà bản thân theo đuổi;

Sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để kết nối, chia sẻ và thấu cảm với đồng nghiệp, với sinh viên và những người xung quanh;

Tăng cường sự tự tin, mức độ tôn trọng sự khác biệt, tư duy phát triển và sự hiểu biết về cộng đồng nơi mình đang làm việc;

Có thêm cảm hứng và động lực để tìm hiểu, tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và trong các hoạt động giáo dục;

Áp dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những kỹ năng đã học vào trong hoạt động giảng dạy của mình.

Mỗi khóa học kết thúc, rất nhiều tiếng cười và những giọt nước mắt còn đọng lại; nhưng quan trọng hơn hết, khóa tập huấn giúp người giáo viên tìm lại được tình yêu với nghề giáo và có nhiều công cụ hơn để thấu hiểu người học, đồng nghiệp và lãnh đạo nhà trường, từ đó thực hiện công tác giảng dạy một cách hiệu quả và hạnh phúc…

Thu Giang