“Thầy Vỹ khùng” 20 năm miệt mài cõng chữ lên non

16/02/2021 06:18
Phạm Minh
GDVN- Tôi muốn xóa sổ tất cả điểm trường tạm, tôi đã hứa với các thầy cô sẽ cố gắng giúp đỡ, cải thiện điều kiện học tập của các em.

Tình yêu thương cảm hóa người thầy

Tháng 10, tháng 11 vừa qua, vùng đất Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) phải gồng mình vật lộn để vượt qua những tang thương từ bão, lũ, những trận lở đất triền miên.

Đó cũng là khoảng thời gian mà nhiều thầy cô giáo lội bùn vào tận bản sâu cùng chính quyền hỗ trợ công tác khắc phục thiên tai.

Không ít trường học bị tốc mái, có trường bị đổ sập hoàn toàn, các thầy cô lại ngược xuôi xin từng tấm tôn, từng bao xi măng về dựng lại trường, lớp.

Trong số những giáo viên ấy, có người thầy 20 năm qua vẫn miệt mài với hành trình cõng chữ lên non, lặng thầm gieo yêu thương trên những bản làng còn nhiều gian khó.

Gắn bó với công tác giáo dục của huyện miền núi nghèo tỉnh Quảng Nam từ thuở những lớp học còn là nhà tranh vách đất, thầy Nguyễn Trần Vỹ (sinh năm 1979, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) nghẹn ngào mỗi khi nhắc lại đau thương những ngày qua.

Nhiều năm nay, sau những tiết dạy học, người thầy ấy lại rong ruổi khắp các ngọn núi để cùng xây trường, dựng lớp, kết nối yêu thương, sẻ chia khó khăn với bà con vùng cao.

Trở về sau một ngày tham gia sửa sang lại trường học ở xã Trà Leng, thầy Vỹ kể cho tôi nghe những câu chuyện đặc biệt trong cuộc đời của thầy giáo cắm bản.

Ngày ấy, với khát khao bước vào giảng đường đại học để thay đổi cuộc đời, cậu học trò Nguyễn Trần Vỹ đã thi đậu vào Trường Đại học Nông lâm Huế. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cậu đành rẽ hướng, quyết định học tại Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Nam để được miễn học phí. Đó có lẽ là sự sắp đặt của định mệnh đưa thầy đến với những lớp học yêu thương sau này.

Tháng 9 năm 2000, sau khi ra trường, thầy Vỹ nhận công tác ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Khoảng cách từ nhà tới trường chính khoảng 100 cây số, thầy phải đi 2 chuyến xe đò mới tới nơi. Được phân công dạy ở điểm trường Tu Nất trên núi cao, từ trường chính, thầy phải đi bộ hơn 6 giờ đồng hồ, nếu vừa đi vừa nghỉ có khi mất nguyên một ngày.

Ngày đầu đến lớp, thầy giáo trẻ thất vọng khi tận mắt nhìn thấy lớp học lụp xụp dựng lên từ tre nứa với vài tấm mái tôn che nắng che mưa.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ 20 năm gắn bó với công tác giáo dục huyện miền núi Nam Trà My (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Nguyễn Trần Vỹ 20 năm gắn bó với công tác giáo dục huyện miền núi Nam Trà My (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Vỹ tâm sự: “Vốn không đam mê với nghề ngay từ đầu, đường đi gian nan, lên đây lại đối diện với cuộc sống khó khăn, không biết bao lần tôi định bỏ về.

Sau ngày nghỉ, trở lại trường, lớp học bỗng chốc biến thành chuồng gia súc vì dê, bò vào trong, thầy cô phải dọn dẹp, sửa sang lại lớp. Những ngày đó, tôi chỉ muốn rời xa vùng đất nghèo nàn, xơ xác ấy.

Quần áo lúc nào cũng cuộn tròn trong ba lô, chỉ chờ đến cuối tuần để về nhà. Về rồi, tôi không bao giờ muốn lên núi nữa”.

Dù khó khăn nhưng được gia đình động viên, thầy Vỹ kiên trì bám trường, bám bản. Và rồi, thời gian qua đi, những câu chuyện yêu thương trên mảnh đất non cao lại gieo vào trong trái tim thầy giáo trẻ những cảm xúc đặc biệt.

Có ngày cuối tuần thầy ở lại trường, đến nhà vận động học sinh tới lớp. Đến gần với cuộc sống của người dân, thầy Vỹ đã thay đổi suy nghĩ khi chứng kiến đời sống nhiều khó khăn của dân bản.

“Có em học sinh không biết bố là ai, mẹ bỏ đi biệt tích, sống với bà ngoại nằm liệt giường và người cậu. Nhà em ở chỉ là cái lán nhỏ với mấy phên tre nứa, cành cây.

Nhiều em nghèo khó, bữa đói bữa no, quần áo cũ nát. Nhưng mỗi ngày, tôi vẫn thấy ánh mắt hồn nhiên, nụ cười trong sáng của những đứa trẻ ấy. Trong khi mình đi làm, có đồng lương, tại sao mình lại buồn chán, sao mình không cố gắng vì các em?”, thầy Vỹ nhớ lại những trăn trở ngày ấy.

Hạnh phúc của người thầy là mang con chữ và yêu thương đến với trẻ em vùng cao (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hạnh phúc của người thầy là mang con chữ và yêu thương đến với trẻ em vùng cao (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Rồi không biết từ bao giờ, lớp học, bản làng, núi đồi lại trở thành những hình ảnh thân quen, là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của thầy giáo vùng cao.

Thầy Vỹ kể: “Câu chuyện thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi là vào một ngày cuối năm học, anh tổ trưởng sản xuất thôn - người thường góp gạo cho thầy cô, mời chúng tôi về nhà chơi. Anh có làm thịt một con gà, tôi bảo anh cho ít gạo vào nước luộc gà để có nồi cháo. Thế nhưng lúc sau không thấy cháo đâu, cũng chẳng có cơm, chỉ có một nồi sắn. Anh bảo rằng, bà con chỉ ăn sắn, nhưng thầy cô ăn sắn không quen đâu. Hóa ra họ góp gạo cho thầy cô còn để gia đình mình ăn sắn.

Lúc ấy, cổ họng tôi bỗng nghẹn lại. Bao lâu nay tôi không hề hay biết bà con đã nhường từng lon gạo ít ỏi cho mình”.

Cũng từ giây phút ấy, thầy Vỹ quyết gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất Nam Trà My. Thầy dành những ngày nghỉ lên bản chơi với những đứa trẻ vùng cao, chia sẻ công việc với người dân thôn bản.

Sau 5 năm gắn bó với điểm trường Tu Nất, thầy Vỹ về công tác tại trường chính. Có thời gian thầy về công tác tại phòng giáo dục của huyện. Thế nhưng, dù đi đâu thầy cũng không quên hướng về những ngọn núi cao, nơi có những đứa trẻ hồn nhiên trong sáng, nơi có những con người nồng hậu ấm áp yêu thương.

“Mình đã cùng bà con sống trong cái nghèo, cái khổ, lại nhận được nhiều tình cảm yêu thương nên mình càng muốn làm nhiều hơn để giúp đỡ họ”, thầy Vỹ chia sẻ.

Nhớ lại hành trình dạy học vùng cao, những câu chuyện, ký ức như mới ngày hôm qua lại ùa về.

Ngày ấy, cách đây cả chục năm, cứ có thầy, có trò là có lớp học, lớp học được dựng lên từ mấy cọc gỗ, tre nứa, bên trên là mái tôn lợp tạm.

Cứ như thế, thầy trò cùng nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn trên hành trình tìm kiếm con chữ.

“Có năm sau kỳ nghỉ hè, thầy cô lên núi thì ngôi làng đã dời đi đâu mất, vì người dân có tục lệ gặp vấn đề như có người tự tử,… là cả làng sẽ dời đi.

Vậy là thầy cô lại vác những tấm tôn đi theo tìm dân làng để dựng lại lớp học, chúng tôi vẫn thường nói vui là khiêng cả trường đi, thực tế cả trường chỉ có mấy mái tôn là giá trị nên mang theo để dựng trường mới”, thầy Vỹ kể lại.

Ở vùng cao, nhiều em học sinh bỏ học vì nghèo, ở nhà đi nương cùng bố mẹ, không tiếp thu kiến thức được do thời gian học gián đoạn hoặc vì nhà quá xa điểm trường.

Thầy cô lại tìm cách vận động hỗ trợ các em tới lớp, có thầy cô nuôi luôn học trò tại trường, kèm học các em ban đêm, rồi xin thêm cho các em áo quần, sách vở.

“Dẫu khi lên dạy học vùng cao, ai cũng mang theo đôi giày, áo sơ mi trắng nhưng có mặc bao giờ đâu. Đôi khi thèm lắm được xỏ chân vào đôi giày, mặc chiếc áo trắng cho ra dáng người thầy, mấy anh em diện một chút rồi lại bỏ vào túi thôi.

Ngồi trong những lớp học tạm bợ, mỗi trận mưa nước dột khắp nơi. Những ngày đông rét cắt da cắt thịt, nhìn học trò quần áo mỏng manh, tôi phải cho các em ra chơi đến 2, 3 lần, chạy nhảy cho ấm cơ thể. Cũng đôi khi thầy trò ngồi đốt lửa, vừa học vừa quạt khói cay xè đôi mắt”, thầy Vỹ chia sẻ.

Thầy Vỹ kết nối với các nhóm thiện nguyện giúp đỡ bà con dân bản. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Vỹ kết nối với các nhóm thiện nguyện giúp đỡ bà con dân bản. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Con ở nhà lên facebook coi ba đang ở ngọn núi nào”

Đó là câu nói của cậu con trai 6 tuổi khi nói về những tháng ngày xa cách ba. Mặc dù nhà ở thành phố Tam Kỳ, vợ và hai cậu con trai đều công tác, học tập dưới xuôi, nhưng hầu hết thời gian của thầy Vỹ lại gắn với núi rừng Nam Trà My.

Những ngày đầu, một mình thầy Vỹ đi khắp nơi xin đồ dùng, thực phẩm về hỗ trợ bà con. Sau này, thầy trở thành người kết nối những nhóm thiện nguyện đến với dân bản.

Năm 2014, thầy thành lập câu lạc bộ “Kết nối yêu thương” gồm những thầy cô giáo, cán bộ huyện, thợ xây,… tất cả đều chung một tấm lòng hướng về vùng cao khốn khó.

Thầy Vỹ nhớ lại: “Năm 2014, tôi có chiếc điện thoại cũ kết nối mạng, sau khi lập facebook, biết nhiều nhóm từ thiện, mình xin gạo, xin đồ cho học sinh, bà con trên đó.

Sau đó có các đoàn từ thiện đến đều nhờ tôi khảo sát địa điểm, lo từng cung đường đi, từ khâu khuân vác đồ, hỗ trợ đến từng bản.

Mình chỉ làm kết nối thôi, bản thân lương giáo viên không dư giả gì, mình có gì cho bà con đâu, mình cho là cho công sức. Thỉnh thoảng mình mua thêm hộp bánh, hộp kẹo cho các con làm quà”.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ là một trong 10 gương mặt vinh dự nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thầy Nguyễn Trần Vỹ là một trong 10 gương mặt vinh dự nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Về sau, thầy Vỹ kết nối với các nhóm thiện nguyện khác thực hiện các dự án xây trường, nuôi cơm học sinh vùng cao cùng lời hứa với các thầy cô, dân bản sẽ giúp đỡ, cải thiện cuộc sống cho bà con cũng như điều kiện học tập cho học sinh.

Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ của thầy đã kết nối với các nhóm thiện nguyện xây được gần 100 phòng học, 50 phòng ở giáo viên và 4 khu nội trú học sinh.

Vừa rồi, lũ quét, lở đất khiến các trường học, dân cư thiệt hại nặng nề, các thầy cô trong nhóm cùng nhiều đoàn thiện nguyện khác lại lội bùn cùng bộ đội, chính quyền vào hỗ trợ bà con. Trường nào sập, tốc mái, nhóm đều kết nối để sửa sang lại.

Thầy Vỹ kể rằng, vì những chuyến thiện nguyện “quên lối về” mà nhiều người đùa vui gọi mình là “thầy Vỹ khùng” - có nhà, chăn ấm đệm êm không ở lại rong ruổi khắp núi cao.

“Mình biết vợ và hai con thiệt thòi nhiều lắm, cậu con trai út vẫn thường so sánh: Cuối tuần, ngày lễ, bạn bè con được đi chơi cùng ba mẹ. Còn con chỉ biết ở nhà lên facebook coi ba đang ở ngọn núi nào.

Hồi trước, mỗi tuần tôi về với con một lần, cu cậu ngồi đếm ngón tay, đếm hết 1 bàn tay là ba sẽ về. Nhưng rồi có những lần tôi đi cả tháng chưa về, con trai gọi điện vừa khóc vừa hỏi: con đếm hết hai tay, hai chân, con đếm cả tay anh hai nữa rồi, sao ba vẫn chưa về?.

Những ngày mưa bão, mình cũng đành nhờ hàng xóm chằng chống nhà cửa, còn mình vẫn ở trên non cao. Không ít lần vợ trách móc, dỗi hờn, mình chỉ biết động viên. Những ngày hiếm hoi ở nhà, mình phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn để bù đắp phần nào thiệt thòi ấy”, thầy Vỹ tâm sự về gia đình.

Và để các con hiểu việc mình làm, thầy Vỹ cho cậu con trai lớn lên trải nghiệm cuộc sống ở bản một vài ngày. Nhờ vậy, hai con của thầy biết học cách chia sẻ, yêu thương. Các con dành tiền tiết kiệm để gửi lên cho ba mua quà cho các bạn. Những dịp Trung thu, hai anh em lại gói quà bánh và đóng vào hộp, gửi ba mang lên vùng cao.

Được sự tiếp sức từ gia đình, được mọi người gửi gắm niềm tin, thầy Nguyễn Trần Vỹ lại tiếp tục hành trình kết nối yêu thương – gieo trồng hạnh phúc trên những ngọn núi cao còn nhiều gian khó. Những người dân bản từ lâu đã xem thầy là người con của núi rừng Nam Trà My.

Với tấm lòng giàu tình yêu thương và những cống hiến thầm lặng ấy, thầy Nguyễn Trần Vỹ vinh dự nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020 do Trung Ương Đoàn tổ chức.

Phạm Minh