Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các công lập đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khiến cho hàng triệu nhà giáo vui mừng khôn xiết.
Tuy nhiên, điều mà đội ngũ nhà giáo mong ước thêm là giá như Bộ bỏ luôn cả chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì tuyệt vời nhất bởi thực ra chứng chỉ này trùng lặp với rất nhiều nội dung mà giáo viên đã học trên giảng đường đại học và bồi dưỡng chuyên môn hàng năm.
Hơn nữa, đây là loại chứng chỉ mà hiện nay giáo viên học chưa nhiều nên nếu bỏ được cũng sẽ tiết kiệm cho hàng triệu nhà giáo một số tiền khổng lồ và tránh được lãng phí về thời gian, công sức cho đội ngũ giáo viên trên cả nước.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Ảnh trên giaoduc.net.vn) |
Giáo viên vẫn phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập. Các Thông tư này vẫn yêu giáo viên các hạng có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Chẳng hạn, đối với Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì yêu cầu giáo viên hạng III như sau:
“Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”.
Đối với giáo viên hạng II thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II”.
Giáo viên hạng I thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I”.
Có nghĩa là giáo viên hạng nào cũng đều yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và khi chuyển lên hạng cao hơn lại phải đi học một chứng chỉ mới.
Điều này sẽ gây nên những lãng phí không cần thiết khi xét (thi) thăng hạng đối với giáo viên bởi thực tế nội dung học chứng chỉ này không có những điểm mới so với những nội dung mà giáo viên đã được học, được tập huấn hàng năm.
Nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gồm những chuyên đề gì?
Bản thân người viết bài này đã từng học lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II vào dịp hè năm 2020 và cũng tham khảo nội dung đào tạo của các trường đại học giảng dạy cho giáo viên cấp mầm non đến trung học phổ thông chúng tôi đều thấy đều có thời lượng là 240 tiết học.
Về nội dung học, cơ bản đều có 10 chuyên đề, đó là; Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường; Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ;
Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên; Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.
Nhìn vào những chuyên đề này, mọi người trong ngành có thể nhìn thấy là đa số nội dung học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay của các trường đại học dành cho giáo viên là kiến thức mà các thầy cô đều đã được học thời đại học, cao đẳng sư phạm.
Khi ra trường, với trải nghiệm của công việc thực tế thì người thầy cũng thường xuyên được học tập, bồi dưỡng các nội dung này hàng năm. Năm nào giáo viên chẳng học chính trị 2 lần, năm nào giáo viên chẳng phải đi tập huấn vài lần về chuyên môn, về đổi mới của ngành.
Trong thực tế giảng dạy ở nhà trường thì thầy cô nào lại không phải sinh hoạt chuyên môn mỗi tháng 2 lần, chẳng phải tư vấn cho học trò.
Và, trong những năm gần đây thì ngành Giáo dục chủ trương chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh nên giáo viên đã quá rõ vấn đề này. Hàng năm, giáo viên nào chẳng phải chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, giờ dạy để cấp trên thanh tra, kiểm tra, dự giờ…
Vì vậy, việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay của giáo viên cũng chỉ là việc “làm sáng tỏ những điều đã rõ, đã biết” mà thôi. Nhưng, nó lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và thậm chí gây nên những ức chế cho đội ngũ giáo viên.
Thời lượng được thiết kế 240 tiết nhưng học viên chỉ học từ 7-10 buổi học
Theo Quyết định số 2514 /QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với việc tìm hiểu về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các trường đào tạo, chúng tôi thấy nội dung học, số tiết học được phân bổ khá cụ thể.
Chương trình học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gồm có 03 phần:
Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung (gồm 4 chuyên đề); Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (gồm 6 chuyên đề).
Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.
Thời gian học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau: Lý thuyết, thảo luận, thực hành: 176 tiết; ôn tập: 10 tiết + kiểm tra: 06 tiết; tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch: 44 tiết; công tác tổ chức lớp (khai giảng, bế giảng lớp): 04 tiết.
Dù theo thiết kế thời lượng học tập khi giáo viên đăng ký thì học viên sẽ học 240 tiết nhưng thực tế người viết bài này chỉ học 7 buổi sáng, mỗi buổi từ 2-3 tiếng đồng hồ là kết thúc khóa học là xong.
Và, trong khoảng thời gian ngắn ngủi mỗi buổi sáng 1-2 chuyên đề nhưng không phải giảng viên nào cũng dành trọn cho việc giảng dạy. Thế nhưng, học viên học lớp bồi dưỡng này đang phải đóng học phí từ 2- 2,5 triệu đồng, cộng thêm 200 ngàn tiền mua tài liệu.
Tài liệu là một cuốn giáo trình dày mấy trăm trang bắt buộc học viên đăng ký học phải mua và nó chỉ có giá trị sử dụng 1 lần. Người học trước không thể cho người sau học vì khi học viên đăng ký học là phải mua tài liệu!
Chính vì thế, giáo viên chúng tôi mong rằng Bộ đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học thì cũng nên bỏ luôn chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.
Bởi đi học phải là kiến thức mới, thiết thực cho công việc thì nó mới có ý nghĩa, còn học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên như một số trường đại học sư phạm đang bồi dưỡng thì không chỉ lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc mà thực ra nó cũng chẳng giúp ích được bao nhiêu cho công việc hàng ngày của người thầy.