Giữ sức khoẻ tốt cho trẻ trở lại trường sau Tết

09/02/2021 06:19
Thu Giang
GDVN- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thực sự vấn đề sức khoẻ của trẻ nhỏ cũng như cả gia đình là một vấn đề ưu tiên trong dịp Tết năm nay.

Ngày Tết, chế độ ăn uống và ngủ nghỉ của trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng vì vậy các bậc cha mẹ cần quan tâm để trẻ tránh gặp các vấn đề về sức khoẻ như tiêu hoá, hô hấp....

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thực sự vấn đề sức khoẻ của trẻ nhỏ cũng như cả gia đình là một vấn đề ưu tiên trong dịp Tết năm nay.

Ở nước ta, đa phần các gia đình đều có truyền thống cúng gia tiên mâm cỗ mặn trong những ngày Tết.

Từ lúc chuẩn bị các thực phẩm, chế biến món ăn, bày mâm cỗ cúng lễ đến khi ăn thường mất thời gian khá lâu khoảng 1 - 2 giờ, đồng thời trong khi cúng lễ thức ăn không được che đậy. Đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm, thức ăn dễ bị vi khuẩn xâm nhập.

Vì vậy, để giữ sức khỏe cho trẻ em cần ăn ngay khi món ăn vừa nấu chín, như vậy sẽ tránh nguy cơ bị tiêu chảy.

Cần lưu ý đến chế độ ăn của trẻ để tránh bị ngộ độc thực phẩm. (Ảnh minh hoạ: Benh.vn)

Cần lưu ý đến chế độ ăn của trẻ để tránh bị ngộ độc thực phẩm. (Ảnh minh hoạ: Benh.vn)

Đặc biệt, ngày Tết là thời điểm trẻ được ăn nhiều mứt, bánh, kẹo, nước ngọt, hạt dưa, hạt bí...

Nếu trẻ uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều bánh kẹo trước hoặc trong khi ăn sẽ dẫn tới trẻ no không ăn hoặc chán ăn.

Hạt dưa, hạt bí và một số loại hạt khác dễ bị hư hỏng, mốc; ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt khiến trẻ cũng dễ gặp vấn đề về tiêu hoá, đặc biệt trẻ ăn nhiều vào buổi tối có thể ảnh hướng đến sức khoẻ răng miệng.

Vì vậy, các bậc phụ huynh hạn chế cho trẻ ăn mứt, bánh kẹo, uống nước ngọt và các loại hạt trên.

Khi đi bố mẹ thường mang theo trẻ nhỏ đi chúc Tết, việc đi lại nhiều trong ngày tết mà bữa ăn và giấc ngủ của trẻ bị đảo lộn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhất là những khi thời tiết thay đổi: nắng gắt, mưa phùn, lạnh giá.

Vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

Hạn chế đến nơi đông người

Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp diễn ra vào thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc. Vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ cho con trẻ và cả gia đình, mỗi người nên tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch Covid-19. Nên hạn chế đến nơi đông người để tránh lây nhiễm bệnh.

Bộ Y tế gửi đến Thông điệp 5K để phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Y tế gửi đến Thông điệp 5K để phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: TTXVN)

Duy trì giờ giấc sinh hoạt

Giờ giấc sinh hoạt dịp Tết thường bị đảo lộn, điều này khiến trẻ dễ bị mệt. Vì vậy, hãy cho các bé lên giường đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, đánh thức bé dậy đúng giờ và ăn sáng đầy đủ.

Cố gắng duy trì nếp sinh hoạt cho trẻ như thường ngày để đảm bảo sức khoẻ tốt cho trẻ.

Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng

Ngày Tết các bé sẽ được thưởng thức nhiều món ăn, được ăn nhiều bánh kẹo và chơi thỏa thích. Tuy nhiên, cha mẹ hãy luôn chăm sóc để các bé có những bữa ăn lành mạnh, tăng cường sức đề kháng, phòng tránh bệnh tật.

Thực đơn cần đa dạng và đảm bảo đủ 3 nhóm thức ăn chính:

– Nhóm thức ăn Vận động giúp cung cấp năng lượng cho bé chạy nhảy, chơi đùa như chất bột đường, dầu mỡ..;

– Nhóm thức ăn Xây dựng giúp cơ thể phát triển như thịt, cá, tôm..;

– Nhóm thức ăn Bảo vệ để cung cấp vitamin và khoáng chất như các loại củ, ngũ cốc, trái cây, trứng… giúp bé nhanh mắt thính tai.

Hãy tăng cường cho các bé ăn nhiều rau xanh, cần tránh cho trẻ ăn đồ đông lạnh cũng như thực phẩm nhiều mỡ.

Trong suốt thời gian nghỉ Tết, nên duy trì chế độ ăn lành mạnh để các bé phát triển cân nặng và chiều cao đúng tiêu chuẩn.

Hạn chế đồ ăn vặt, bánh kẹo, nước ngọt

Thực phẩm chứa nhiều đường không những gây ra các vấn đề về răng miệng mà còn gây ra tình trạng thừa cân, béo phì sau dịp Tết.

Chúng ta có thể chuẩn bị những món ăn vặt lành mạnh từ rau, củ, quả... để bé có thể sử dụng thay những đồ ăn vặt gây hại cho sức khoẻ.

Không sử dụng chung thìa đũa với người khác

Khi tới nhà người khác chơi, các bậc phụ huynh lưu ý không để trẻ dùng chung đồ ăn với người khác. Các bé cũng không nên uống chung ống hút để tránh các mầm bệnh lây nhiễm. Việc dùng chung đồ cá nhân như vậy có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ở những bé có đường ruột không khỏe.

Không cho trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc xem ti vi

Tết đến, dù bận bịu nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên cho con vừa ăn vừa xem tivi hoặc chạy nhảy bởi như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bé, khiến các bé dễ bị đau dạ dày, trào ngược thực quản và hấp thu dinh dưỡng kém.

Giữ vệ sinh răng miệng và thân thể

Vệ sinh răng miệng và thân thể là vấn đề thường bị bỏ quên trong dịp Tết. Chủ yếu là vì cha mẹ chiều con, nghĩ ngày đầu năm mới, nhắc nhở con cái nhiều là không tốt.

Tuy nhiên, việc nhắc bé giữ vệ sinh phải là việc làm hàng ngày: đánh răng rửa mặt theo đúng thói quen khoa học, vệ sinh chân tay sạch sẽ trước khi đi ngủ, rửa tay trước khi ăn và sau khi chơi.

Có như vậy mới tránh được sự sinh sôi của vi khuẩn, hạn chế nhiều bệnh cho bé.

Trang phục phù hợp với thời tiết

Cần lưu ý đến trang phục cho trẻ ngày Tết, tránh mặc quá nóng hoặc quá lạnh.(Ảnh minh hoạ: Beyeu.com)

Cần lưu ý đến trang phục cho trẻ ngày Tết, tránh mặc quá nóng hoặc quá lạnh.(Ảnh minh hoạ: Beyeu.com)

Thời tiết nóng lạnh thất thường là cơ hội để nhiều mầm bệnh phát triển, đặc biệt là chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường gặp ở trẻ.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đến việc mặc trang phục sao cho các bé được thoải mái và phù hợp thời tiết, tránh mặc quá nóng hoặc quá lạnh.

Trẻ con vốn hiếu động nên cần tránh những trang phục rườm rà, hạn chế tai nạn và thương tích đáng tiếc xảy ra.

Thu Giang