Giáo viên, phụ huynh còn sùng bái dạy học trực tiếp, dạy trực tuyến sao hiệu quả

24/02/2021 06:50
Phạm Minh
GDVN- Chúng ta xem dạy trực tuyến là giải pháp tình thế, tâm lý e ngại trong triển khai, lúng túng trong quản lý lớp học trực tuyến thì hiệu quả giáo dục khó đạt được.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 10 tỉnh, thành phố vẫn yêu cầu dạy học online cho đến hết tháng 2.

Có thể thấy rằng, mặc dù đã trải qua một năm với nhiều thay đổi, dạy học trực tuyến đã không còn là khái niệm xa lạ trong ngành giáo dục nhưng những khó khăn, thách thức khi triển khai vẫn là vấn đề đặt cho các các thầy cô, các em học sinh, phụ huynh và những nhà quản lý giáo dục.

Về vấn đề này, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Trở ngại lớn nhất đối với dạy học trực tuyến chính là tâm lý của giáo viên và phụ huynh hiện nay. Họ e ngại việc dạy và học online, họ đã quen, sùng bái dạy học trực tiếp.

Đa số giáo viên đều xem dạy trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời nên họ không chủ động đổi mới, thiếu sự đầu tư cho phương pháp dạy học này”.

Cần nhìn vào những ưu điểm của dạy học trực tuyến

Theo thầy Đào Chí Mạnh, trước những đổi mới của ngành giáo dục nói chung và những đổi mới liên quan đến công nghệ nói riêng, đa số các giáo viên đều có tâm lý ngại thay đổi, luôn cảm thấy khó khăn khi đã quen với những phương pháp dạy học truyền thống.

Rõ ràng, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì dạy học trực tuyến có rất nhiều khó khăn, nhiều áp lực đối với giáo viên. Tuy nhiên, khó khăn nào cũng sẽ có cách vượt qua nếu thầy cô biết nhìn về mục tiêu công việc của mình, cố gắng vì các em học sinh.

Thầy Đào Chí Mạnh cho rằng khó khăn trong dạy học trực tuyến sẽ được tháo gỡ nếu thầy cô nhìn vào mục tiêu giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Đào Chí Mạnh cho rằng khó khăn trong dạy học trực tuyến sẽ được tháo gỡ nếu thầy cô nhìn vào mục tiêu giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Thầy cô dạy trực tuyến thường e ngại vì giờ đây lớp học không còn giới hạn trong bốn bức tường mà có thể được nhiều người theo dõi hơn. Những vấn đề về phương pháp dạy, đường truyền internet, cách quản lý lớp học,,.. đều là những áp lực và thách thức với giáo viên.

Trong khi đó, phụ huynh cũng không mấy “mặn mà” với việc cho con em mình học online, họ chỉ tin tưởng vào những lớp học tương tác trực tiếp.

Các trường học đều đồng loạt kích hoạt dạy học trực tuyến nhưng hầu hết đều đang thực hiện theo tình hình thực tế, như cách để hoàn thành nhiệm vụ, tiến độ bài vở hay theo đúng chỉ đạo từ trên nhưng chưa có sự chủ động, đầu tư, đổi mới thực sự”, thầy Mạnh cho biết.

Chính vì vậy theo thầy Mạnh, rất ít giáo viên xem đây là cơ hội để mình sáng tạo, đổi mới, tìm hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.

Là người trực tiếp lập kế hoạch dạy học trực tuyến cho Trường Tiểu học Kim Ngọc, thầy Đào Chí Mạnh cho rằng, chúng ta cần nhìn vào những ưu điểm nổi bật, những giá trị mà học trực tuyến mang lại.

Thứ nhất, dạy học trực tuyến giúp nâng cao năng lực tự học cho học sinh, khơi dậy động lực học tập thực sự cho học sinh. Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò trung tâm trong lớp học không phải là người thầy mà là chính các em học sinh.

Thầy cô có thể nêu thông tin nhưng học sinh phải là người tìm tòi, nghiên cứu giải quyết vấn đề. Giáo viên dạy học sinh phương pháp học chứ không đơn thuần là truyền thụ kiến thức.

Dạy học online chính là cơ hội để học sinh phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo. Theo hướng dẫn của giáo viên, với nguồn học liệu phong phú trên internet, học sinh sẽ có được nhiều trải nghiệm học tập mới, tự khám phá và mở mang tri thức. Những ai có năng lực tự học tốt thì sẽ luôn chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống, không chỉ trong học tập mà cả việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Thứ hai, dạy học online còn giúp học sinh, giáo viên rèn luyện sự tự tin và khả năng giao tiếp.

Không phải chỉ có gặp mặt trực tiếp mới hình thành kỹ năng giao tiếp, giao tiếp trên không gian mạng, trước ống kính máy quay cũng là một cách giúp các em trau dồi kỹ năng cho mình.

Các em học sinh và giáo viên học được cách nói chuyện, chia sẻ khi đứng trước ống kính máy quay, khi được nhìn thấy chính mình trong đó. Họ rèn luyện, điều chỉnh từng cử chỉ, hành vi, lời nói của mình.

Thứ ba, dạy học trực tuyến giúp phụ huynh được nhìn chất lượng thực và kết quả thực chất về việc học tập của con.

Thầy Mạnh khẳng định:“Phụ huynh được thấy con mình được học những gì, quá trình học tập ra sao, kết quả như thế nào. Dù kết quả chưa tốt nhưng phụ huynh cần nhìn thẳng vào thực chất, đừng chỉ nhìn điểm số, thành tích đôi khi chỉ là ảo.

Có như vậy, cả phụ huynh và giáo viên mới có định hướng, có những điều chỉnh phù hợp đối với vấn đề học tập của con em mình.

Và trên tất cả, đây chính là cơ hội để giáo viên, học sinh tiếp cận với công nghệ, sáng tạo, đổi mới, là bậc thang để chúng ta thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục”.

Không bê nguyên thời khóa biểu dạy trực tiếp vào dạy học online

Dạy học trực tuyến là cả một quá trình tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và phát triển không ngừng. Kế hoạch dạy học online ở mỗi thời điểm cũng sẽ không giống nhau.

Nhà trường cần phải thực hiện từng bước một, học tập, cải tiến về công nghệ, đổi mới về phương pháp và tháo gỡ dần những vướng mắc, khó khăn.

Cách thức triển khai, những phương pháp ứng dụng trong dạy học trực tuyến của năm học trước không thể áp dụng cứng nhắc vào năm học này.

Đó là quan điểm của thầy Đào Chí Mạnh về vấn đề sáng tạo, đổi mới trong dạy học online.

Kế hoạch dạy học online, phân chia khung giờ lịch học trực tuyến cần phải hợp lý (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Kế hoạch dạy học online, phân chia khung giờ lịch học trực tuyến cần phải hợp lý (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nói về những vấn đề còn tồn tại dẫn đến hiệu quả dạy học trực tuyến còn thấp, thầy Đào Chí Mạnh thẳng thắn cho biết:

“Có nhiều trường học đang bê nguyên thời khóa biểu, lịch học khi học sinh còn đến trường vào áp dụng cho lớp học online. Điều này là bất hợp lý.

Một buổi có 4 tiết học, mỗi tiết học từ 35 - 45 phút, nếu chúng ta bắt học sinh ngồi trước máy tính suốt nhiều giờ đồng hồ để tiếp nhận kiến thức là một sự đánh đố, học sinh không thể học tập theo cách đó, điều này vừa ảnh hưởng đến tâm lý, vừa ảnh hưởng tới thị lực, sức khỏe của các em”.

Để chuẩn bị dạy trực tuyến, thầy cô Trường Tiểu học Kim Ngọc đã cùng kết nối để xây dựng những video dạy học cho học sinh.

Giáo viên từng tổ, nhóm hỗ trợ nhau, mỗi người có một thế mạnh sẽ đảm nhận một nhiệm vụ, ví dụ như lên hình, làm Powerpoint, ứng dụng các công cụ, phần mềm công nghệ để thiết kế bài giảng,...

Sản phẩm video ngắn với các bài học nội dung mới mẻ, sáng tạo sẽ là sản phẩm dùng chung để học sinh học trực tuyến, điều này giúp giảm bớt gánh nặng áp lực cho giáo viên, học sinh lại được học tập tiện ích, dễ dàng.

Khi đã có những sản phẩm video, nhà trường sẽ tổ chức những lớp học trực tuyến trên nền tảng các ứng dụng công nghệ với sự phân bố thời gian hợp lý hơn, rút ngắn và giảm áp lực cho học sinh.

Đây chính là cơ hội để giáo viên và học sinh tương tác với nhau, học sinh chia sẻ về những giải pháp cho vấn đề, cách giải quyết những bài tập.

Học sinh được rèn luyện năng lực, tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình, trình bày vấn đề.

Dạy học trực tuyến cần phải đảm bảo được mục tiêu kép là giúp học sinh được học tập trong điều kiện an toàn nhưng vẫn đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Cũng theo thầy Đào Chí Mạnh, những cán bộ quản lý, người đứng đầu trường học cần phải tiên phong trong tư duy đổi mới, sáng tạo về dạy học trực tuyến.

“Lãnh đạo trường không phải chỉ giao việc cho giáo viên là xong. Để dạy học trực tuyến hiệu quả, nhà trường cần hỗ trợ, tạo điều kiện và tạo động lực cho giáo viên.

Trường chúng tôi kết nối tất cả giáo viên, nêu phương án, chia sẻ lý do, tạo niềm tin, truyền động lực cho mỗi giáo viên cùng cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời nhà trường cũng tiếp thu những ý kiến đổi mới, ý nghĩa của các giáo viên”.

Hiện nay, có rất nhiều công cụ, phần mềm dạy học trực tuyến, việc kết hợp, chọn lọc những phần mềm này cũng vô cùng quan trọng.

Thầy Mạnh cho biết: “Từ dạy học, đánh giá, kiểm tra trực tuyến đều có thể thực hiện qua những phần mềm hỗ trợ khác nhau.

Ví dụ như học trực tuyến trên Vioedu (vio.edu.vn) cũng là một lựa chọn thú vị - một nền tảng dạy học với nhiều phần đa dạng, từ học tập, kiểm tra, đánh giá. Mặc dù ở đây chỉ mới có dữ liệu học tập môn toán nhưng trên cơ sở đó, các trường có thể xây dựng thêm dữ liệu cho các môn học khác nhau”.

Theo kế hoạch dạy học trực tuyến mà thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ, nhà trường sẽ triển khai các hoạt động bổ trợ trong thời gian học trực tuyến, đó là hoạt động thể dục thể thao tại nhà và hoạt động thuyết trình. Đây vừa là cách để các em học sinh giải tỏa áp lực tâm lý, vừa là cơ hội để các em chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng trong thời gian học tập online.

Bên cạnh đó, thầy Đào Chí Mạnh cũng đề cao vai trò của phụ huynh trong dạy học trực tuyến, đặc biệt là với các em học sinh tiểu học. Nhà trường cần có sự kết nối với phụ huynh. Giáo viên tham gia giảng dạy, nhà trường thực hiện nhiệm vụ đánh giá và phụ huynh là người hỗ trợ quá trình học tập của các em.

Phạm Minh