Đầu năm nói chuyện “Nồi cơm của quốc gia”

01/02/2021 06:15
Xuân Dương
GDVN- Người Việt làm giàu bằng trí tuệ, bằng sự sáng tạo dựa trên tri thức khoa học sẽ đưa đất nước thoát khỏi vị thế “công xưởng gia công” của thế giới.

Những ngày đầu năm 2021, câu chuyện một cá nhân tự nguyện nộp thuế 23 tỷ đồng từ hoạt động viết phần mềm trên mạng được bàn tán sôi nổi. Đây là khoản thuế thu nhập cá nhân 2% và thuế giá trị gia tăng 5% (cộng là 7%) trên tổng doanh thu mà họ khai báo.

Theo cơ quan quản lý thuế đây là trường hợp cô gái có thu nhập lên tới 330 tỷ đồng từ việc sáng tạo phần mềm trên Google Play và App Store. Tương tự, một cá nhân khác cũng hoạt động trong mảng sáng tạo phần mềm trên Google Play và App Store có thu nhập 260 tỷ đồng và nộp thuế 18,1 tỷ đồng.

Có hai điều khá thú vị:

Thứ nhất, những người nộp thuế nêu trên đều thuộc thế hệ 9X;

Thứ hai, số tiền hàng trăm tỷ mà họ kiếm được gần như chỉ sử dụng chất xám, không gây hại môi trường và cũng không sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên như không ít doanh nghiệp hiện nay.

Theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP “Hướng dẫn Luật quản lý thuế”, danh tính người/cơ quan nộp thuế chỉ được được công khai trong mười trường hợp (có vi phạm).

Các thông tin công khai sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế các cấp; phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết tại trụ sở cơ quan quản lý thuế,…

Một vị khi còn lãnh đạo ngành Giáo dục từng phát biểu: “Đào tạo tại chức là nồi cơm của các trường đại học”. Vậy nói “Thuế là nồi cơm của quốc gia” có hoàn toàn chính xác?

Nói “Thuế là nồi cơm của quốc gia” có chính xác? (Ảnh minh hoạ trên Laodong.vn)

Nói “Thuế là nồi cơm của quốc gia” có chính xác? (Ảnh minh hoạ trên Laodong.vn)

Tại nhiều nước phát triển cả phương Tây lẫn phương Đông, xét về mặt đạo đức và uy tín xã hội, những người trốn thuế bị đánh giá thấp hơn nhiều so với những người có “quan hệ ngoài luồng”, một số trường hợp còn bị coi là tội nặng, bị xã hội phê phán kịch liệt.

Tại Việt Nam sử dụng văn bằng giả mạo hoặc bằng thật nhưng chất lượng đào tạo “rởm” do một số đại học, học viện cấp dù có rất nhiều kiến nghị đòi công khai nhưng cho đến nay chưa thấy cơ quan chức năng công bố.

Đa số dân chúng Việt Nam thu nhập dưới mức nộp thuế thu nhập cá nhân nên chuyện trốn thuế ít được nhắc đến, sự quan tâm của ngành chức năng chủ yếu nhắm tới các “ông lớn”. Không ít trường hợp, đụng chạm đến họ lại là vấn đề phải cân nhắc, đặc biệt khi “ông lớn” không phải doanh nghiệp mà là người có “ghế”.

Báo điện tử Baotainguyenmoitruong.vn, cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường từng viết bài về cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung như sau:

“Việc thu hoạch vườn cao su ước tính 50 triệu đồng/ngày (tạm tính thu hoạch cao su từ năm 2000 – 2012 là khoảng 180 tỷ đồng – PV). Nếu thu nhập “khủng” như vậy, ông Lê Thanh Cung có kê khai tài sản, có kê khai thuế, và có thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân hàng năm với Nhà nước hay không? Và liệu có hay không việc trốn thuế?”. [1]

Báo Kinhtenongthon.vn trong bài “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, trốn thuế?” đã nhận xét:

“Nếu đúng như thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận: Từ năm 2000-2004, ông Cung thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ngày, mỗi tháng ông Cung phải nộp thuế 648.000.000 đồng”. [2]

Có lẽ do trước đây, chưa có quy định cụ thể về chuyện công khai danh tính pháp nhân, thể nhân trốn thuế hoặc chỉ công khai trong phạm vi hẹp nên báo chí mới nêu thắc mắc.

Người viết cho rằng một người từng có địa vị cao trong hệ thống công quyền như ông Lê Thanh Cung, có lẽ không thuộc diện trốn thuế.

Trở lại câu chuyện một số người tự nguyện nộp thuế, có thể thấy chính sách thuế mà Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định đã phát huy tác dụng.

Tuy nhiên không thể phủ nhận ý thức công dân của những người nộp thuế, đặc biệt khi đó là những công dân tuổi đời còn khá trẻ.

Trong điều kiện “Doanh nghiệp đâu có tiền nộp thuế” - như tiêu đề một bài viết trên Vov.vn - thì lại có những cá nhân không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn có đóng góp đáng kể cho ngân sách.

Trong số gần 100 triệu dân, chỉ cần có 3.000 cá nhân như thế (chiếm khoảng 0,003%) thì ngân sách đã có thêm 69.000 tỷ, tương đương 3 tỷ đô la.

Thời báo Tài chính Việt Nam dẫn nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Xuất khẩu gạo năm 2020 đạt khoảng 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD”. [3]

Để có số lượng gạo bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, Việt Nam phải dành ra 1.584.600 ha đất nông nghiệp và số hộ gia đình làm nông nghiệp khoảng gần 12 triệu hộ (số liệu năm 2017 của Worldbank). [4]

Đánh giá của Worldbank cho thấy sản xuất lúa gạo không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước (nước mặt, nước ngầm) mà còn là ô nhiễm đất đai và không khí vì nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Vấn đề là chính sách thuế với những cá nhân kinh doanh bằng sáng tạo phần mềm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Trí tuệ nhân tạo cần phải theo hướng khuyến khích họ chứ không phải tận thu bởi đã có ý kiến “tính hộ” ngành Thuế, rằng “Với mức thu nhập 330 tỷ đồng nếu tính theo biểu thuế thu nhập cá nhân với 7 bậc hiện nay, số tiền thuế cá nhân này phải nộp vào khoảng trên 115 tỷ đồng”. [5]

Rất may là ngành Thuế đã không gật đầu với những “quân sư quạt mo” mà chủ động áp dụng thuế suất với hộ kinh doanh cá thể ngành nghề dịch vụ (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân) chứ không phải là thuế tính theo tiền lương hoặc tiền công.

Cùng với đó cần có hình thức khen thưởng, động viên tinh thần để những tài năng đó tiếp tục sáng tạo, làm giàu cho bản thân và đất nước.

Nếu đã có những cuộc vinh danh các giáo sư, phó giáo sư tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, vinh danh những người làm ăn chính đáng, nộp thuế nhiều cho ngân sách chẳng lẽ lại không đáng?

Tham luận tại Đại hội 13 của Đảng, Ủy viên Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có phát biểu được truyền thông trích dẫn: “Kích thích mọi công dân làm giàu chính đáng”. [6]

Người Việt làm giàu bằng trí tuệ, bằng sự sáng tạo dựa trên tri thức khoa học sẽ đưa đất nước thoát khỏi vị thế “công xưởng gia công” của thế giới và trong một tương lai không xa trở thành quốc gia “Sáng tạo, Phát triển” theo khẩu hiệu trang trí tại hội trường Đại hội Đảng.

Ngay từ bây giờ, có nên chuẩn bị phương án thay thế chủ trương “Làm tổ đón đại bàng” theo hướng “Trồng rừng khuyến khích chim tự đến làm tổ”?

Những loài chim di cư đến rồi lại đi, của ngon vật lạ chúng xơi hết và khi chúng rời đi, chỉ còn lại những chiếc tổ xơ xác, những cánh đồng khô cằn.

Cuộc di cư của các “Đại bàng” trong chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là một minh chứng mà chúng ta không thể không đề phòng.

Nói một cách hình tượng, nếu những chú chim Cắt bay nhanh nhất trong các loài chim (tốc độ lên đến 322km/giờ) lại là “chim Cắt thuần Việt”, gắn bó với dải đất hình chữ S mà không di cư theo mùa thì Đại bàng đến hay không cũng không quá quan trọng?

Giữ chân các tài năng, tránh chảy máu chất xám nghĩa là tạo điều kiện cho họ mở công ty, doanh nghiệp ngay trong nước chứ không phải ra nước ngoài chỉ vì thủ tục ở đó đơn giản và mức thuế phù hợp.

Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan,… gần đây có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung Quốc trở về đầu tư tại quê hương thay vì đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam không thể nằm ngoài trào lưu đó.

Những người làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình, đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia chính là những người yêu nước, điều đơn giản ấy liệu có nên đưa thành triết lý cuộc sống cho gần 100 triệu người Việt?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baotainguyenmoitruong.vn/vuon-cao-su-cua-chu-tich-tinh-binh-duong-co-nguon-goc-la-dat-cong-233747.html

[2] https://kinhtenongthon.vn/bai-4-co-dau-hieu-vi-pham-phap-luat-ve-dat-dai-tron-thue-post15056.html

[3] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-01-07/xuat-khau-gao-cua-viet-nam-trong-nam-2020-vuot-61-trieu-tan-97982.aspx

[4] https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/29241/122934-Crops-VN.pdf?sequence=4

[5] https://zingnews.vn/tai-sao-co-gai-o-ha-noi-kiem-330-ty-nhung-chi-dong-thue-23-ty-dong-post1177587.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/dai-hoi-dang/ba-pham-thi-thanh-tra-kich-thich-moi-cong-dan-lam-giau-chinh-dang-708944.html

Xuân Dương