Giáo viên Đắk Nông mừng vì Bộ bỏ chứng chỉ, nhưng vẫn tiếc nuối đã mất tiền oan

05/02/2021 06:20
Phan Tuyết
GDVN- Đa số các thầy cô giáo đã có chứng chỉ đều tỏ ra nuối tiếc, có hơn tháng trời mà tốn mất mấy triệu bạc, giá như "liều" một chút để chờ đợi sẽ đỡ mất tiền oan.

Giáo viên tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần phản ánh lên tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc địa phương truy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian chờ đợi Bộ Giáo dục ra văn bản chính thức.

Tòa soạn cũng đã đăng tải những bài viết phản ánh về vấn đề này, như: “Không đủ chứng chỉ giáo viên sẽ bị thu quyết định tuyển dụng, Bộ trưởng có biết?”; “Địa phương truy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên mong Bộ sớm "giải vây".

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ 20/ 3/2021.

Tuy hơi trễ so với thông tin công bố của Bộ Giáo dục rằng Bộ dự kiến ban hành các thông tư này trước ngày 31/12/2020, thế nhưng đây chính là sự nỗ lực rất lớn của Bộ đem đến niềm vui lớn cho nhiều nhà giáo chúng tôi.

Giáo viên than mất tiền vì một công văn

Ngày 13/7/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC về việc đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp hiện hành được nhà trường gửi qua email khiến họ đứng ngồi không yên.

Công văn này đã buộc thầy cô thiếu chứng chỉ đi học (ảnh do thầy cô cung cấp).

Công văn này đã buộc thầy cô thiếu chứng chỉ đi học (ảnh do thầy cô cung cấp).

Nội dung công văn nêu rõ:

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, Chứng chỉ tin học) và đối với nhân viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, Chứng chỉ tin học) thì khẩn trương đi học để có Chứng chỉ theo quy định.

Ngoài ra, có thể học và thi để có Chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thay thế cho Chứng chỉ ngoại ngữ.

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cuối công văn còn dòng chữ nhấn mạnh: “Sau thời hạn ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng”.

Nhận được công văn của Sở, giáo viên thật sự hoang mang. Các thầy cô phải suy nghĩ lựa chọn: mất tiền hay mất việc?

Thế là, nhiều giáo viên dù không có cũng phải vay mượn thậm chí là vay nóng để lấy chứng chỉ về cho rồi.

Chứng chỉ tin học 1.500.000 đồng, Chứng chỉ tiếng dân tộc 1.500.000 đồng còn Chứng chỉ ngoại ngữ B2 có giá gần 10 triệu đồng nhưng vẫn phải bấm bụng chi ra, vì theo các thầy cô này, tất cả cũng vì miếng cơm manh áo.

Một số thầy cô giáo nơi đây cho biết, cũng có khá nhiều giáo viên vì tiếc tiền vô ích, vì chờ đợi Bộ Giáo dục ban hành quy định bỏ chứng chỉ nên cũng đánh liều chưa đi học. Thế nhưng bất ngờ ngày 22/12/2020, tất cả các trường thuộc khối trung học phổ thông ở tỉnh Đăk Nông tiếp tục gửi danh sách những giáo viên thiếu chứng chỉ phải bổ sung trước ngày 31/12/2020 về Sở Giáo dục.

Trước thông tin này, cô giáo M nói: “Nhiều giáo viên hoang mang, lo lắng vì chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn nộp chứng chỉ, giáo viên chúng tôi phải làm gì đây? Họ làm thế, chẳng khác nào ngấm ngầm tạo cơ hội để các trung tâm liên kết để đào tạo chứng chỉ cấp tốc và thu tiền của chúng tôi”.

Trước động thái được các giáo viên cho là có tính hối thúc này, những thầy cô giáo chưa đi học đợt trước đã rất hoang mang. Ngày 9/1 hơn 200 giáo viên nơi đây đành bỏ ra mỗi người 1.500.000 đồng để thi Chứng chỉ tiếng dân tộc. Một số khác đi học thi chứng chỉ ngoại ngữ thứ 2.

Giá như liều một chút chờ Bộ, giáo viên đỡ mất oan vài tháng lương

Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các thông tư mới, trong đó bỏ các quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, một số ít thầy cô giáo (đã liều không đi thi) tại tỉnh Đắk Nông vui mừng khôn xiết.

Dòng tin nhắn đầy tiếc nuối của một đồng nghiệp ở Đắk Nông trao đổi với người viết sau khi nghe tin Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Dòng tin nhắn đầy tiếc nuối của một đồng nghiệp ở Đắk Nông trao đổi với người viết sau khi nghe tin Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Thầy giáo H. còn đùa vui: “Canh bạc vừa rồi mình đã chiến thắng nhưng cũng khá hồi hộp. Vì tiếc tiền nên đành đánh cược một ăn cả, hai ngã về không.

Còn đa số các thầy cô giáo đã có chứng chỉ đều tỏ ra nuối tiếc, giá chúng tôi liều một chút sẽ đỡ mất oan số tiền vài tháng lương.

Nỗi khổ về chứng chỉ của giáo viên bao năm qua đã được gỡ bỏ. Chúng tôi biết, để đưa ra quyết định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thấu hiểu, đồng cảm và nổ lực rất lớn để tháo bỏ gánh nặng chứng chỉ đang đè lên vai đội ngũ giáo viên.

Bởi, đưa ra quy định bỏ chứng chỉ đâu phải quyền hạn của riêng Bộ Giáo dục, khi nó được quy định từ Luật Viên chức? Một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể quyết được chắc giáo viên đã không phải đợi lâu đến thế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải kỳ công thuyết phục các cơ quan chức năng khác, mà theo người viết ít nhất phải qua được Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp.

Điều đáng mừng nữa là, cùng với việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.

Tương lai gần, giáo sinh tốt nghiệp trường sư phạm sẽ có đủ trình độ ngoại ngữ và tin học đúng tiêu chuẩn.

Phan Tuyết