Luồng gió mát từ triển khai chương trình mới ở Hưng Yên, Phú Thọ

31/01/2021 06:19
Thùy Linh
GDVN- Từ khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên được sáng tạo, năng động hơn, linh hoạt đổi vị trí nội dung trong bài giảng nếu thấy phù hợp.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi lắng nghe chia sẻ của một số giáo viên đang giảng dạy lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới thì do những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đã được chẻ nhỏ ra thành các năng lực đặc thù, điều này đã tạo thuận tiện cho giáo viên để bám vào đó thúc đẩy học sinh.

Sau một học kỳ các em mạnh dạn, tự tin rất nhiều, đặc biệt qua qua những tiết học trải nghiệm được lồng ghép vào các môn học giúp thầy cô phát hiện ra năng lực và tạo điều kiện học sinh phát triển năng lực.

Đánh giá về học kỳ 1 vừa qua đối với học sinh lớp 1, Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Hưng Yên – Phan Xuân Quyết cho hay: “Để quán triệt tinh thần đổi mới thì nhiều năm qua Hưng Yên dù khi vẫn đang học chương trình cũ thì địa phương đã có những động thái chuẩn bị sẵn sàng cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo tinh thần đó nên khi thực hiện chương trình mới thì yêu cầu dạy học, các yêu cầu đổi mới triển khai rất nghiêm túc và có hiệu quả”.

Giáo viên đánh giá, sau một học kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn hẳn (ảnh: Thùy Linh)

Giáo viên đánh giá, sau một học kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn hẳn (ảnh: Thùy Linh)

Cô Quyên – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6, Trường Tiểu học Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cho biết, nếu trước đây mỗi giờ chào cờ hoàn toàn là nhiệm vụ của Đội trong đó theo truyền thống là có Chào cờ, cô tổng phụ trách tổng kết tuần vừa qua, cô hiệu trưởng phát biểu kế hoạch cho tuần tới nhưng từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới có môn trải nghiệm thì giờ chào cờ đã có sự thay đổi.

Học sinh giờ đây không còn phải ngồi nghe nữa mà mỗi tuần có một chủ điểm khác nhau nên các em được tham gia rất nhiều kỹ năng như hát múa, nhảy, trả lời nhiều câu hỏi và tìm hiểu thêm về nhiều kỹ năng sống như an toàn giao thông cùng với các diễn giả giúp học sinh năng động, chủ động hơn rất nhiều.

“Ban đầu các em rất nhút nhát nhưng qua 18 tuần hoạt động thì sang tuần 19 trong ngày hội đọc sách của trường đã có học sinh lớp 1 chủ động đặt câu hỏi cho nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Điều này giúp cho không chỉ lớp 1 mà các em học sinh lớp khác đều được tham gia giờ trải nghiệm thật hứng thú. Nếu trước đây mỗi tiết chào cờ các em ngồi ở dưới không biết bao giờ thầy cô mới nói xong để vào lớp thì giờ đây các em thấy tiết học trải nghiệm trôi qua rất nhanh”, cô Quyên chia sẻ.

Trong khi đó, theo cô Tú Uyên – giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên nếu trước đây giáo viên phải dạy theo quy trình cũ, cứng nhắc theo một mô-tuýp thì từ khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên được sáng tạo, năng động hơn, linh hoạt đổi vị trí nội dung trong bài giảng nếu thấy phù hợp.

“Thực hiện chương trình hoàn toàn mới buộc giáo viên phải bắt đầu từ đầu kể cả từ việc soạn giáo án, kế hoạch bài giảng, tuy nhiên chương trình có học liệu mở đây là nguồn tài nguyên rất nhiều, phong phú nên chúng tôi có thể tự khai thác để bổ sung những gì cần. Chính điều này khiến giáo viên dù vất hơn nhưng học được nhiều hơn, tự tin năng động hơn, dám đổi mới”.

Còn tại Phú Thọ, cô Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Sơn (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho hay, đến thời điểm này, mặt bằng chung học sinh lớp 1 của trường đọc tốt hơn, đặc biệt viết được chữ cỡ nhỏ. Đây là sự tiến bộ vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, khả năng tính toán và tư duy logic cũng phát triển, nhanh nhẹn hơn.

“Theo thiết kế của chương trình trước đây, đến thời điểm này, các học sinh lớp 1 mới chỉ viết chữ lớn (cỡ 2 ly). Nhưng năm nay, chương trình phổ thông mới được thiết kế giúp cho học sinh tiếp cận sớm với chữ cỡ nhỏ. Kết thúc học kỳ 1, hầu hết các học sinh của trường đã có thể viết chữ cỡ nhỏ (1 ly) với độ khó cao hơn”, cô Nguyệt nói.

Các giáo viên sau một thời gian dạy chương trình mới đã thực sự có cảm hứng khi học sinh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, sự tương tác liên tục với cô và bè bạn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, qua đánh giá thì ngoài đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, các em còn cho thấy tự tin hơn nhiều so với trước đây (ảnh: Thanh Hùng)

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, qua đánh giá thì ngoài đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, các em còn cho thấy tự tin hơn nhiều so với trước đây (ảnh: Thanh Hùng)

Đánh giá về hiệu quả tại địa phương mình, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ - Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng qua một học kỳ thực hiện chương trình phổ thông mới, đặc biệt qua hội thi giáo viên dạy giỏi của bậc tiểu học mà Sở tổ chức trong tháng 1/2021 vừa qua, phải đánh giá rằng các thầy cô thực sự sáng tạo, hoàn toàn chủ động, linh hoạt về phương pháp tổ chức hình thức dạy học.

“Ở hội thi, chúng tôi cho các thầy cô đăng ký khối lớp để dạy, nhưng thật bất ngờ số giáo viên đăng ký dạy chương trình khối lớp 1 năm nay lại đông nhất và nhiều hơn hẳn so với các khối lớp khác.

Còn đối với học sinh, qua đánh giá thì ngoài đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, các em còn cho thấy tự tin hơn nhiều so với trước đây. Theo phản hồi của các giáo viên, việc này cũng giúp phát triển được các phẩm chất và năng lực của các em một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài học sinh chậm hơn so với các bạn khác trong lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường phân loại nhóm này để có kế hoạch, biện pháp theo dõi, giúp đỡ các em hàng ngày trong quá trình học tập trên lớp”, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ chia sẻ.

Thùy Linh