Học sinh dùng nắm đấm giải quyết mâu thuẫn, nhức nhối đến bao giờ?

12/03/2021 06:29
Trần Phương
GDVN- Học sinh sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn học đường, những tin tức như vậy đang gây nhức nhối của ngành giáo dục và xã hội.

Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây lại xảy ra nhiều hơn, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản chỉ vì lời nói xấu trên mạng xã hội, mẫu thuẫn nhỏ nhặt từ giờ sinh hoạt trong trường.

Đủ lý do đánh bạn

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 5/3/2020, cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Lang Chánh đã khởi tố, bắt tạm giam N.B.T (Sinh năm 2003, trú tại thị trấn Lang Chánh, Thanh Hóa) học sinh lớp 11A5, Trường Trung học phổ thông Lang Chánh để điều tra về hành vi “giết người”.

Trước đó, ngày 14/1, Thuận đã cầm một cây gậy vụt thẳng vào đầu bạn học cùng tường mình là Phan Thanh L. (Sinh năm 2004; học sinh lớp 11A6, cùng trường).

Kết quả từ cơ quan Y tế cho thấy tại thời điểm giám định pháp y về thương tích, tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với Phan Thanh L. được tính theo phương pháp xác định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (theo Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/9/2019 của Bộ Y tế) là 49%.

Phan Thanh L., nạn nhân của bạo lực học đường mất đến 49% sức khỏe. Ảnh: Gia đình cung cấp

Phan Thanh L., nạn nhân của bạo lực học đường mất đến 49% sức khỏe. Ảnh: Gia đình cung cấp

Trong những ngày đầu tháng 3/2021, liên tiếp xảy ra những vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn.

Ngày 6/3, tại Phúc Thọ (Hà Nội), chỉ vì mâu thuẫn nói xấu nhau trên mạng xã hội, nhóm nữ sinh Trường Trung học cơ sở Sen Phương đã đánh hội đồng bạn mình và quay clip đưa lên mạng xã hội.

Gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ cũng đã vào cuộc xử lý.

Bước đầu, trường ra quyết định cho một em tạm dừng học 1 tuần, 3 học sinh còn lại mỗi em tạm dừng học 3 ngày.

Tại Hải Phòng, công an quận Hồng Bàng vừa triệu tập một số đối tượng liên quan đến vụ đánh hội đồng một nữ sinh vào chiều 4/3.

Sự việc chỉ được ghi nhận sau clip được phát tán trên mạng xã hội. Trong đó một nữ sinh bị một người còn rất trẻ lao vào kéo tóc rồi dùng gối đánh vào đầu, chửi bới bằng ngôn ngữ thô tục. Khi nữ sinh này ngã xuống, có thêm 2 người khác lao tới đá vào mặt.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, nữ sinh bị đánh là học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu (quận Lê Chân), còn nhóm học sinh bị đánh là học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng). Nguyên nhân của vụ việc là những mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Sau sự việc, các cơ quan chức năng cũng đã làm việc với gia đình, phụ huynh học sinh và nhà trường để tiến hành xử lý kỷ luật.

Học sinh có hành vi đánh bạn đã nhận lỗi, cam kết không tái phạm.

Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng cũng đã yêu cầu Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm theo quy định.

Tại Đắk Lắk, chiều 3/3 xuất hiện clip ghi lại cảnh một học sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng, được cho là xảy ra tại khu nhà vệ sinh của trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự đăng tải trên facebook.

Nguyên nhân chỉ mâu thuẫn nhỏ liên quan đến vé xe đạp.

Vấn đề nan giải?

Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới và dường như đã trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội hiện nay. Đáng nói, những vụ việc ấy đều xuất phát từ những mâu thuẫn cực kỳ nhỏ, nhưng ngay cả nữ sinh cũng sử dụng nắm đấm để giải quyết.

Nhiều cuộc hội thảo, cuộc họp được tổ chức, bao nhiêu nguyên nhân được mổ xe, bao nhiêu giải pháp được bàn đến nhưng rồi kết quả tình trạng học sinh đánh nhau không thuyên giảm.

Thiếu kỹ năng sống khiến trẻ dễ giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm? Ảnh: cắt ra từ clip

Thiếu kỹ năng sống khiến trẻ dễ giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm? Ảnh: cắt ra từ clip

Ông Nguyễn Đình Bảy, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lang Chánh cho biết, nhà trường nhiều năm vẫn thực hiện các chuyên đề phòng chống bạo lực học đường, nhưng sự việc như sự việc của N.B.T vẫn xảy ra.

Ngày 23/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng đã có công văn yêu cầu trường Trung học phổ thông Lang Chánh tiếp tục quan tâm, động viên học sinh Phan Thanh L. bị chấn thương nhanh chóng ổn định tâm lý, sức khoẻ; đồng thời yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường ngăn chặn bạo lực học đường, bảo đảm an toàn, an ninh trường học.

Các cấp, các ngành ở Hải Phòng, Hà Nội, sau sự việc cũng đã có công văn tăng cường đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường…

Thế nhưng, đây vẫn là những giải pháp khi sự việc đã xảy ra, để đối phó với vấn nạn bạo lực học đường cần những giải pháp tổng thể.

Các cấp các ngành cần phải xem lại những giải pháp đưa ra đã giải quyết đến tận gốc của vấn đề hay chưa; gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan đã thực sự cùng vào cuộc?

Theo cô giáo Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Minh Trí (Móng Cái, Quảng Ninh) cho rằng:

Hiện nay những vấn đề biến động của xã hội liên tục thay đổi, sự phát triển của Internet, mạng xã hội truyền tải nhiều sự việc bạo lực trong xã hội cũng góp phần tạo ra nguyên nhân dẫn đến hành vi xấu này của trẻ.

Có thể nói việc giải quyết tình trạng bạo lực học đường không phải là việc riêng của nhà trường hay mỗi gia đình, mà cần có sự nhất quán trong phương pháp dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc phát triển nhân cách cho trẻ.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần phải quan tâm, tạo điều kiện hình thành cho trẻ kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá các hành vi, biểu hiện thái độ của những người xung quanh. Trẻ sẽ biết phân định đâu là đúng – sai, tốt – xấu

Nhờ đó trẻ biết lựa chọn học hỏi hành vi tốt, phù hợp với chuẩn mực xã hội, tránh được hành vi xấu không được xã hội chấp nhận.

Trong các vụ bạo lực học đường, trẻ có thể là nạn nhân và cũng có thể là thủ lĩnh, gấu nhí, nhưng cả hai đều gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách.

Việc phòng tránh bạo lực học đường cần phải thực hiện tuần tự ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Mỗi lứa tuổi có những đặc đểm khác nhau do vậy cũng tùy lứa tuổi để phát triển và có cách giáo dục cho trẻ cụ thể.

Còn theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để giáo dục và bảo vệ trẻ em, vai trò trước tiên thuộc về gia đình, tiếp đó là nhà trường và xã hội.

Tuy nhiên, nhận thức chưa đúng đã dẫn đến việc có những hành động chưa đúng với trẻ, coi chuyện đánh mắng trẻ là cách dạy dỗ. Trẻ em có khi trở thành nơi trút những bức xúc giáo viên, cha mẹ và cả bạn bè.

Cũng chính nhận thức này khiến việc giáo dục trẻ về vấn đề bạo lực học đường, các kỹ năng liên quan để tăng khả năng phòng tránh chưa được chú trọng.

Về vấn đề nhà trường, chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng khối lượng giáo dục các kỹ năng cho học sinh là chưa đủ và chưa đi vào thực chất.

Thử hỏi hiện nay trong trường chúng ta dành bao nhiêu thời gian để trẻ học về đạo đức, các kỹ năng sống, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, giáo dục về bơi tự cứu, giáo dục về phòng chống xâm hại tình dục…

Gia đình và nhà trường chưa thực sự quan tâm tìm hiểu và chỉ dạy cho trẻ về quyền trẻ em, cách nhận diện các hành vi xâm phạm thân thể, cách xử lý tình huống khi bị xâm phạm, các kỹ năng liên quan.

Thậm chí, việc thực thi pháp luật về quyền trẻ em cũng chưa được chú trọng một cách đúng mức.

Trần Phương