Chế độ phụ cấp thâm niên tạo sức ỳ cho các nhà giáo, là lực cản đổi mới

09/03/2021 06:30
Phạm Minh
GDVN- Không phải những giáo viên lâu năm trong nghề đều là giáo viên giỏi, dạy tốt. Việc tính lương cho giáo viên cần dựa vào vị trí, năng lực và hiệu quả công việc.

Các Thông tư số 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập đang là một vấn đề nhận được nhiều quan tâm của giáo viên, đặc biệt là thu nhập với lương mới bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên từ năm 2022 sẽ ảnh hưởng như thế nào.

Chia sẻ vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm:

“Mức độ thâm niên không phản ánh năng lực, trình độ cũng như hiệu quả công việc, đồng thời cũng không tạo động lực phát triển cho giáo viên. Chính vì vậy, việc đưa tiêu chí này vào bảng lương, phụ cấp đã không còn phù hợp”.

Những bất cập trong tính lương, phụ cấp giáo viên hiện nay

Từng có thời gian là giáo viên tại một trường học công lập, cô Quyên cho biết cơ chế tính lương cho giáo viên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

Thứ nhất, việc đánh giá mức độ thâm niên không có ý nghĩa tạo động lực cho giáo viên trong hoạt động dạy học, sáng tạo, không đánh giá đúng năng lực, hiệu quả nhiệm vụ công việc.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, mức độ thâm niên không phản ánh năng lực, trình độ, hiệu quả công việc của giáo viên (Ảnh: cô Quyên cung cấp)

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, mức độ thâm niên không phản ánh năng lực, trình độ, hiệu quả công việc của giáo viên (Ảnh: cô Quyên cung cấp)

“Khi cùng một vị trí việc làm, giáo viên thứ nhất có thâm niên 20 năm trong nghề nhưng chỉ dạy cho xong nhiệm vụ, không quan tâm học sinh, không sáng tạo, không học tập để cải thiện chất lượng giờ dạy. Trong khi đó, người thứ hai là một giáo viên trẻ mới vào nghề nhưng luôn tâm huyết, tích cực học tập, phát triển, đổi mới sáng tạo, được học sinh yêu mến.

Nếu tính phụ cấp thâm niên, tổng thu nhập của giáo viên có thâm niên sẽ cao hơn thu nhập của người giáo viên trẻ. Như vậy là thiếu sự công bằng. Để tạo công bằng thì giáo viên phải nhận được mức lương xứng đáng với những gì họ làm được, tương ứng với hiệu quả công việc của mỗi người”, cô Quyên cho biết.

Phụ cấp thâm niên là yếu tố tạo cho giáo viên cảm giác an toàn. Dù giáo viên dạy học hiệu quả hay không, có tâm huyết với nghề hay không thì chỉ cần có thâm niên theo quy định đều được hưởng mức phụ cấp như nhau.

Đó chính là lý do khiến giáo viên không còn động lực để học tập, phấn đấu, phát triển và nâng cao trình độ của mình. Hệ quả là dễ dẫn đến tâm lý thụ động, ngại đổi mới, ngại học tập, phát triển.

Thứ hai, việc tính lương theo hạng như hiện nay còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất năng lực, trình độ của giáo viên.

Hiện nay, tương ứng với mỗi mức xếp hạng giáo viên lại yêu cầu một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những chứng chỉ này có mang lại hiệu quả gì cho giáo dục?

“Ví dụ, giáo viên phải học hết một cuốn sách về công chức, được cấp chứng chỉ để giữ hạng, thăng hạng, tăng lương nhưng chứng chỉ đó không có mục đích cải thiện chất lượng giảng dạy, không làm tăng hiệu quả giáo dục.

Hơn nữa, chỉ vì một quy định mà giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Mục đích của nhiều giáo viên không phải học tập để phát triển mà học chỉ để có một tờ giấy chứng nhận vô nghĩa.

Thậm chí, tôi đã thấy trên các trang mạng quảng cáo dịch vụ đăng ký hoàn thành chuẩn chức danh nghề nghiệp. Giáo viên không cần học, chỉ cần mua để có chứng chỉ đó”, cô Quyên cho biết.

Như vậy, có thể thấy những chứng chỉ được yêu cầu chỉ mang tính hình thức, không phản ánh trình độ, năng lực, hiệu quả giáo dục. Đối tượng cần hướng đến của giáo dục là học sinh, mục tiêu đánh giá cuối cùng là hiệu quả giảng dạy của giáo viên chứ không phải việc sở hữu chứng chỉ chức danh theo kiểu hình thức.

Chính vì vậy, việc tính lương theo hạng cùng những quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như hiện nay không phải là cách làm đúng.

Áp dụng hệ thống lương 3P trong giáo dục

Theo cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, đã có một thí nghiệm được thực hiện tại trường Đại học Harvard, khi thầy giáo cho điểm tất cả sinh viên bằng nhau, sinh viên sẽ không còn động lực học tập bởi vì họ ngầm hiểu rằng, dù học hay không thì họ vẫn sở hữu số điểm đó.

Đó chính là lý do ở cùng một vị trí việc làm nhưng mức lương không nên là một con số cố định mà cần có công thức tính lương kết hợp nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm năng lực, hiệu quả công việc,...

Tính lương giáo viên cần xem xét đến yếu tố năng lực, trình độ và hiệu quả công việc (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tính lương giáo viên cần xem xét đến yếu tố năng lực, trình độ và hiệu quả công việc (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Việc tính lương cho giáo viên có thể được thực hiện theo hệ thống lương 3P, cụ thể là dựa vào 3 yếu tố cơ bản, bao gồm Pay for Position (Trả lương cho vị trí công việc); Pay for Person (Trả lương cho năng lực của người giữ vị trí công việc); Pay for Performance (Trả lương cho kết quả đạt được của người giữ vị trí công việc). Tổng số tiền lương trong tháng sẽ bao gồm 3 yếu tố trên cộng lại.

Đối với yếu tố đầu tiên là vị trí công việc, tương ứng mỗi ngạch sẽ có những mức lương khác nhau, mỗi ngạch còn có thể phân các bậc khác nhau.

Yếu tố thứ hai là năng lực của người giữ vị trí công việc, có thể xem xét đến các yếu tố bằng cấp, trình độ của mỗi người. Đây chính là cách tạo động lực để giáo viên học tập, phấn đấu, bồi dưỡng năng lực và nâng cao trình độ.

Yếu tố thứ ba về kết quả công việc dựa vào nhiều tiêu chí đánh giá, có thể về tinh thần trách nhiệm trong công việc, mức độ hiệu quả công việc, tỷ lệ học sinh yêu thích,...

Tương ứng với mỗi vị trí công việc sẽ có những tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá khác nhau. Tiêu chuẩn của người ở vị trí lãnh đạo, quản lý sẽ khác với tiêu chuẩn của giáo viên. Bên cạnh đó, cần phải xác định ai là người được quyền đánh giá những tiêu chí, tiêu chuẩn đó.

Giáo dục là một lĩnh vực mang tính đặc thù, chính vì vậy, việc xây dựng những tiêu chí đánh giá phải khoa học, tạo động lực và đảm bảo tính nhân văn nhằm tạo hướng phát triển tích cực.

“Hệ thống lương 3P không chỉ tạo động lực phát triển cho giáo viên mà còn đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Giáo viên sẽ nhận được mức lương xứng đáng với cống hiến, nỗ lực, tâm huyết với công việc, tất cả đều được công khai, mọi người giám sát lẫn nhau.

Có thể trao quyền cho hiệu trưởng trong việc xây dựng bảng lương, xây dựng tiêu chí đánh giá, cấp trên sẽ kiểm tra, thanh tra.

Nếu tính lương theo cơ chế hiện nay, người giỏi chưa chắc đã được trọng dụng, các trường công lập cũng sẽ khó giữ chân được nhân tài”, cô Quyên khẳng định.

Phạm Minh