Hiện nay, một số tỉnh thành tiếp tục cho học sinh nghỉ đến trường, học từ xa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch.
Nhiều giáo viên thắc mắc, nếu tình hình dịch bệnh ở một số địa phương còn phức tạp, còn nghỉ dài ngày hoặc dạy trực tuyến thì giáo viên có được trả lương, phụ cấp hay không?
Một bạn đọc có tên N.T.T có địa chỉ email nguyen……@gmail.com gửi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thắc mắc như sau:
“Nếu tình hình dịch bệnh Covid – 19 còn kéo dài các cháu mầm non được nghỉ học kéo dài mà không phải học trực tuyến thì giáo viên mầm non công lập có được hưởng các chế độ lương và phụ cấp ngành: ví dụ như 35% đứng lớp nữa không ạ?”
Chế độ lương và phụ cấp của giáo viên dạy học online trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19 như thế nào? (Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn) |
Bằng kiến thức cá nhân, căn cứ các cơ sở pháp lý hiện hành, người viết xin được cung cấp một số thông tin liên quan để bạn và các đồng nghiệp có chung câu hỏi, quan tâm cùng tìm hiểu, cụ thể như sau:
Vấn đề thứ nhất, tiền lương
Căn cứ pháp lý: Bộ luật Lao động, số 45/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Người lao động (trong đó có giáo viên) được trả lương, lương ngừng việc theo Luật Lao động hiện hành.
Tại “Điều 90. Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”
Tiếp theo tại “Điều 99. Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
Luật Viên chức (số 26/VBHN-VPQH ngày 16/12/2019), Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương, quy định:
1. Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo cách hiểu của người viết, thời gian giáo viên nghỉ theo chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành không do lỗi của giáo viên và trường học, mà do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh phức tạp.
Theo đó, nếu giáo viên dạy trực tuyến hoặc nghỉ việc phòng dịch bệnh thì trường học, các đơn vị sự nghiệp giáo dục vẫn phải thực hiện thanh toán lương cho giáo viên, nhân viên trường học nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Thứ hai, về phụ cấp ưu đãi
Theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và các thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định này, thì đối tượng áp dụng phải là các nhà giáo "đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập".
Đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xảy ra, toàn ngành giáo dục đang triển khai chủ trương dừng đến trường nhưng không dừng việc học, trong đó một giải pháp cơ bản là tổ chức dạy và học trực tuyến.
Dạy trực tuyến, dạy qua mạng internet, dạy qua truyền hình...trực tiếp thực hiện kế hoạch giáo dục, theo quan điểm của cá nhân người viết, là một dạng hoạt động "trực tiếp giảng dạy", các nhà giáo vẫn đang trực tiếp thực hiện công việc của mình theo một phương thức khác do tình huống bất khả kháng nên không có lý do gì không được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Đối với bậc học mầm non, khi cho trẻ nghỉ học để phòng dịch mà không tổ chức dạy trực tuyến/từ xa như các bậc học cao hơn, nhưng nếu các cô giáo vẫn phải đến trường thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, chuẩn bị đồ dùng dạy học...phục vụ cho công tác giảng dạy, thiết nghĩ Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến/hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các cô giáo.
Vì đây là lần đầu tiên toàn xã hội, trong đó có ngành giáo dục phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, đội ngũ giáo viên vẫn đang tìm mọi cách thích nghi và duy trì hoạt động giảng dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách thích hợp bảo đảm quyền lợi cho các thầy cô, trong đó có lương, phụ cấp cũng như quy đổi các tiết dạy thừa giờ cho giáo viên trong thời gian phòng dịch.
Có như vậy mới tránh được tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, không làm ảnh hưởng đến tinh thần, động lực của các thầy cô giáo đang vừa duy trì hoạt động dạy - học, vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Một số thông tin trao đổi cùng bạn. Phần tư vấn có tính chất tham khảo.