Hồ sơ thăng hạng giáo viên, hiệu trưởng duyệt mới chỉ là "vòng gửi xe"

30/03/2021 06:20
Sơn Quang Huyến
GDVN- Chúng ta có cần phân hạng giáo viên như đã và đang làm không, khi hạng giáo viên không phản ánh đúng năng lực, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo?

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài “Hầu hết giáo viên đều có thể phấn đấu lên hạng II mới, đâu chỉ ban giám hiệu” và bài “Nếu hiệu trưởng không cho cơ hội, giáo viên thường đừng mơ lên hạng II” người viết đã nhận được nhiều phản hồi của thầy cô về vấn đề lên hạng của giáo viên.

Trao đổi về vấn đề này, người viết đã gặp trực tiếp một số hiệu trưởng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phỏng vấn về chuyện xét duyệt hồ sơ lên hạng cho giáo viên.

Nói chung, tất cả hiệu trưởng được phỏng vấn đều không khó khăn khi ký xác nhận hồ sơ thăng hạng cho giáo viên đi nộp, vì các lý do sau.

Thứ nhất, nếu giáo viên được thăng hạng, lương giáo viên do ngân sách chi trả, không hề ảnh hưởng đến nguồn chi hoạt động của nhà trường, nên nói về kinh tế, không ảnh hưởng đến ai.

Thứ hai, anh em cũng đã rất vất vả mới có đủ hồ sơ chứng chỉ nộp, nếu mình khắt khe, chứng tỏ mình không hiểu thực tế và thiếu chia sẻ, mình có thể là lãnh đạo tốt không? Trong lúc đó, những giáo viên có khả năng lên hạng II, nộp hồ sơ lên hạng, đều đang là trụ cột của nhà trường, giáo viên có năng lực.

Thứ ba, mình chỉ là “vòng gửi xe”, còn có các trạm “barie” phía trước, nên mình cứ cho qua cũng là động viên anh em làm tốt nhiệm vụ sau này, đó là sự ghi nhận của nhà trường.

Thực sự, chúng ta có cần phân hạng giáo viên như đã và đang làm không? (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thực sự, chúng ta có cần phân hạng giáo viên như đã và đang làm không? (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thứ tư, nhiệm vụ của những người đề nghị thăng hạng không phải cứ bắt buộc làm hết nhiệm vụ trong tiêu chuẩn quy định, chỉ cần đã từng làm 1 nhiệm vụ của giáo viên hạng II rồi là được, hoặc chỉ cần xác nhận là có đủ năng lực làm nhiệm vụ của giáo viên hạng II là đạt.

Thứ năm, đề án vị trí việc làm hiện nay chưa quy định cụ thể số lượng hạng giáo viên trong trường, nên cũng tạo cơ chế thoáng khi xét duyệt hồ sơ của cơ sở.

Thứ sáu, lệ phí dự xét thăng hạng là 500.000 đồng, nên giáo viên cũng đã rất cân nhắc khi làm hồ sơ.

Người viết cũng tham khảo một số giáo viên khác, không giữ chức vụ gì, chỉ là giáo viên bình thường, nhưng vẫn được thăng hạng lên hạng II.

Như vậy, khi giáo viên có đủ bằng cấp, chứng chỉ, việc thăng hạng của giáo viên phụ thuộc vào yếu tố khách quan nhất, đó là địa phương có xét thăng hạng hay không, không phụ thuộc vào hiệu trưởng có muốn hay không.

Đã có lên thì nên có xuống

Việc lên hạng, đồng nghĩa với việc lên lương, vì vậy giáo viên sẽ cố gắng “sưu tầm” đủ hồ sơ chứng chỉ là điều bình thường. Thế nhưng không bình thường ở chỗ, chất lượng giờ dạy, đạo đức nghề nghiệp, có tỷ lệ thuận với hạng giáo viên không?

Nếu chất lượng giờ dạy, đạo đức nghề nghiệp, tỷ lệ thuận với hạng giáo viên, thì việc lên hạng giáo viên là việc nên làm và khuyến khích ngành áp dụng triệt để các tiêu chí xét lên hạng.

Thực tế không phải vậy, chất lượng giờ dạy, đạo đức nghề nghiệp hoàn toàn không tỷ lệ thuận với hạng giáo viên.

Vì thế, khi đã lên hạng II, hạng I, giáo viên sẽ an phận, không cần phấn đấu, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, trung bình chủ nghĩa trong công tác.

Nói cách khác, hạng giáo viên đã tạo nên sức ỳ cho nhà giáo. Đây chính là điểm hạn chế lớn nhất của việc phân hạng giáo viên.

Vì vậy, có lên thì nên có xuống, hạng giáo viên, lương giáo viên nên giao về cho cấp trường đánh giá dựa trên tiêu chí 3P như các trường ngoài công lập đang thực hiện.

Cụ thể là dựa vào 3 yếu tố cơ bản, bao gồm Pay for Position (Trả lương cho vị trí công việc); Pay for Person (Trả lương cho năng lực của người giữ vị trí công việc); Pay for Performance (Trả lương cho kết quả đạt được của người giữ vị trí công việc). Tổng số tiền lương trong tháng sẽ bao gồm 3 yếu tố trên cộng lại.

“Hệ thống lương 3P không chỉ tạo động lực phát triển cho giáo viên mà còn đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Giáo viên sẽ nhận được mức lương xứng đáng với cống hiến, nỗ lực, tâm huyết với công việc, tất cả đều được công khai, mọi người giám sát lẫn nhau.

Có thể trao quyền cho hiệu trưởng trong việc xây dựng bảng lương, xây dựng tiêu chí đánh giá, cấp trên sẽ kiểm tra, thanh tra.

Nếu tính lương theo cơ chế hiện nay, người giỏi chưa chắc đã được trọng dụng, các trường công lập cũng sẽ khó giữ chân được nhân tài”.[1]

Hạng giáo viên quan trọng nhất là trong trái tim học sinh đánh giá. Chúng ta có cần phân hạng giáo viên như đã và đang làm không, khi hạng giáo viên không phản ánh đúng năng lực, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/che-do-phu-cap-tham-nien-tao-suc-y-cho-cac-nha-giao-la-luc-can-doi-moi-post216074.gd

Sơn Quang Huyến