Có thể nói, giáo viên bị “dị ứng” với cụm từ “chứng chỉ” từ khi các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015.
Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ 20/3/2021.
Các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT vẫn còn yêu cầu Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, II, I, nên giáo viên vẫn còn bị “dị ứng”.
Ảnh minh họa. |
Giáo viên dị ứng với “chứng chỉ” vì các nguyên nhân:
Thứ nhất: Nội dung đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ trùng lặp với nội dung bồi dưỡng thường xuyên và nội dung đào tạo trong trường Đại học Sư phạm, đặc biệt là Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III hiện nay.
Thứ hai: Hình thức đào tạo không thực chất, quản lý lỏng lẻo, cứ đóng tiền học phí coi như là có bằng, đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ chẳng khác “chợ” là mấy.
Thứ ba: Không có ứng dụng thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy học, chỉ mang tính hình thức, tốn nguồn lực xã hội.
Thứ tư: Góp phần gây bệnh thành tích trong giáo dục.
Giáo viên có nên bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không?
Các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT có điểm chung về Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với giáo viên hạng III là:
Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III (đối với giáo viên mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).
Với giáo viên, sau 12 tháng tuyển dụng, coi như đã hết thời gian tập sự, là giáo viên chính thức.
Như vậy, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III trở nên vô nghĩa.
Mặt khác nội dung đào tạo trùng lặp nên bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III là phù hợp thực tế cuộc sống.
Tại sao không bỏ Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, I?
Thứ nhất: Nội dung bồi dưỡng Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, I chưa được học trong trường Sư phạm cũng như trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên.
Thứ hai: Ngoài nhiệm vụ của giáo viên hạng III, (hạng II), giáo viên hạng II (hạng I) phải thực hiện các nhiệm vụ “cao cấp” hơn, tương đương với tổ phó, tổ trưởng, giáo viên cốt cán, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng.
Người viết chỉ lấy nhiệm vụ của giáo viên hạng II, I của tiểu học làm ví dụ:
Báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;
Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;
Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường;
Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).
Tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn;
Chủ trì các hoạt động bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề của nhà trường hoặc tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp huyện trở lên;
Tham gia đoàn đánh giá ngoài hoặc tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học từ cấp huyện trở lên;
Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi hoặc giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh giỏi cấp huyện trở lên.
Với Trung học phổ thông, nhiệm vụ của giáo viên hạng II, hạng I càng “nặng nề” hơn nhiều.
Vì vậy, duy trì Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, I trong các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT là cần thiết.
Không thể vì bất cứ lý do nào để bỏ Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, I!
Để các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đi vào cuộc sống, có giá trị thực tế, nâng cao chất lượng dạy học, cần phải quản lý chặt chẽ khâu bồi dưỡng, thi lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II, I chứ không để như cái “chợ” hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-chinh-thuc-bo-yeu-cau-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-cho-thay-co-post215431.gd