Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký Quyết định 709/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 2 và Quyết định số 718/QĐ-BGDĐT phê duyệt. [1]
Danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 08 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 sách giáo khoa được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa.
Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 sách giáo khoa; môn Tin học có 2 sách và Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt.
Các sách giáo khoa có tên trong danh mục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo viên các đơn môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học đang dạy tại các trường trung học cơ sở rất quan tâm đến những đầu sách được cho là “tích hợp” như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.
Tích hợp kiểu gì mà phải hai, ba thầy cùng dạy một cuốn sách?
Với môn Lịch sử và Địa lý, sách giáo khoa đều có hai phần riêng biệt, phần Lịch sử và phần Địa lý.
Mục lục của sách giáo Lịch sử và Địa lý lớp 6, bộ Cánh Diều (Ảnh chụp màn hình) |
Thầy giáo Ch. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu nhận xét “Cấu trúc sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 phân biệt rạch ròi hai phần Lịch sử và Địa lý rõ rệt, nên nói là môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 tích hợp cũng không hoàn toàn chính xác; chính xác phải nói là môn Lịch sử và Địa lý là tập hợp của hai môn Lịch sử, Địa lý.
Việc tách bạch như vậy cũng có thuận lợi cho giáo viên dạy, học sinh học, nhà trường xếp thời khóa biểu. Giáo viên đơn môn Lịch sử, Địa lý có thể dạy song song trong cùng thời gian khi dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 6.
Đây là thuận lợi cho những giáo viên được đào tạo đơn môn như chúng tôi hiện nay. Nếu phân một giáo viên được đào tạo đơn môn dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 6, sẽ chỉ có 1 trong 2 phần đạt yêu cầu, như vậy chỉ có 50% thành công cho chương trình mới”.
Như vậy, môn Lịch sử và Địa lý lớp sẽ phải có 2 giáo viên đơn môn Lịch sử, Địa lý cùng dạy một cuốn sách Lịch sử và Địa lý lớp 6.
Với cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6, các mạch kiến thức được sắp xếp không liền mạch, nhìn qua thấy bóng dáng của “tích hợp”, nhưng nhìn kỹ mang tính “tập hợp” là chủ yếu.
Mục lục của sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6, bộ Cánh Diều. (Ảnh chụp màn hình) |
Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Mình hơn 30 năm dạy Hóa học, kiến thức cơ bản về Vật lý, Sinh học rơi rụng hết, nay bảo dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, từ chối thì bảo mình không thực hiện nhiệm vụ; nhận lời thì đầy băn khoăn lo lắng.
Băn khoăn, lo lắng không phải cho riêng mình, mà cho cả học trò. Mình còn nhớ ai đó có phát biểu, đã tốt nghiệp trung học phổ thông rồi là có thể dạy trung học học cơ sở; dạy được, vấn đề dạy như thế nào, dạy đúng hay sai, dạy phát triển năng lực phẩm chất cho người học hay ngược lại.
Với thời đại này, muốn tạo hứng thú cho học sinh, người thầy phải hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình dạy mới thoát ly được tài liệu, mới thăng hoa được cảm xúc, mới lan tỏa được cảm hứng, vì vậy, thật lòng mà nói, mình không thể dạy tốt môn Khoa học tự nhiên lớp 6.
Vì thế, giải pháp đơn giản nhất để đảm bảo chất lượng bộ môn, việc làm cho giáo viên, buộc ba thầy đơn môn cùng dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6”.
Nội dung môn Khoa học tự nhiên lớp 6 rất nặng, đặc biệt khi các kiến thức chỉ được học ở lớp 8, lớp 9 (phần dung dịch) hiện nay đã đưa xuống dạy cho các em lớp 6; dùng cái chưa biết để giải thích cái muốn biết.
Vì vậy, cần lắm sự nghiên cứu kỹ càng, tự học của giáo viên đơn môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học về kiến thức trong sách giáo khoa lớp 6, để có thể đảm nhận dạy được môn “tích hợp” sau một vài năm tới, khi chưa có giáo viên đào tạo chính quy ra trường.
Bên cạnh đó, cần sự thấu cảm, chia sẻ của lãnh đạo đơn vị, biết được khó khăn của giáo viên mình đang gặp phải để động viên, khuyến khích, tạo cơ hội cho giáo viên đơn môn học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Bo-GDDT-phe-duyet-danh-muc-sach-giao-khoa-lop-2-lop-6/423357.vgp
https://sachcanhdieu.com/san-pham/lop-6/
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.