Cách sống và quan niệm của cha mẹ có thể là nguyên nhân làm cho trẻ thiếu ý thức, thiếu lý tưởng sống và hư hỏng.
Hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, đánh bài ăn tiền, chửi tục… là những hành vi trẻ nhiễm từ sự vô tâm của người lớn.
Chuyện mấy ai để ý!
Chị Mai Trang (30 tuổi, ở Long Biên - Hà Nội) đưa con gái 4 tuổi đến gặp chuyên gia tâm lý vì bé có hành vi kỳ lạ. Khi khách nữ đến nhà chơi, thấy cô nào mặc váy là bé chạy đến tốc váy lên để “tìm…” khiến bố mẹ sượng sùng, còn khách thì ngượng chín người. Rầy, dạy mãi mà bé vẫn chứng nào tật nấy nhưng vợ chồng chị Trang không biết vì sao con lại có hành vi khiếm nhã như vậy và không biết gỡ rối tình trạng dở khóc dở cười này như thế nào.
Qua vài lần tìm hiểu và trao đổi, chuyên gia tâm lý phát hiện nguyên nhân khiến cháu bé có hành vi đó bắt nguồn từ việc vô tâm khi “quan hệ” của cha mẹ. Khi con còn nhỏ, vợ chồng chị Trang thoải mái tốc váy và “sinh hoạt” khi có con nằm kề, rồi quen với suy nghĩ con còn nhỏ nên cứ tự nhiên cho đến nay. Những hình ảnh ấn tượng của “chuyện ấy” được lưu giữ trong đầu từ khi cháu chẳng biết gì, cứ lặp đi lặp lại và vô thức cháu đã làm theo.
Trong cuộc sống, còn có nhiều rối loạn hành vi bắt nguồn từ những sinh hoạt rất đời thường của cha mẹ, của người lớn và tạo ra sự bắt chước thụ động ở con trẻ. Hằng ngày, không ít trẻ vẫn thấy bố đỏ mặt vì hơi men, mẹ cằn nhằn đay nghiến vì hờn ghen, gia đình cự cãi, đánh, mắng nhau vì lô đề… Như Hoàng Dũng (ở quận Cầu Giấy – Hà Nội), từ bé, Dũng đã thường thấy cha mẹ đánh bài ăn thua cùng bạn bè rồi rủ nhau đi chung độ ăn sáng hoặc hát karaoke… Có khi cha mẹ hoặc mấy bác cùng chơi còn đưa bọn trẻ tiền để… “đi chỗ khác chơi, cho các bác tự nhiên”. Dũng quen với hình ảnh bài bạc và sau này chỉ mới ở tuổi teen mà đã trở thành một tay đỏ đen có tiếng trong khu phố.
Điều đáng ngại là khi tham vấn và được chỉ ra nguyên nhân do sinh hoạt “vô tư” của người lớn, những ông bố bà mẹ này bảo rằng cứ nghĩ đó là chuyện bình thường “mấy ai để ý”! Đó chính là khởi nguồn khiến trẻ hồn nhiên bắt chước với suy nghĩ rằng cha mẹ làm được thì mình cũng có thể làm được.
Ảnh hưởng nhân cách của trẻ
Đôi khi quá bận rộn hoặc quá vô tâm mà cha mẹ không để ý, không nhận thấy con trẻ đã bước vào tuổi chớm lớn và cứ nghĩ “chúng còn bé lắm, nào biết gì”. Như trường hợp cháu Văn Long (ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), đã 13-14 tuổi rồi mà Long vẫn được mẹ tắm cho và thường sờ… và hỏi “nó đã lớn chưa con”. Long vừa ngượng nghịu vừa trả lời chữa thẹn: “Còn bé lắm mẹ ạ!” nhưng thật ra hằng ngày, cháu vẫn tò mò tìm sách báo, phim ảnh “đen” xem để biết sự thực “nó đã lớn ra sao” mà mẹ Long không hề biết!
Cả ngày, cháu ngồi lì trước máy tính để xem nhằm tự giải tỏa, mỗi khi có người đến gần, lại giả vờ chơi game. Những hình ảnh kích động đó cứ ám ảnh tâm trí Long, làm cháu mất định hướng nhưng không biết phải nói thế nào để mẹ biết là cháu đã lớn và đã có những cảm xúc giới tính.
Các trường hợp trên cho thấy sự vô tâm của cha mẹ có thể đánh thức bản năng ở trẻ nhỏ. Những thú vui hấp dẫn người lớn hằng ngày đập vào mắt của trẻ và với trí tưởng tượng bay bổng khiến trẻ muốn được khám phá. Nếu cha mẹ cứ đi làm cả ngày và vô tâm để cho trẻ tự quản lý bản thân là tạo cho trẻ nhiều cơ hội tự khám phá và dễ dàng tiếp nhận cái xấu… Ngoài ra, những việc mà cha mẹ thấy hiển nhiên cần làm và không chút nghĩ ngợi như thoải mái đổ nước bẩn ra đường, cầu viện thầy cô khi con biếng học và có kết quả xấu, dễ dàng tung tiền ra để đạt một điều gì đó mà không phải qua rèn luyện, phấn đấu... cũng tác động không tốt đến nhân cách và hành xử của trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự vô tâm của người lớn khi thực hiện những hành vi tưởng như rất đời thường chứa đựng nhiều nguy cơ đối với con trẻ, sẽ tạo ra sang chấn tâm lý ám ảnh, thôi thúc trẻ tò mò tìm hiểu và bắt chước. Nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Người lớn hãy bớt “vô tư” để không gây rối loạn phát triển tâm hồn trong trắng của trẻ em.
Theo Hoàng Minh ( NLĐ)