Hội nghị hiệp thương về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội

04/02/2021 15:11
Theo TTXVN
GDVN- Để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần.

Sáng 4/2, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với 5 điểm cầu là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan… đã tham dự.

Hội nghị biểu quyết thông qua chủ tọa và thư ký hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội nghị biểu quyết thông qua chủ tọa và thư ký hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết căn cứ kế hoạch của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo quy định, để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3/2/2021 đến ngày 17/2/2021, do trùng với thời gian nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc, để đảm bảo kịp tiến độ và phù hợp về mặt thời gian, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 4/2. Hiệp thương lần hai sẽ xong trước ngày 19/3/2021. Hiệp thương lần ba xong trước ngày 18/4/2021.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ để thực hiện công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần dân chủ, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao, các đại biểu cho ý kiến vào Dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tờ trình của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về cơ cấu, thành phần, số lượng người ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, cho biết cùng với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và cũng là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, có tâm, có tầm, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào Chủ Nhật ngày 23/5/2021 trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ.

Quốc hội Việt Nam đã đồng hành cùng Chính phủ, cả hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, lực lượng vũ trang, cùng vào cuộc để chia sẻ với những khó khăn của nhân dân, giúp nhân dân vượt qua đại dịch, kiểm soát đại dịch và khắc phục hậu quả thiên tai.

Về dự kiến cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những buổi làm việc, trao đổi, thống nhất với đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương và địa phương để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết 1193 ngày 23/1/2021 dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV được dự kiến trên cơ sở đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến số lượng đại biểu ở Trung ương là 207 đại biểu và số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương 293 đại biểu. Cơ cấu kết hợp phấn đấu đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 đại biểu; đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu.

Đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số (trong đó chú ý đến các đại biểu ưu tú trong cộng đồng các dân tộc thiểu số từ trước đến nay chưa bao giờ tham gia đại biểu Quốc hội). Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội...

Để chuẩn bị tốt các bước của quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Tại Hội nghị này, các đại biểu thảo luận dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến tập trung về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở để nghiên cứu, tiếp thu và xem xét điều chỉnh.

Dịch COVID-19 đang lan rộng ra một số địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức các hội nghị hiệp thương. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ hiệp thương tại các địa phương này bảo đảm vừa an toàn phòng chống dịch nhưng cũng bảo đảm tiến độ về thời gian chậm nhất 95 ngày trước ngày bầu cử theo quy định của pháp luật là ngày 17/2/2021 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, 90 ngày trước ngày bầu cử là thời hạn cuối cùng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lại cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là ngày 22/2/2021 (tức ngày 11 tháng giêng năm Tân Sửu 2021).

Theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 09 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2021 đến ngày 11/3/2021.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát nhân sự, tiến hành các bước giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội.

Sau đó, người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử sẽ tiến hành nộp hồ sơ ứng cử, chậm nhất ngày 14/3/2021 là thời hạn cuối cùng để các ứng cử viên nộp hồ sơ ứng cử./.

Theo TTXVN