Một phần nguyên nhân từ lối sống sai lầm của học sinh
Qua vụ việc các học sinh của 2 trường trung học phổ thông ở tỉnh Đồng Tháp bị nhóm côn đồ vào tận trường hành hung, mà nguyên nhân xuất phát chỉ từ mâu thuẫn cá nhân của các học sinh, một lần nữa lại dấy lên trong dư luận lo ngại về vấn đề bạo lực học đường.
Sau mỗi sự việc như thế, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi rằng điều này có phải do lối sống, đạo đức của học sinh ngày nay đang bị coi nhẹ hay là do các em đang thiếu đi những kỹ năng phòng vệ cần thiết để có thể tự bảo vệ bản thân trong những sự cố tương tự.
Để có nhiều góc độ nhìn nhận xung quanh sự việc này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Lê Trọng Hải, giáo viên Trường Tiểu học Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An.
Thầy Hải cũng là võ sư, chủ của Võ đường Trọng Hải và hiện đang sở hữu khá nhiều lớp võ karate-do trong các trường học trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Chân dung thầy giáo, võ sư Lê Trọng Hải. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Thầy Hải cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các nhóm côn đồ vào hành hung học sinh ngay trong chính ngôi trường các em một phần là do trong quá trình hội nhập các nền văn hóa, nếp sống, phong cách nước ngoài du nhập vào Việt Nam không còn bị giới hạn, như trước.
"Không những thế, việc không biết chắt lọc những thông tin bổ ích thông qua các loại hình như internet, phim ảnh, sách báo, thời trang trong thời buổi hiện nay khiến cho giới trẻ bị lôi cuốn, bị đầu độc bởi lối sống thực dụng, bạo lực.
Nhiều em ngộ nhận về bản thân mình và xem thường người khác, xem thường các giá trị truyền thống, có những hành vi vượt ngưỡng cho phép. Phần lớn thanh thiếu niên không được trang bị đầy đủ kỹ năng để đối phó các sự việc xảy đến với mình.
Trong khi đó, ở nhiều nơi kỷ cương trong nhà trường quá lỏng lẻo, nhiều trường, nhiều lớp không có biện pháp xử lý kỷ luật học sinh cá biệt. Điều đó khiến cho học sinh thản nhiên đánh nhau, trấn lột nhau mà không sợ bị đuổi học.
Còn về phía gia đình, tình trạng “khoán trắng” việc giáo dục con em cho nhà trường khá phổ biến. Không ít gia đình mải lo “cơm, áo, gạo, tiền”, không quan tâm các em, đẩy các em rơi vào các tệ nạn xã hội”.
Những “bí kíp” cần trang bị cho học sinh
Chia sẻ đôi điều để giúp học sinh hạn chế tối đa những ảnh hưởng của nạn bạo lực trong học đường, thầy Lê Trọng Hải cho rằng: “Việc này phải xét vào mức độ của sự việc, bởi có những việc chính những bạn cùng lớp, cùng trường đó có thể đứng ra can ngăn, giải quyết mâu thuẫn giúp bạn.
Và có thể trong nhiều trường học hiện nay nên thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống để các em biết được cách đối nhân xử thế và kỹ năng ứng xử với các sự việc bất ngờ xảy ra.
Tránh việc để xảy ra tình trạnh vô cảm, thấy bạn bị hành hung còn thờ ơ đứng nhìn hoặc cổ vũ đánh nhau.
Còn với những sự việc tương tự như ở Đồng Tháp thì đối tượng hành hung còn có hung khí và rất manh động nên tốt nhất các học sinh khác nên tìm đến giải pháp là cầu cứu người có khả năng giải quyết, cụ thể ở đây là giáo viên hoặc ban giám hiệu nhà trường.
Nếu chọn cách can ngăn trực tiếp, có thể các em vô tình thành nạn nhân, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường giúp thanh, thiếu niên có hướng phát triển đúng đắn về thể chất, tinh thần và trí tuệ thì toàn xã hội cần chung tay giáo dục, định hướng để các em biết gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả.
Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, tăng cường giáo dục lối sống trong những buổi chào cờ, sinh hoạt của trường để tuyên truyền về pháp luật nhằm răn đe, tạo môi trường lành mạnh cho các em vui chơi, giải trí.
Mỗi gia đình cũng cần quan tâm sâu sát hơn với những thay đổi trong tính cách của con để giải thích và ngăn chặn mầm mống bạo lực.
Việc tu dưỡng đạo đức sư phạm cũng cần được nâng cao trong đội ngũ giáo viên để học sinh được giáo dục một cách toàn diện cả kiến thức lẫn nhân cách”.
Một buổi phô diễn võ học trong trường học của các học viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chia sẻ về cơ duyên của việc đưa bộ môn võ karate-do vào trong các trường học, thầy Hải bày tỏ: “Xuất phát từ việc muốn trang trang bị không chỉ là kỹ năng phòng vệ mà cũng muốn một phần cùng rèn luyện lối sống, ứng xử cho học sinh trong môi trường giáo dục mà ý tưởng đưa môn võ này vào trong học đường của tôi và các cộng sự cũng đã được nhen nhóm và triển khai trong mấy năm gần đây.
Hiện không chỉ các trường ở khu vực thuộc phía bắc huyện Diễn Châu, mà Võ đường của chúng tôi cũng có thêm cơ sở nữa ở một trường của huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Định hướng của chúng tôi, nếu có điều kiện sẽ lan toả mô hình này ra phạm vi rộng hơn vì hiện nó đang được sự đón nhận rất tích cực của nhà trường cũng như phụ huynh.
Bởi ngay từ bài học đầu tiên khi tham gia, các em cũng được giải thích một cách cô đọng bốn cấp độ ý nghĩa của karate-do, tương đương bốn mục đích học võ. “Kara” trong tiếng Nhật là “không”, “te” là tay, “do” là cách thức.
Nên Karate-do là cách thức rèn luyện tay chân thành vũ khí chiến đấu. Nhưng “do” còn có nghĩa cao sâu hơn, đó là con đường, là đạo đức. Karate-do là con đường tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, phong cách.
Đạo đức trong võ học hướng tới đó là yêu Tổ quốc, hiếu lễ với cha mẹ, thủy chung với thầy, với bạn, nhân ái chan hòa với con người, với thiên nhiên và vạn vật.
Phẩm chất đó là danh dự, chính trực, tôn trọng, tự trọng, bao dung, cao thượng, đoàn kết, hiếu hòa, cần mẫn, tự tin, ý chí, dũng cảm. Còn phong cách đó là ung dung, phóng khoáng, trầm tĩnh, đĩnh đạc.
Như thế, học võ thuật chỉ là một phần nhỏ. Học đạo đức, rèn phẩm chất, luyện phong cách mới là công phu mỗi ngày và suốt đời của người học võ. Đó là võ đạo, đạo làm người.
Triết lý của võ đạo thì vi diệu nhưng mục đích học võ thì bao giờ cũng cụ thể với những lợi ích thiết thực.
Trước hết, võ giúp người tập sự khỏe mạnh, an vui, một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện, nhưng cũng rèn con người ta bản tính nhẫn nhịn, cảm thông và hài hoà sự việc.
Võ đường của tôi cũng đã chứng kiến nhiều học viên từ ngỗ ngược trở nên thuần tuý thì tôi nghĩ nếu phần đông các học sinh trong các trường học lĩnh hội được các yếu tố này việc hạn chế được nạn bạo lực trong học đường là điều có thể nhìn thấy”.