Hàn Quốc kiểm tra môn Lịch sử thế nào khiến thủ khoa Việt Nam ấn tượng?

28/02/2021 06:54
Trần Tùng Ngọc
GDVN- Bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc được tiến hành theo dạng thức 2 hoặc nhiều thông tin – 1 đáp án, dạng thức này có ưu điểm trong việc đánh giá người học

Từng đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Sử năm học 2013 - 2014, Thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 2018, anh Trần Tùng Ngọc hiện đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Đông Á học tại Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc theo diện học bổng chính phủ Hàn.

Qua khảo sát, nghiên cứu đề thi tại Hàn Quốc, đề thi là các nội dung từ thời nguyên thủy đến hiện đại, bản thân là người nghiên cứu Sử mới đầu đọc cũng hoảng, nhưng khi tìm hiểu kỹ anh Ngọc thấy cách ra đề thi trắc nghiệm của họ rất hay và chúng ta có thể tham khảo.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết.

Bắt đầu từ năm 2015, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện hợp nhất kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và kì thi tuyển sinh đại học thành kì thi Trung học phổ thông Quốc gia cùng với việc triển khai thi trắc nghiệm với một số môn học trong đó có Lịch sử, Địa lý, Toán học,… đã góp phần làm thay đổi hình thức ôn tập, kiểm tra đánh giá dành cho các môn học này.

Đặc biệt với các môn học có truyền thống kiểm tra đánh giá dưới hình thức tự luận như Lịch sử, việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và xây dựng ngân hàng dữ liệu đề thi trở thành bài toán quan trọng cần phải giải quyết.

Trong bài viết này, tác giả tiến hành khảo sát hình thức ra đề bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc từ đó đưa ra một vài gợi ý về việc đổi mới cách thức ra đề kiểm tra môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm tại Việt Nam.

Giới thiệu về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc được nghiên cứu và ban hành bởi Ủy ban biên soạn quốc sử Hàn Quốc nhằm mục đích mở rộng sự quan tâm và nâng cao kiến thức của người dân về lịch sử đất nước, nâng cao nhận thức về lịch sử, đề xuất phương hướng cho giáo dục lịch sử, bồi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề và năng lực tư duy cho người học.

Các dạng thức ra đề của bài thi gồm (1) Hiểu được kiến thức lịch sử, (2) Nắm bắt được niên đại của sự kiện, (3) Nhận thức được bối cảnh lịch sử và điểm tranh luận, (4) Phân tích và giải thích tư liệu lịch sử, (5) Thiết kế và tiến hành hoạt động tìm hiểu lịch sử, (5) Đưa ra kết luận và đánh giá.

Giới thiệu về cách thức ra đề bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc được tiến hành theo dạng thức 2 hoặc nhiều thông tin – 1 đáp án, dạng thức này có ưu điểm trong việc phân loại, đánh giá người học.

Đặc biệt, đề thi sử dụng nhiều hình ảnh, tư liệu lịch sử đem lại cảm giác trực quan sinh động hơn cho người học.

Sau đây, bài viết sẽ lấy ví dụ cụ thể để so sánh hai dạng thức ra đề giữa cách đặt câu hỏi trong đề thi Trung học phổ thông Quốc gia môn Lịch sử (triển khai theo dạng thức 1 thông tin – 1 đáp án) và dạng thức ra đề bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc.

Hình 1: Đề thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019

Hình 1: Đề thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019

Hình 2: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Hình 2: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Căn cứ theo ví dụ trên, để giải được câu hỏi cho đề thi phía Hàn Quốc, người học cần trả lời qua 2 bước. Bước 1: Xác định được nội dung của hiện vật lịch sử. Bước 2: Tìm nội dung đúng/ không đúng với hiện vật tương ứng.

Ở mức độ nâng cao, bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc sử dụng dạng đề đưa ra sử liệu và yêu cầu thí sinh nắm bắt được thông tin về sử liệu ấy.

Hình 3: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc (2)

Hình 3: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc (2)

Cách ra đề vẫn yêu cầu trải qua 2 bước. Bước 1: Nắm bắt được tài liệu này thuộc về tổ chức/ sự kiện lịch sử nào. Bước 2: Nắm bắt bối cảnh xung quanh tổ chức/ sự kiện lịch sử ấy. Điểm sáng tạo của bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc nằm ở cách ra đề theo hình thức xây dựng hoạt động điền dã, hoạt động thảo luận tìm hiểu lịch sử. Người học có thể được tiếp cận dưới trực quan hình ảnh cụ thể.

Hình 4: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Hình 4: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Hình 5: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Hình 5: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Bên cạnh đó còn có thể kể đến các dạng đề như sắp xếp sự kiện, bản tin giả tưởng, thiết kế phỏng vấn, quiz, tham quan giới thiệu hiện vật bảo tàng,… cùng nhiều dạng thức câu hỏi phong phú khác. Dưới đây là ví dụ về dạng thức ra đề theo dạng bản tin giả tưởng và tham quan bảo tàng.

Hình 6: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Hình 6: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Hình 7: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Hình 7: Ví dụ về bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Một vài đề xuất cải thiện việc kiểm tra đánh giá môn Lịch sử trong nhà trường

Như vậy, căn cứ trên một vài ví dụ trực quan đơn giản, chúng ta có thể đưa ra một số đề xuất nhằm đổi mới bổ sung vào hoạt động kiểm tra đánh giá môn lịch sử trong nhà trường.

Cụ thể như sau: (1) Bổ sung dạng thức câu hỏi đa tuyến (nhiều thông tin – 1 đáp án) thay cho câu hỏi đơn tuyến (1 thông tin – 1 đáp án).

(2) Tăng cường sử dụng sử liệu trong hoạt động kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận và phân tích sử liệu cho người học.

(3) Tăng cường sử dụng hình ảnh trong kiểm tra đánh giá để nâng cao tính trực quan sinh động cho bài thi.

(4) Mở rộng hình thức kiểm tra đánh giá từ bị động (hỏi – đáp đơn thuần) sang hình thức tư duy liên tưởng (tình huống giả định về hoạt động trên lớp, hoạt động ngoài trời,…).

Theo ý kiến của người viết, cách làm này vừa có thể giúp thu hút sự quan tâm của người học đối với bài kiểm tra đánh giá môn học lịch sử vừa có thể nâng cao tính phân loại học sinh phục vụ mục đích đánh giá chất lượng.

Trong quá trình dạy và học, giáo viên cũng có thể áp dụng hình thức này để làm phong phú hơn hoạt động luyện tập, ôn tập kiến thức trọng tâm cho học sinh.

Bài viết mới đưa ra những gợi ý bước đầu, rất mong có thêm nhiều hoạt động thực nghiệm, ý kiến đóng góp để có thể tiếp tục hoàn thiện hơn vì mục tiêu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử nước nhà.

Ghi chú:

* Tư liệu trong bài được tác giả trích và dịch từ cơ sở dữ liệu bài thi đánh giá năng lực lịch sử Hàn Quốc

Trần Tùng Ngọc