Sinh viên học tiếng Hàn có thể chọn việc, "kén sếp" khi đi xin việc

16/03/2021 06:39
Đình Hùng
GDVN- Cơ hội việc làm với các bạn sinh viên chọn học và học tốt ngành tiếng Hàn là vô cùng rộng mở.

Theo số liệu thống kê thì trong giai đoạn 10 năm từ 1993 - 2003 cả nước chỉ có chưa đầy 10 trường mở ngành đào tạo về tiếng Hàn và Hàn Quốc học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu về nguồn nhân lực tiếng Hàn chất lượng cao tăng đột biến.

Cụ thể là trong vòng 5 năm trở lại đây, có đến hơn 20 trường đại học trên cả nước đã mở mới ngành học, Bộ môn hoặc Khoa tiếng Hàn, Hàn Quốc học với qui mô tuyển sinh luôn ở mức cao.

Nói về nguyên nhân khiến nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và học tập các ngành liên quan đến Hàn Quốc ở Việt Nam ngày càng tăng, Tiến sĩ Trần Thị Hường – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Tổng thư kí Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam cho biết:

“Do mối quan hệ hợp tác hữu nghị và mối giao thương giữa hai nước có những bước phát triển “chưa từng thấy” từ sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hàn Quốc trở thành nước “đối tác hợp tác chiến lược” của Việt Nam và năm 2020, Hàn Quốc có tổng hơn 5000 dự án đã và đang đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là sự xuất hiện của các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam như Samsung, LG, SK, Posco, Huyndai, Lotte Group đã khiến nhu cầu về nguồn nhân lực nói tiếng Hàn chất lượng cao tăng đột biến.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng của Hallyu - làn sóng Hàn Quốc giai đoạn mới, sự tác động khá tích cực của văn hóa Hàn Quốc tới giới trẻ Việt Nam cũng tạo ra phong trào học tiếng Hàn như một sở thích tại các trung tâm dạy tiếng do chính phủ Hàn Quốc tài trợ hoặc các trung tâm ngoại ngữ tư nhân.

Tổng số học viên đang học ở các trung tâm này cũng lên tới hàng vạn em, và trong số đó cũng không ít em đã tìm được việc làm tốt hơn hoặc có cơ hội đi học nâng cao trong và ngoài nước nhờ vào việc học tiếng Hàn”.

Tiến sĩ Trần Thị Hường – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Tổng thư kí Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Trần Thị Hường – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Tổng thư kí Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là một trong những đơn vị đầu tiên dạy tiếng Hàn tại Việt Nam ngay sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn được sinh viên “rỉ tai” nhau là ngành hấp dẫn, chất lượng cao:

“Từ năm 1994, tiếng Hàn được dạy như một ngoại ngữ 2 và chính thức được dạy hệ chính quy 4 năm, từ năm 1997 tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thời kì đầu hình thành, trong khoảng 10 năm, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ tuyển sinh 1 lớp trên 1 khóa do nhu cầu về nguồn nhân lực tiếng Hàn khi đó chưa cao.

Tính đến trước năm 2012, chúng tôi vẫn chỉ là Bộ môn trực thuộc các khoa khác nhưng từ năm 2012, nhận thức được triển vọng phát triển của ngành đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam, nhà trường đã tách Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc thành Khoa đào tạo chính thức.

Với sự định hướng đúng đắn và tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường, Khoa chúng tôi đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được một số thành tích nổi bật.

Giảng viên của Khoa là những nhân sự nòng cốt trong việc xây dựng mở mới các chương trình đào tạo tiếng Hàn đầu tiên trên cả nước, đồng thời cũng là nhân sự chủ lực trong việc xây dựng Chương trình tiếng Hàn ngoại ngữ 2 (năm 2018) và Chương trình tiếng Hàn ngoại ngữ 1 – hệ 10 năm (năm 2021) của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Sở hữu đội ngũ giảng viên đông đảo nhất cả về số lượng (tổng 35 giảng viên người Việt, trong đó 08 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh), trong 2-3 năm gần đây chúng tôi tuyển sinh 1 năm khoảng 10 lớp tiếng Hàn với khoảng hơn 200 sinh viên, nếu tính cả sinh viên học ngoại ngữ 2, bằng thứ 2 và các hệ khác mà Khoa đang phụ trách đào tạo thì có thể nói đã lên số lượng hơn 1.000 em.

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội ngoài yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Hàn ở mức rất cao (phải đạt năng lực tiếng Hàn bậc C1, tương đương với TOPIK cấp 5) thì đồng thời các em cũng cần đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh là C1.

Chưa tính đến tỉ lệ các sinh viên theo học một chuyên ngành 2 (bằng kép) tại khoa khác hoặc trường khác thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cùng với mức điểm đầu vào luôn ở top đầu cả nước, tiêu chí chuẩn đầu ra này là một lợi thế của sinh viên Khoa chúng tôi khi bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh”, Tiến sĩ Trần Thị Hường nhấn mạnh.

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội có thể “chọn việc” “kén Sếp” khi đi xin việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội có thể “chọn việc” “kén Sếp” khi đi xin việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hường, vị trí việc làm mà sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp rất đa dạng: giảng viên, chuyên viên hay biên - phiên dịch viên của các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức về văn hóa, giáo dục, ngoại giao, thương mại; thư kí văn phòng, trợ lí đối ngoại tại các cơ quan Nhà nước, văn phòng các công ty Hàn Quốc, công ty liên doanh hoặc công ty Việt Nam, phụ trách các mảng công việc có liên quan đến Hàn Quốc hay tiếng Hàn; biên tập viên tại các nhà xuất bản có ấn phẩm tiếng Hàn.

“Có thể nói, dù đã tăng quy mô lên gấp hơn 10 lần so với thời kì đầu mới thành lập, nhưng sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn được các doanh nghiệp Hàn Quốc “chào đón” ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đặc biệt trong 2 - 3 năm gần đây, tập đoàn Samsung đã dành cho sinh viên các ngành tiếng Hàn của cả nước các suất học bổng tiền mặt hấp dẫn từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, chỉ với điều kiện là ra trường các em về đầu quân cho Samsung.

Theo lãnh đạo phụ trách nhân sự của công ty Điện tử Samsung Electronic, tỉ lệ sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc – Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội được nhận học bổng đang cao nhất so với các trường khác. Trung bình mỗi năm có khoảng 30 - 40 sinh viên được nhận học bổng “bao tiêu đầu ra” này của một tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc.

Ngoài các suất học bổng tiền mặt có giá trị cao từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam, sinh viên ngành Hàn của các trường đại học ở Việt Nam nói chung và của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng hàng năm đều nhận được các suất học bổng trải nghiệm văn hóa ngắn hạn hoặc trao đổi học bổng toàn phần của các trường đại học nổi tiếng, cơ quan chính phủ của Hàn Quốc.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân “kích cầu” trong việc bùng nổ nhu cầu về việc học tiếng Hàn với mục đích nghề nghiệp tại Việt Nam.

Nếu như các ngành học khác, sinh viên khi ra trường chưa thể xin việc hoặc vất vả mới xin được việc làm, thì sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và sinh viên hệ chính quy ngành Hàn của một số trường Đại học có tiếng với lịch sử phát triển lâu năm của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đang có thể “chọn việc” “kén sếp” khi đi xin việc.

Nếu như sinh viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định về đào tạo của đơn vị, sẵn sàng có tỉ lệ hơn 90% xin được việc làm ngay khi tốt nghiệp. Số ít còn lại là do các em không chọn hướng đi làm ngay, đi làm freelancer (làm việc tự do) hay đi du học Hàn Quốc. Do đó có thể nói cơ hội việc làm với các bạn sinh viên chọn học và học tốt ngành tiếng Hàn là vô cùng rộng mở.

Tôi cho rằng bằng việc đưa tiếng Hàn như một môn học thí điểm ở bậc phổ thông, việc đào tạo tiếng Hàn ở Việt Nam sẽ đi vào quỹ đạo, có hệ thống.

Đây là một bước tiến mang tính lịch sử của ngành tiếng Hàn tại Việt Nam, nó sẽ mở ra một tương lai đầy tươi sáng cho cả người dạy và học tiếng Hàn tại Việt Nam”, Tiến sĩ Trần Thị Hường nhấn mạnh.

Đình Hùng