Có những giáo viên “cõng” đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

09/03/2021 06:35
NHẬT KHOA
GDVN- Sắp tới, có hàng triệu giáo viên phải bỏ ra một lượng tiền “khổng lồ” để đi học, bồi dưỡng và phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp “vô bổ”, không hiệu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành tiêu chuẩn, mã số, xếp lương giáo viên cho giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.

Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bỏ việc giáo viên trình độ đại học hưởng lương trung cấp hay việc giáo viên có thể chuyển lên các hạng cao, có hệ số lương cao, ổn định hơn là những điểm mới được nhiều giáo viên đồng tình hoan nghênh ủng hộ.

Tuy nhiên, một vấn đề nhận được rất nhiều bức xúc là sắp tới đây, có hàng triệu giáo viên phải bỏ ra một lượng tiền “khổng lồ” để đi học, bồi dưỡng và phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp “vô bổ”, không hiệu quả và thiết thực.

Sắp tới, một giáo viên có thể “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Sắp tới, một giáo viên có thể “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Những giáo viên nào phải có chúng chỉ chức danh nghề nghiệp theo Thông tư mới

Đối với giáo viên mầm non

Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non là hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:

Giáo viên mầm non hạng III phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng III (đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng vào giáo viên mầm non hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên mầm non hạng II phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng II;

Giáo viên mầm non hạng I phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng I.

Do đó, từ 20/3/2021, đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào giáo viên mầm non hạng III mới cũng bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III mới.

Như vậy, chỉ có những giáo viên mầm non chuyển từ hạng IV cũ sang hạng III mới hay giáo viên hạng II cũ chuyển xuống hạng III mới không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, thì hầu hết các trường hợp khác đều phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng III, II các trường hợp khác chuyển sang hạng II hoặc thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các hạng.

Đối với giáo viên tiểu học

Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:

Giáo viên tiểu học hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên tiểu học hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng II;

Giáo viên tiểu học hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng I.

Do đó, đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 và giáo viên hạng III cũ được bổ nhiệm vào giáo viên tiểu học hạng III mới thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Như vậy, cũng giống như bậc mầm non, chỉ có những giáo viên tiểu học chuyển từ hạng IV cũ sang hạng III mới, giáo viên hạng II cũ chuyển sang hạng III mới không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, hầu hết các trường hợp khác đều phải có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng III, II, các trường hợp khác chuyển sang hạng II hoặc thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các hạng.

Đối với giáo viên trung học cơ sở

Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:

Giáo viên trung học cơ sở hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên trung học cơ sở hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng II;

Giáo viên trung học cơ sở hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng I.

Do đó, đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 và được bổ nhiệm vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Như vậy, giáo viên mới tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 mới cần chứng chỉ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III, II, các trường hợp khác giữ hạng II, thăng hạng II, I đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng.

Đối với giáo viên trung học phổ thông

Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:

Giáo viên trung học phổ thông hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng III (đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);

Giáo viên trung học phổ thông hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng II;

Giáo viên trung học phổ thông hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng I.

Do đó, đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 và được bổ nhiệm vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Như vậy, giống như bậc trung học cơ sở giáo viên mới tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 mới cần chứng chỉ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III, các trường hợp khác giữ hạng II, thăng hạng II, I đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng.

Những giáo viên có thể phải “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên

Như phần thông tin trên các giáo viên sẽ có trường hợp các giáo viên phải “cõng” đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như sau:

Giáo viên mới ra trường phải có chứng chỉ hạng III, sau đó nếu muốn thi thăng hạng lên hạng II, I phải có chứng chỉ hạng II, I

Giáo viên mầm non, tiểu học đang giữ hạng III cũ muốn được chuyển sang hạng III mới phải có chứng chỉ chức danh giáo viên hạng III, sau đó nếu muốn thi thăng hạng lên hạng II, I phải có chứng chỉ hạng II, I

Đây chính là những giáo viên có thể phải “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, còn những đối tượng giáo viên khác “cõng” 2 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là rất nhiều

Kiến nghị đào tạo trực tuyến và cấp chứng chỉ các hạng miễn phí

Vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp gây bức xúc cực lớn cho giáo viên cả nước vì 3 lý do: tốn thời gian, tốn tiền và không hiệu quả.

Việc bồi dưỡng các chứng chỉ giáo viên các hạng giáo viên phải đăng ký và tốn một lượng tiền không hề nhỏ, dao động từ 2,5 đến 3 triệu đồng cho mỗi chứng chỉ, nếu giáo viên “cõng” 3 chứng chỉ trung bình chi cũng từ 7,5 đến 9 triệu đồng.

Nếu cả nước hiện nay khoảng 1,4 triệu giáo viên, cứ tính bình quân mỗi giáo viên chỉ có 1 chứng chỉ thì lực lượng giáo viên phải bỏ ra khoảng 3,5 đến 5 ngàn tỉ đồng cho việc học để có chứng chỉ các hạng, một số tiền khổng lồ.

Theo giải thích của Cục Nhà giáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc có chứng chỉ là do Luật Viên chức quy định, giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở hạng đó, tuy nhiên việc đào tạo, cấp chứng chỉ hiện nay không hiệu quả, tốn quá nhiều tiền của giáo viên.

Nếu việc yêu cầu chứng chỉ các hạng là bắt buộc, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc đào tạo trực tuyến và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp miễn phí, hiện nay theo cơ sở dữ liệu thì mỗi giáo viên đã có tài khoản riêng, việc cấp tài khoản và tập huấn để cấp chứng chỉ miễn phí là điều vô cùng dễ dàng, hoặc nếu học tập trung thì cũng chỉ nên học miễn phí.

Nghiên cứu bỏ hoặc thay thế các chứng chỉ theo các hạng và bồi dưỡng các chứng chỉ miễn phí phải là mong mỏi của giáo viên cả nước. Rất mong Bộ xem xét thấu tình, hợp lý.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA