Nhật ký Kim Bon:

Cách cột điện 600m, cô trò Kim Bon vẫn "mơ" có điện

14/11/2011 10:15
Ngọc Khánh
(GDVN) - Hàng ngày, cô và trò mầm non Kim Bon vẫn lên lớp múa hát, vui chơi và nhìn bóng đèn, quạt trần… "ngủ quên" trên tường.
Nằm ngay trung tâm xã, có đường điện đi qua nhưng kể từ ngày xây dựng cho đến nay, điểm chính của trường mầm non Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La vẫn chưa một lần có điện. Hàng ngày, cô và trò nơi đây vẫn lên lớp múa hát, vui chơi và nhìn bóng đèn, quạt trần…”ngủ quên” trên tường.
Nằm ngay trên đường điện chạy qua nhưng điểm trường mầm non chính vẫn chịu cảnh "tắt đèn" 2 năm qua. Ảnh: Ngọc Khánh
Nằm ngay trên đường điện chạy qua nhưng điểm trường mầm non chính vẫn chịu cảnh "tắt đèn" 2 năm qua. Ảnh: Ngọc Khánh

Cô Lường Thị Phong – Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Bon cho biết trường có 11 điểm trường rải khắp các bản trong xã, nơi xa nhất cách trung tâm gần 30km đường rừng, phần lớn cơ sở vật chất còn tạm bợ, chưa được xây kiên cố. Điểm trường chính được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009 theo chương trình kiên cố hóa trường lớp học. 

Điểm trường chính nằm lưng chừng núi, cách UBND xã chưa đến 1km. Căn nhà màu vàng tươi rất sạch sẽ là nguồn hi vọng về sự đổi thay từng bước của Kim Bon. Con em đồng bào dân tộc thiểu số Kim Bon được học hát, học chữ trong căn phòng ấm áp, sáng sủa sẽ là nền tảng để nâng cao dân trí. 

Tuy nhiên nghịch lý: “Mơ” đèn sáng, quạt quay bên cạnh đường điện khiến cho khát vọng đổi mới của người dân không được viên mãn. 

Qua quan sát, phòng học có hệ thống đèn chiếu sáng, quạt gió hiện đại, lắp đặt đồng bộ nhưng vẫn chưa một lần sử dụng.
Có quạt trên trần, các em vẫn mơ những làn gió mát lành trong ngày hè oi ả. Ảnh: Ngọc Khánh
Có quạt trên trần, các em vẫn mơ những làn gió mát lành trong ngày hè oi ả. Ảnh: Ngọc Khánh

Chỉ cách cột điện 600m nhưng 2 năm qua, trường vẫn chưa được đấu nối với nguồn điện. Theo cô Phong, nguyên nhân của việc có đèn, có quạt mà không có điện là do đơn vị đầu tư công trình này đã không có giấy tờ kiểm tra, đánh giá về an toàn phòng chống cháy nổ. 

Vì vậy, cô và trò ở điểm trường này vẫn phải học chữ trong không gian mờ mờ vào những ngày sương mù dày đặc. Mơ ước được nhìn thấy ánh sáng từ chiếc đèn tuýp trên tường của các em vẫn chỉ là ước mơ.
Nghịch lý ở điểm trường này cần phải thay đổi! Ảnh: Ngọc Khánh
Nghịch lý ở điểm trường này cần phải thay đổi! Ảnh: Ngọc Khánh
Ở gần đó, ngôi nhà công vụ cũng chịu cảnh lạnh lẽo vì không có điện. Giữa ban ngày nhưng trong phòng ánh sáng hắt vào trong phòng yếu ớt, mờ đục. Một số giáo viên ở đây cho biết, buổi tối vẫn thắp đèn nên việc sinh hoạt rất khổ sở, phải lần mò trong đêm tối.

Trao đổi với chính quyền địa phương, ông Vũ Tiến Đĩnh – Bí thư Đảng ủy xã Kim Bon cho biết: Trong quá trình thi công điểm trường mầm non này, đơn vị thi công ở huyện đã không có một văn bản nào để kiểm tra vấn đề cháy nổ. Nhà trường đã có văn bản gửi lên cấp trên để giải quyết tuy nhiên phải đợi thẩm định. (?) 
Tại sao việc thẩm định và chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ mất tới 2 năm vẫn chưa có kết quả, để cô trò trường mầm non ở đây phải ngóng đợi ánh đèn được thắp sáng, cánh quạt quay tròn. 

Trả lời câu hỏi này, ông Đĩnh cho biết: "Trách nhiệm này thuộc cấp huyện, còn xã đã sẵn sàng cấp kinh phí cho việc đấu nối."

LTS: Bên cạnh thông tin mà PV Báo GDVN phản ánh, tòa soạn cũng nhận được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này từ phía bạn đọc đi cùng. Chúng tôi xin được gửi đến các bạn nỗi day dứt của một thành viên trong đoàn là Bác sĩ Bùi Văn Sơn - Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội:

Chỉ vì một tờ giấy mà 2 năm nay các em không được học dưới ánh sáng của đèn điện và các cô không được sống trong ánh sáng của nền văn minh.

Đề án của Chính phủ rất tốt nhưng khi triển khai và thực hiện thì nảy sinh nhiều bất cập.

Đừng nên để cho đồng bào mất niềm tin vào những chương trình rất thiết thực chỉ vì những chi tiết rất nhỏ.

Hy vọng việc này sớm được giải quyết dứt điểm để cô, trò trường Mầm non Kim Bon được dạy và học trong ánh sáng của nền văn minh.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Ngọc Khánh