Cách tính hệ số lương theo theo hướng dẫn của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên tục nhận được các câu hỏi của bạn đọc gửi về.
Bạn H.T.B. có câu hỏi như sau: “Mình hiện là giáo viên Trung học cơ sở môn Toán. Từ khi thông tư 03/ TT- BGD về mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ban hành ngày 02/02/2021 có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 thì mình đã nghiên cứu khá kỹ Thông tư này kết hợp với 2 Thông tư: TT 02/2007 TT-BNV về cách chuyển xếp lương tại mục II khoản 1; bảng lương năm 2004.
Tuy nhiên có 1 trường hợp khi chuyển xếp lương vào hạng II chức danh nghề nghiệp mới (hạng II mới mã số V.07.04.31) thì không biết hệ số lương cụ thể khi được chuyển sẽ như thế nào?
Ví dụ: Trước năm 2015 những giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm (học đại học chính quy) khi hết thời gian tập sự họ được xếp là giáo viên trung học cơ sở hạng II mã số V. 07.04.11. Đến thời điểm hiện tại những giáo viên đạt đủ các tiêu chuẩn ở Điều 4, Thông tư 03, đạt luôn tiêu chuẩn giữ hạng II 9 năm và hiện đang có hệ số lương 3,33 thì họ sẽ được chuyển sang hạng II mới mã số V.07.04.31 với hệ số lương từ 4,00 đến 6,38.
Tiếp tục căn cứ vào mục II khoản 1 của TT 02/2007 TT-BNV về cách chuyển xếp lương thì những giáo viên này sẽ được chuyển từ hệ số 3,33 lên 4,00 .
Đó là cách hiểu của mình sau khi nghiên cứu các thông tư trên.
Vậy cho mình hỏi Tòa soạn, cách hiểu của mình có đúng hay không? Nếu sai xin tư vấn dùm mình cách xếp lương như thế nào cho đúng trong trường hợp này (hệ số lương 3,33; đáp ứng được các tiêu chuẩn ở điều 4; giữ hạng II 9 năm)”.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến/GDVN. |
Vấn đề bạn hỏi, người viết xin cung cấp các quy định liên quan như sau:
Theo khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV hướng dẫn việc “Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức” thì:
“Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới;
Nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ”.
Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Bạn đang hưởng hệ số lương 3,33 (bậc 4) ở ngạch cũ, áp dụng Bảng lương số 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì bạn sẽ được hưởng hệ số lương là 3,66 (bậc 5).
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT- BGDĐT và có hiệu lực từ ngày 30/3/2021 tới đây nếu bạn đáp ứng được đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ, nhiệm vụ…thì có thể được xét (thi) để là giáo viên trung học cơ sở hạng II, có hệ số lương từ 4,0- 6,38.
Nhưng, theo chúng tôi thì bạn phải lên đến lương bậc 6, hệ số 3,99 mới được chuyển và hưởng lương giáo viên trung học cơ sở hạng II, từ hệ số 4,0-6,38.
Hơn nữa, đây mới là Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà tại khoản 2, Điều 8 của Thông tư 03 cũng đã hướng dẫn như sau: “Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Trong khi, chính sách tiền lương mới dự kiến tháng 7/2022 mới thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm.
Giáo viên hạng II hiện nay có giữ hạng II theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT?
Bạn N.V.Ph. hiện đang công tác tại một trường Trung học cơ sở của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang hỏi:
“Tôi đang là giáo viên trung học cơ sở hạng III có đăng ký xét và được thăng hạng II và có danh sách thăng hạng II của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang (Sở Nội vụ đã làm dự thảo quyết định nhưng chưa có quyết định chính thức)
Vậy nếu theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì tôi được xếp hạng II không ?”.
Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thời gian qua, giáo viên Trung học cơ sở thực hiện việc xếp hạng theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành, cho nên những giáo viên có bằng đại học được xếp ở hạng II, giáo viên có bằng cao đẳng xếp ở hạng III.
Trường hợp của bạn đang là giáo viên trung học cơ sở hạng III nhưng đã đăng ký xét và được thăng hạng II và có danh sách thăng hạng II- nghĩa là thực hiện theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.
Tuy nhiên, ngày 02/2/2021 thì Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT được ban hành và tại khoản 2, Điều 9 của Thông tư này hướng dẫn như sau:
“Trường hợp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.04.31) nên bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.04.31) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng”.
Như vậy, nếu bạn chưa đạt được các tiêu chí theo hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT về giáo viên hạng II thì bạn sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III như hiện nay, nếu bạn đạt được các tiêu chí thì sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (bạn có thể đọc Điều 4 của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT để đối chiếu với những tiêu chí của mình đã có).
Trên đây là một số thông tin trao đổi cùng bạn đọc. Phần tư vấn của chúng tôi có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể của từng địa phương sẽ có cách giải quyết khác nhau.