Mới đây, một youtuber có tên Thơ Nguyễn đã đăng 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong. Đáng chú ý, ở clip đăng ngày 27/2/2021, Thơ Nguyễn cho biết do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ” nên quay video dùng búp bê để “xin vía học giỏi”.
Các clip này đã vấp phải nhiều phản ứng gay gắt của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác minh làm rõ và có phương án xử lý với người này.
Bà Ninh Thị Hồng – Phó chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng – Phó chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Bà Hồng chia sẻ: “Tôi được biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để tìm địa chỉ và số điện thoại liên hệ, mời chủ kênh Thơ Nguyễn lên làm việc. Clip của người này truyền tải có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan như tuyên truyền bùa ngải, búp bê Kumanthong, tôi cho rằng đây là động thái tích cực và kịp thời và rất đáng hoan nghênh.
Theo tôi, trong việc này sự vào cuộc của cơ quan chức năng đúng lúc sẽ góp phần định hướng rất tốt cho dư luận và giúp họ yên tâm vào sự quản lý chặt chẽ của nhà nước về nội dung của các kênh youtube xuất phát từ trong nước trên mạng xã hội.
Tìm hiểu qua về chủ kênh Thơ Nguyễn thì thấy rằng, nội dung chủ yếu của các video người này sản xuất đều hướng tới đối tượng là trẻ em, có lượt đăng ký theo dõi cũng rất lớn, lên đến cả triệu người. Vậy mà người này làm clip với búp bê, rồi dụ dỗ trẻ rằng có thể gọi vía học giỏi được thì mức độ ảnh hưởng của nó thật không thể lường hết được.
Muốn học giỏi thì phải chăm chỉ học, rồi phải biết nghe lời thầy bố mẹ, thầy cô chứ cầu khẩn mê tín thì làm sao mà giỏi được, tại sao truyền bá cho trẻ những suy nghĩ lệch lạc như vậy.
Các cơ quan chức năng lần này cần xử lý thật nghiêm để làm gương cho những người khác, nếu như còn manh nha tư tưởng muốn nổi tiếng bằng những việc làm tương tự. Thậm chí là nên đóng kênh này lại, không cho tiếp tục nữa. Nếu những chủ kênh nào bị nhắc nhở mà vẫn nhiều lần tiếp diễn thì theo tôi các cơ quan chức năng nên có những chế tài về hình sự để răn đe.
Bên cạnh đó, khi xem qua những dòng bình luận của người xem về clip này chính tôi cũng đã thấy được rất nhiều người tỏ ra bức xúc, phẫn nộ và muốn ngay lập tức đóng kênh này lại. Nhiều người còn muốn các cơ quan chức năng xoá hết các clip trên vì sợ con họ sẽ xem được.
Từ đó có thể thấy, làn sóng tẩy chay kênh này diễn ra là điều dễ hiểu. Trước đây cũng đã nhiều youtuber lâm vào hoàn cảnh như vậy rồi. Nếu họ học cách làm ăn đàng hoàng, chân chính thì sẽ rất nhiều người ủng hộ, đồng nghĩa họ sẽ có thu nhập bền vững từ các kênh này.
Ngược lại, nếu chỉ một vài lần làm clip phản cảm, kích động lập tức họ sẽ quay về con số 0”.
Youtuber Thơ Nguyễn quay video dùng búp bê để “xin vía học giỏi”. Ảnh cắt từ clip. |
Bên cạnh đó, khi đánh giá về tác động tiêu cực của những clip mang tính chất độc hại đang phát tán tràn lan trên mạng xã hội, bà Ninh Thị Hồng cho rằng: “Đầu tiên, chúng ta cần đề cập đến chuyện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội thì Luật trẻ em năm 2016 cũng đã đề cập đến. Sau đó, Luật an ninh mạng và các văn bản khác cũng đã đề cao việc bảo vệ quyền lợi trẻ em.
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một thực tế là hiện nay các clip độc hại, clip xấu nó vẫn còn tồn tại trên các kênh mạng xã hội rất nhiều. Nguy hiểm hơn, nó không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà các đối tượng chưa thành niên cũng không nằm ngoài tác động này.
Chính vì thế mà gần đây cũng đã xảy ra rất nhiều các vụ việc gây bức xúc trong dư luận, một phần bắt nguồn từ việc trẻ bắt chước được những những cách làm sai trái trong các clip đó.
Nếu xét về nguyên nhân sâu xa để dẫn đến tình trạng đó cũng bởi là do người lớn quản lý việc sử dụng mạng xã hội của trẻ còn chủ quan, lỏng lẻo. Không chỉ thanh niên, mà trẻ em ở một lứa tuổi nhất định, khi chúng có khả năng nhận thức được vấn đề chúng sẽ có tính tò mò về các clip đó. Kinh nghiệm cho thấy, cái gì người lớn càng cố cất giấu thì trẻ càng cố gắng tìm hiểu, xem cho bằng được.
Trên thực tế chúng ta cũng đã thấy rất nhiều hành động đáng lên án của trẻ vị thành niên như tụ tập đánh nhau, cưỡng bức phụ nữ hay thậm chí là đâm chém, giết người một phần cũng là ảnh hưởng từ các clip có nội dung bạo lực, phản cảm trên mạng xã hội”.
Về việc phụ huynh cần làm trước nguy cơ trẻ bị tiêm nhiễm bởi những nội dung mang tính mê tín, dị đoan đang được ngày nhiều các youtuber sử dụng thường xuyên, bà Hồng cho rằng: “Việc này nghĩ thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế giải quyết nó rất khó.
Bởi, phụ huynh muốn cấm cũng không được, mình không cho trẻ xem ở chỗ này thì chúng cũng có thể tìm cách xem ở chỗ khác. Như tôi đã nói, cái gì càng cấm chúng càng hiếu kỳ, muốn xem cho bằng được.
Một phương pháp tôi cho là căn cơ phải nói đến đó là các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Thường xuyên tâm sự với chúng nhiều hơn, trở thành người bạn thân thiết với con, để cho chúng có thể chia sẻ mọi điều khúc mắc, bí bách cùng mình để khi một sự việc nào xảy đến mình còn có cách để tháo gỡ.
Mạng xã hội thì luôn tràn lan những yếu tố tiêu cực, mình không hiểu được tâm lý của trẻ và định hướng đúng lối sống cho trẻ thì cực kỳ nguy hiểm. Việc này là tốt cho con cái của họ, mà cũng chỉ họ mới làm được còn người ngoài không thể làm thay cho họ việc này được.
Nếu những hình ảnh về bói toán, xin vía học giỏi như trong clip của youtuber này được trẻ tiếp cận, chúng sẽ dễ đi theo lối u mê, và có tư tưởng ỉ lại trong học tập. Vì chúng nghĩ rằng, không cần cố gắng trong học tập mà bố mẹ chỉ cần cầu khấn đâu đó là chúng có thể học giỏi thì việc học hành của chúng bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.
Vì thế, việc theo dõi các nội dung trẻ xem trên mạng xã hội và định hướng những việc làm đúng đắn cho trẻ là việc làm rất cần thiết của các phụ huynh vào thời điểm này”.