Thí điểm dạy ngoại ngữ 1 Tiếng Hàn, Tiếng Đức từ lớp 3

04/03/2021 09:38
Thùy Linh
GDVN- Bộ Giáo dục ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn, tiếng Đức- Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/2/2021.

Điều đặc biệt, trong quyết định này, môn Tiếng Hàn được xác định là ngoại ngữ 1, là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12, với thời lượng học như sau:

Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Về nội dung, ở cấp tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5), việc dạy học Tiếng Hàn giúp cho học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp cơ bản thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong đó chú trọng nhiều hơn đến 2 kỹ năng nghe và nói.

Ở cấp trung học cơ sở, việc dạy học Tiếng Hàn tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, xã hội Hàn Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hóa, xã hội dân tộc mình.

Ở cấp trung học phổ thông, giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp dựa trên nền tảng chương trình đã được học ở các cấp dưới, trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để học tập suốt đời, phát triển năng lực làm việc trong tương lai.

Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Mục tiêu chung của chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn là kết thúc chương trình phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Nội dung dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn trang bị cho người học kiến thức tiếng Hàn ở trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ B1 của Khung tham chiếu châu Âu về ngoại ngữ và trình độ tiếng Hàn TOPIK II (bậc 3) của kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn (TOPIK).

Môn Tiếng Đức là Ngoại ngữ 1 được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12. Môn Tiếng Đức giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ và các năng lực chung, phát triển những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, mở rộng tầm nhìn quốc tế để học tốt các môn học khác, để sống và làm việc hiệu quả, tạo nền tảng phục vụ nhu cầu học tập suốt đời.

Môn Tiếng Đức cung cấp cho học sinh một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp học sinh trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới nói chung và các nền văn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức nói riêng, qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân.

Thông qua việc học tiếng Đức và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, học sinh có thể hiểu rõ hơn, thêm yêu ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc mình.

Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).

Các kĩ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể theo các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp học sinh đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), cụ thể chương trình có tổng thời lượng là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) được chia thành ba giai đoạn.

Thời lượng dành cho giai đoạn 1 (Tiểu học) là 420 tiết, giai đoạn 2 (Trung học cơ sở) là 420 tiết và dành cho giai đoạn 3 (Trung học phổ thông) là 315 tiết. Học sinh kết thúc Tiểu học (lớp 3, 4, 5) đạt bậc 1 (tương đương A1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ/ CEFR), học sinh kết thúc Trung học cơ sở (lớp 6, 7, 8, 9) đạt bậc 2 (tương đương A2 theo CEFR), học sinh kết thúc Trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12) đạt bậc 3 (tương đương B1 theo CEFR).

Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ở cấp Tiểu học, việc dạy học tiếng Đức giúp học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, chú trọng nhiều hơn đến hai kĩ năng nghe và nói.

Ở cấp Trung học cơ sở, việc dạy học tiếng Đức tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết của học sinh về văn hóa, xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hóa, xã hội của dân tộc mình.

Ở cấp Trung học phổ thông, việc dạy học tiếng Đức giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức dựa trên nền tảng tiếng Đức ở Tiểu học và Trung học cơ sở, trang bị cho học sinh kĩ năng học tập suốt đời để học tập và phát triển năng lực làm việc trong tương lai.

Thùy Linh