Nếu chúc Tết theo nghĩa tốt đẹp thì không có điều gì cần nói nhưng ở đây việc chúc Tết bây giờ đã đậm đà màu sắc thương mại, nhằm “mua” một sự “chở che” của “đấng bề trên”, mua một sự bình an cho mình!
Theo quan sát của cá nhân người viết với các vị lãnh đạo quen biết, trưởng phòng giáo dục và các vị hiệu trưởng là những người “hưởng lộc” nhiều nhất trong dịp Tết cổ truyền.
Thử tưởng tượng dưới quyền mình, một vị trưởng phòng có cả hàng trăm trường lớn nhỏ; một hiệu trưởng dưới “trướng” mình có vài trăm giáo viên, nhân viên…
Quà Tết cách đây gần mười năm về trước là cây cảnh đẹp cho Sếp; là gói quà Tết; là những món đặc sản vùng miền ; nào trái cây cao cấp… Quà Tết còn là những bình sâm Cao Ly giá hàng triệu; là những chai rượu ngoại “thứ thiệt” đất tiền…
Tặng quà Tết luôn là "nước chảy chỗ trũng". (Ảnh minh họa: MẠNH TIẾN/Qdnd.vn) |
Còn bánh, mứt thì chất cả đống, phải “phân bổ” cho anh em, họ hàng bà con của các vị mới đỡ chật nhà!
Trong lúc nhiều giáo viên không có dạy thêm, lương “ba cọc ba đồng”; các nhân viên tạp vụ cũng không tìm ra món quà Tết bình thường thì nhà hiệu trưởng lại thừa mứa, sử dụng không hết, phải đem cho học hàng thân thích gọi là “lộc” của người thân…
Còn bây giờ giữa thời đại 4.0 thì quà Tết không còn cảnh lỉnh kỉnh, mang vác ra vào nhà hiệu trưởng như vậy nữa mà thay vào đó là những chiếc phong bì nhỏ gọn mà “chất lượng”, mà “ấm áp” tình thân!
Xin nói thẳng ra là không có giáo viên nào đi Tết các hiệu phó, các nhân viên của trường đâu mà chỉ đi Tết hiệu trưởng mà thôi!
Bởi hiệu trưởng có quyền lớn hơn tất cả trong trường nên mọi người hướng về để …chúc Tết, đi Tết! Nước luôn chảy về chỗ trũng mà!
Vị hiệu trưởng nào có con nhỏ thì đây là một “lợi thế” vì khi đưa phong bì, các giáo viên luôn nói “Gửi mừng tuổi cháu”…
Các vị phụ huynh là doanh nghiệp “ăn nên làm ra” cũng khá nhanh nhạy, không bỏ qua cơ hội “tình thương mến thương” với thầy cô hiệu trưởng…
Những chiếc phong bì của các vị bao giờ cũng cầm nặng tay hơn phong bì của các giáo viên mừng Tết hiệu trưởng…
Bản thân tôi là một hiệu phó, cũng có vị giáo sư đến chúc Tết với thùng bia, ký cá khô, lạp xưởng… Bao giờ tôi cũng chuẩn bị mấy cặp bưởi ngon để “đáp từ” lòng thành của các đồng nghiệp.
Tôi dạy Văn nên thấm thía câu nói của Lang Liêu khi trả lời Vua Cha rằng: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”!
Không phải người ta biếu mình quà là người ta vô tư mà kèm theo đó là “ý tại ngôn ngoại”; một sự “gởi gắm” về sau… Bởi vậy người đời thường nói “Quà cáp là “quà” và “cáp” theo một điều kiện nào đó”!
Quả nhiên, từ khi hưu trí; trường tôi chẳng còn ai nhớ tới tôi nữa và tôi cũng rất mừng, rất thanh thản, thoải mái vì mình đỡ phải “mang nợ” vì những món quà Tết…
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, một phó hiệu trưởng nghỉ hưu đề nghị không nêu tên.