Tiểu học thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ sao không điều từ trung học cơ sở?

15/02/2021 06:18
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Chúng tôi cho rằng khó khăn về giáo viên Tin học và Ngoại ngữ ở cấp tiểu học mà các địa phương đang lên tiếng là thiếu không phải là một bài toán khó giải quyết.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết thúc học kỳ I năm học 2020-2021, cả nước có hơn 406.000 giáo viên cấp tiểu học, tăng gần 6.140 giáo viên so với năm học trước.

Cũng ở cấp học này, hiện đang thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học và hơn 5.000 giáo viên Ngoại ngữ. Nguyên nhân là vì theo yêu cầu của chương trình mới, học sinh từ lớp 3 bắt buộc phải được 2 môn này trong khi chương trình hiện hành không yêu cầu.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nếu làm khéo để giảm việc tăng biên chế thì ngành giáo dục các địa phương chỉ cần sắp xếp lại nhân sự các môn học này ở các cấp học thì sẽ không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở tiểu học mà không phải tăng thêm biên chế trong những năm tới đây.

Việc sắp xếp biên chế giáo viên Ngoại ngữ và Tin học giữa cấp tiểu học và trung học cơ sở rất đơn giản vì cùng một cấp quản lý (Ảnh minh họa: Báo Cần Thơ)

Việc sắp xếp biên chế giáo viên Ngoại ngữ và Tin học giữa cấp tiểu học và trung học cơ sở

rất đơn giản vì cùng một cấp quản lý (Ảnh minh họa: Báo Cần Thơ)

Chương trình mới sẽ tăng biên chế đối với môn Ngoại ngữ và Tin học ở tiểu học

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương đưa môn Tin học xuống dạy bắt buộc ở tiểu học từ lớp 3 (chương trình hiện hành không bắt buộc) và dạy tự chọn từ lớp 1, lớp 2 đối với môn học này.

Đối với môn Ngoại ngữ ở chương trình hiện hành thì bắt đầu dạy bắt buộc ở lớp 3 nhưng chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì môn học này cũng là môn tự chọn ở lớp 1 và lớp 2.

Như vậy, so với chương trình hiện hành thì môn Tin học sẽ là môn học mới ở cấp tiểu học và gần như các trường tiểu học đều phải có thêm biên chế giáo viên ở môn học này.

Đối với môn Ngoại ngữ thì hiện đang dạy ở lớp 3 trở lên nên khi thực hiện chương trình mới thì cũng phải tuyển thêm để đáp ứng nhu cầu học tự chọn của học sinh vì môn học Ngoại ngữ, nhất là môn Tiếng Anh đang được phụ huynh và các nhà trường rất coi trọng.

Thiếu giáo viên Tiếng Anh hoặc chưa có giáo viên Tin học thì bắt buộc các địa phương, các nhà trường phải tuyển dụng giáo viên mới, nhưng tuyển thêm thì sẽ tăng biên chế cho các nhà trường và tất nhiên kinh phí cũng phải tăng thêm.

Đối với khu vực thành phố thì việc tuyển giáo viên 2 môn học này thực sự đang gặp khó khăn vì những người có trình độ cử nhân sư phạm hoặc cử nhân Tiếng Anh, Tin học thì họ luôn có nhiều lựa chọn để tìm kiếm một công việc có mức thu nhập cao hơn mà ít áp lực hơn làm viên chức ngành giáo dục.

Tuy nhiên, sinh viên sư phạm 2 môn học này ở khu vực nông thôn thì họ vẫn muốn dạy học nên việc tuyển dụng không phải là vấn đề quá khó khăn.

Hơn nữa, cả nước mà chỉ “thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học và hơn 5.000 giáo viên Ngoại ngữ” thì không phải là vấn đề quá lớn. Vấn đề này giải quyết không khó khăn nếu không nói là quá dễ dàng, nằm trong tầm tay của các địa phương.

Điều động giáo viên Ngoại ngữ, Tin học ở trung học cơ sở xuống tiểu học sẽ là giải pháp tối ưu nhất

Hiện nay, theo định mức số tiết thì cấp trung học cơ sở sẽ có 2 tiết Tin học/ tuần/ lớp nhưng khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2021-2022 tới đây ở lớp 6 thì cấp trung học cơ sở chỉ còn 1 tiết/ tuần/ lớp.

Trong khi, chương trình mới sẽ được thực hiện cuốn chiếu nên nó sẽ tương ứng năm học tới đây là lớp 2 và lớp 6 và đến năm học 2024-2025 sẽ tương ứng với lớp 5 và lớp 9.

Như vậy, chúng ta thấy khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì môn Tin học ở cấp trung học cơ sở sẽ thừa hẳn một nửa số giáo viên hiện nay.

Đối với môn Tiếng Anh hiện nay nếu có thiếu cũng chỉ là một số trường ở những thành phố lớn còn đa số ở cấp trung học cơ sở đang dư thừa theo định mức.

Trong khi, 2 cấp học này đều đang do Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, việc ra quyết định điều động, luân chuyển giáo viên đều do các Ủy ban nhân dân huyện đảm nhận nên mọi chuyện điều chuyển giáo viên rất dễ dàng.

Bởi vì hàng năm thì các trường đều phải báo số liệu giáo viên, học sinh về Phòng để bộ phận tổ chức làm công tác nhân sự. Hơn nữa, các trường cấp tiểu học và trung học cơ sở thường cùng một địa bàn nên nếu luân chuyển giáo viên Tin học và Ngoại ngữ từ cấp trung học cơ sở xuống tiểu học sẽ thuận lợi.

Trong khi đó, phụ cấp đứng lớp ở cấp tiểu học hiện nay đang là 35%, cấp trung học cơ sở là 30% mà dạy tiểu học nhẹ nhàng hơn nhiều cấp trung học cơ sở nên giáo viên được điều động xuống tiểu học chắc cũng chẳng mấy người thắc mắc, khiếu nại.

Vì thế, chúng tôi cho rằng khó khăn về giáo viên Tin học và Ngoại ngữ ở cấp tiểu học mà các địa phương đang lên tiếng là thiếu không phải là một bài toán khó giải quyết.

Chỉ cần bộ phận tổ chức của Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ các huyện chịu khó rà soát và có chủ trương điều động giáo viên cấp trung học cơ sở xuống tiểu học thì mọi chuyện sẽ giản đơn vô cùng.

Việc luân chuyển giáo viên như thế này sẽ ổn định được nhân sự tại địa phương, không còn tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các cấp học mà đặc biệt là không làm tăng ngân sách hàng năm để trả lương cho giáo viên mới.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản là số tiết của các cấp học ít hơn chương trình hiện hành nhưng nó lại thêm một số môn học mới ở các cấp học như môn Tin học ở tất cả các lớp tiểu học và môn Ngoại ngữ được dạy tự chọn ở lớp 1 và lớp 2.

Cấp trung học cơ sở thêm 2 môn tích hợp và cấp trung học phổ thông thêm môn Mĩ thuật và Âm nhạc (đây cũng là 2 môn phải tuyển mới hoàn toàn).

Vậy nên, nếu các địa phương làm không khéo sẽ làm tăng thêm rất nhiều biên chế mà nguồn tuyển chưa hẳn đã có chất lượng cao. Thay vì tuyển dụng ồ ạt ở trường học, cấp học thiếu thì trước tiên các địa phương nên rà soát và điều động giáo viên giữa các cấp học với nhau là giải pháp tối ưu nhất.

Suy cho cùng thì trong một địa phương, đầu mối quản lý là Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố), Sở Giáo dục, Sở Nội vụ…nên mọi việc điều động giáo viên đều nằm trong tầm tay của các địa phương.

Vấn đề còn lại là của các cơ quan tham mưu, và cấp có thẩm quyền quyết định ở từng địa phương trong việc sắp xếp, điều động giáo viên như thế nào cho hợp lý mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

https://baomoi.com/tuyen-giao-vien-tuong-de-hoa-kho/r/37898491.epi#search|timeline|index1

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giao-vien-trut-duoc-ganh-nang-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-710753.html

NGUYỄN NGUYÊN