Có thể nói nữ trí thức là một bộ phận tinh hoa của phụ nữ thuộc mọi dân tộc. Họ là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó, có trình độ, có vị trí khoa học và có những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Trước khi hoặc đồng thời với việc họ bước vào tầng lớp trí thức, họ là những người vợ, người mẹ với những thiên chức trong gia đình mà xã hội đã định sẵn. Họ phải sinh con, nuôi con, lo toan cuộc sống gia đình và làm những công việc vốn được coi là “thiên chức”.
Con đường bước ra khỏi cánh cửa gia đình để dấn thân vào các hoạt động khoa học bao giờ cũng đầy chông gai mà không phải người phụ nữ nào cũng có thể vượt qua được. Tuy nhiên, Tiến sĩ Đinh Thị Hinh – nhà khoa học nữ 8X của Trường Đại học Phenikaa là minh chứng rõ nét về sự dung hòa chức năng “kép” ấy.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hinh cho biết bản thân tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2010 sau đó nhận được học bổng giáo sư để học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Ulsan, Hàn Quốc.
Cô Đinh Thị Hinh trong ngày nhận bằng tiến sĩ (ảnh: NVCC) |
Năm 2016, cô Hinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nghiên cứu cơ chế của hiệu ứng biến dạng cơ điện trên các hệ gốm áp điện pha tạp nền Bismuth”.
“Trong luận án đó, tôi đã nghiên cứu các tính chất của các hệ gốm áp điện composite và các hệ gốm áp điện (Bi,Na,K)TiO3, (Bi,Na,Ba)TiO3 được pha tạp với các nồng độ acceptor (Lithium) và donor (Lantanum) khác nhau. Kết quả cho thấy các hệ gốm composite và gốm BNKT đươc pha tạp bởi Lanthanum với nồng độ 0.03 cho giá trị biến dạng cơ điện khá lớn (600~800 pm/V) với lực điện trường yêu cầu khá nhỏ (2~4 kV/mm).
Từ đó tôi liên hệ với nhóm nghiên cứu của Giáo sư John Daniels ở Đại học New South Wales ở Úc để sử dụng phương pháp xác định các cấu trúc tinh thể nhiễu xạ dưới lực điện trường (in-situ XRD).
Sau đó, cùng nhóm của Giáo sư Jing Feng Li ở Đại học Tsinghua ở Trung Quốc để xác định thêm các tính chất vi cấu trúc của vật gốm liệu áp điện bẳng ảnh hiển vi điện tử truyền qua (Transmission electron microscopy) và ảnh hiển vi áp điện (Piezoresponse force microscopy).
Từ những nghiên cứu đó nhóm tôi đã tìm ra được cơ chế của biến dạng cơ điện lớn dưới tác dụng của điện trường nhỏ trong gốm áp điện BNKT pha tạp La.
Những kết quả đó sau đấy được công bố trên tạp chí Journal of the European Ceramic Society (Tạp chí Q1, Impact factor năm 2020 là 4.495) và tạp chí Ceramics International (Tạp chí Q1, Impact factor năm 2020 là 3.83),”, cô Hinh chia sẻ.
Tốt nghiệp tiến sĩ, cô Hinh ở lại Đại học Ulsan để làm nghiên cứu sau tiến sĩ. Năm 2019, cô về công tác tại Trường đại học Phenikaa.
Cô Hinh (ngoài cùng) tham dự hội thảo AMEC tại Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh: NVCC) |
“Lý do quyết định về nước vì đó cũng là thời điểm bản thân tôi mong muốn trở về làm việc tại quê hương và đoàn tụ cùng gia đình. Tôi nhận thấy điều kiện để làm nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay đã được cải thiện nhiều và có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà khoa học khi về nước để nghiên cứu và giảng dạy. Đặc biệt Trường đại học Phenikaa có môi trường tự do học thuật, đồng nghiệp là những người có tài và nhiệt huyết, cơ sở vật chất trang thiết bị đầy đủ và hiện đại, chế độ đãi ngộ tốt”, nữ tiến sĩ nói.
Cô Hinh cho hay, dù nam giới hay nữ giới đều có những ưu- nhược điểm khi làm nghiên cứu khoa học, quan trọng là lựa chọn đúng lĩnh vực phù hợp mà thôi.
Ví như sự chăm chỉ, cẩn thận, khéo léo và tỉ mỉ của nữ giới sẽ là một lợi thế không nhỏ trong quá trình làm thực nghiệm. Đặc biệt là lĩnh vực Vật liệu gốm áp điện mà cô Hinh nghiên cứu thường tiến hành với các thiết bị nhỏ, nhẹ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao. Do vậy, “nữ giới trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu của tôi là lợi thế!”, cô Hinh nói.
Tiến sĩ Đinh Thị Hinh chụp hình cùng giáo sư và đồng nghiệp ở Hàn Quốc (ảnh: NVCC) |
Được biết lĩnh vực mà Tiến sĩ Đinh Thị Hinh quan tâm nghiên cứu là Vật liệu gốm áp điện không chì cho thiết bị điện tử dẫn động và thiết bị cảm ứng.
Cô là tác giả chính và đồng tác giả của 6 bằng sáng chế tại Hàn Quốc, 25 bài báo quốc tế và hàng loạt giải thưởng cho các báo cáo xuất sắc tại các hội thảo chuyên ngành như:
Giải bài báo xuất sắc tại tạp chí Transactions on Electrical and Electronic Materials năm 2017;
Giải bài báo xuất sắc tại hội thảo KIEEME annual summer conference 2015, 2016;
Giải sinh viên xuất sắc tại hội thảo AFM-AMEC năm 2014;
Giấy khen dành cho sinh viên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Hội và học tập, do Đại sức đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2013;
Giải báo cáo xuất sắc tại hội thảo JSEM năm 2013;
Năm 2013-2016 Học bổng toàn phần cho khóa học Tiến Sỹ tại Khoa khoa học và kỹ thuật Vật Liệu, Đại học Ulsan, Ulsan, Hàn Quốc.
Năm 2012 đạt giấy khen dành cho sinh viên đã có đóng góp tích cực cho phong trào sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, do Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tặng.
Năm 2011-2013 giành học bổng toàn phần cho khóa học Thạc Sỹ tại Khoa khoa học và kỹ thuật Vật Liệu, Đại học Ulsan, Ulsan, Hàn Quốc.
Năm 2009-2010 giành học bổng Lawrence S.ting Memorial Fund.
Năm 2009 Giải Ba giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường, năm học 2009 - 2010 do Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cấp ngày 01 tháng 06 năm 2010.
Năm 2008-2010 Học bổng của công ty Thép Việt Nam.
Năm 2007-2010 Học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Năm 2007-2008 Giấy khen dành cho sinh viên đã có thành tích tốt trong học tập và công tác Đoàn thanh niên, Hội sinh viên năm học 2007 -2008 do Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, cô Hinh thừa nhận việc vừa phải dành tâm huyết, thời gian cho việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn và nghiên cứu khoa học, vừa phải lo toan, sắp xếp hoàn thành tốt công việc của người mẹ, người vợ trong gia đình là không dễ.
Để có được những kết quả đó, Tiến sĩ Đinh Thị Hinh luôn cảm ơn sự hỗ trợ của gia đình hai bên và đặc biệt là người bạn đời, cũng là một Tiến sĩ tốt nghiệp cùng Đại học Ulsan.
Để đạt được những kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Đinh Thị Hinh luôn cảm ơn sự hỗ trợ của gia đình hai bên và đặc biệt là người bạn đời, cũng là một Tiến sĩ tốt nghiệp cùng Đại học Ulsan (ảnh: NVCC) |
Hai người cùng trải qua thời gian dài học tập và công tác tại Hàn Quốc nên luôn tìm được tiếng nói chung, anh chính là chỗ dựa và nguồn động viên tinh thần để cô theo đuổi sự nghiệp của mình.