Giáo viên nào rồi không già, sao lại nói chúng tôi sống lâu lên lão làng?

11/03/2021 06:20
Sơn Quang Huyến
GDVN- Thâm niên dành cho nhà giáo như lời tri ân của xã hội với thầy cô đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục.

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên từ 01/7/2020. Tuy nhiên, theo Công văn số 8982, Bộ Tài chính đã đề nghị lùi thời gian thực hiện phụ cấp thâm niên đến khi chế độ tiền lương mới được ban hành và có hiệu lực.

Đồng thời, tại Hội nghị Trung ương 13 sáng ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành đã tán thành lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 01/7/2022.

Như vậy, từ nay cho đến 01/7/2022, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên.

Giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo là thể hiện lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo. (Ảnh minh họa: Luattoanquoc.com)

Giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo là thể hiện lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo. (Ảnh minh họa: Luattoanquoc.com)

Lương giáo viên từ 1/7/2022 được thiết kế như thế nào?

Theo Nghị quyết 27, quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Do đó, để thiết kế bảng lương mới cần bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể.

Nghị quyết 27 đề cập về nội dung cải cách lương bằng việc thiết kế cơ cấu tiền lương mới và xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo như sau:

Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

- Xây dựng 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm):

+ Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị;

+ Giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất;

+ Giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới…

- Xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

+ Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;

+ Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;

+ Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.[1]

Như vậy, trong lương mới sau ngày 01/7/2022, lương giáo viên không còn phụ cấp thâm niên, nhưng có tiền thưởng. Tiền thưởng sẽ là động lực để giáo viên phấn đấu, cống hiến, tránh sự trả lương cào bằng như hiện nay.

Cắt thâm niên thì có tiền thưởng, thầy cô vẫn lo giảm thu nhập

Thầy giáo H. ở Vũng Tàu chia sẻ “Quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm.

Như vậy nếu một giáo viên công tác tốt, đủ điều kiện được lĩnh thưởng, thì tiền lương (Thu nhập - người viết ghi chú) sẽ chỉ bằng 80% lương hiện nay.

Nếu vậy, những giáo viên có thâm niên từ 15 năm công tác trở lên sẽ giảm thu nhập, vì thâm niên của họ đã hơn 10% tiền thưởng”.

Lo lắng của thầy giáo H. cũng là lo lắng của nhiều giáo viên khác đang hưởng phụ cấp thâm niên từ 10% trở lên mà người viết nhận được.

Vì thế, dù có tiền thưởng, thầy cô vẫn lo giảm thu nhập khi thực hiện lương mới.

Giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo là thể hiện lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo

Thâm niên dành cho nhà giáo như lời tri ân của xã hội với thầy cô đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thâm niên nhà giáo không phải “sống lâu lên lão làng”, “tạo sức ỳ cho sự đổi mới”, tại sao vậy?

Thứ nhất, là giáo viên ai sẽ cũng già, cũng sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên sau 5 năm công tác, nên nói thâm niên là “sống lâu lên lão làng” là khiên cưỡng.

Thứ hai, những giáo viên bắt đầu hưởng phụ cấp thâm niên là bắt đầu vào độ “chín” của nghề. Nội dung giảng dạy, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm đã được tích lũy, họ có thể đang hát cải lương nhưng chuyển ngay sang hát quan họ. Vì vậy, không thể nói “thâm niên tạo sức ỳ” cho sự đổi mới.

Vấn đề đặt ra, sự đổi mới đó có phải thật sự đổi mới, hay sự đổi mới đó chỉ là cách gọi như VNEN nay gọi Trường học mới!

Khi sự đổi mới thật sự khoa học, thật sự vì người học, người dạy, tôi tin chắc rằng “thâm niên” là động lực chứ không phải sức ỳ.

Nhà giáo đang chiến đấu với kẻ thù vô hình của mỗi cá nhân, của xã hội, đó là giặc dốt. Sự hy sinh của họ phải được xã hội ghi nhận, học trò ghi nhận, sự ghi nhận của xã hội không thể nói suông, sự ghi nhận đó chính là cho giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên.

Đạo đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn. Có phụ cấp thâm niên trong cơ cấu tiền lương nhà giáo thể hiện lòng biết ơn của xã hội đối với người Thầy.

Giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo trong cơ cấu tiền lương là thể hiện và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/luong-giao-vien-khi-bo-phu-cap-tham-nien-566-29273-article.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến