Chuẩn chức danh giáo viên còn mơ hồ, xếp hạng sẽ lúng túng

20/03/2021 07:18
Phạm Minh
GDVN- Thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay không rõ ràng, thiếu tính chính xác với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo viên ở từng vị trí việc làm.

Thời gian qua, để "nâng hạng", "trụ hạng", "giữ hạng", nhiều giáo viên đã phải trải qua các lớp học bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III.

Tuy nhiên, việc phân hạng kèm theo những tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giáo viên theo từng hạng trong các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gây ra nhiều tranh cãi về tính hợp lý của nó.

Chia sẻ vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định:

“Việc phân hạng giáo viên sẽ lúng túng và khó khăn khi chúng ta thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không rõ ràng, thiếu tính chính xác. Chương trình bồi dưỡng được thiết kế và thực hiện thiếu chuyên nghiệp, không gắn kết chặt chẽ với tiêu chuẩn và việc làm thực của giáo viên tại mỗi vị trí việc làm”.

Phân hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chưa rõ ràng

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và theo sau đó là chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ có nhiều điểm chưa phù hợp. Chính điều này sẽ gây ra sự lúng túng và khó khăn trong việc phân hạng giáo viên.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay không rõ ràng, thiếu tính chính xác. Ảnh: XT.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay không rõ ràng, thiếu tính chính xác. Ảnh: XT.

Cụ thể Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu ra 4 vấn đề bất cập trong thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ.

Thứ nhất, từ ngữ được sử dụng trong quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thiếu khoa học, chỉ mang tính chung chung, nội dung thiếu mạch lạc, chưa chuẩn chỉnh với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của viên chức hay công chức ở mỗi vị trí việc làm.

Điều 4. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31” trong Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định về Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ có nêu yêu cầu:

“Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học cơ sở và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao”; “Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, công nghệ dạy học và giáo dục đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông…

Tương tự các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT; 02/2021/TT-BGDĐT; 04/2021/TT-BGDĐT cũng sử dụng các từ ngữ mang tính chung chung như “nắm vững chủ trương”, “nắm vững kiến thức”, “có khả năng”. Quy định như vậy thì việc đánh giá, phân hạng giáo viên rất khó thực hiện.

Thứ hai, từ việc phân hạng giáo viên không rõ ràng tương ứng với vị trí việc làm dẫn đến một số nội dung chương trình bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp nhầm lẫn, lẫn lộn giữa vị trí quản lý và vị trí giáo viên dạy học.

Ví dụ, tại Quyết định số 2186/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2016 có một số chuyên đề bồi dưỡng như Kỹ năng tạo động lực làm việc cho giáo viên mầm non; Kỹ năng quản lý xung đột; Xây dựng nhà trường thành cộng đồng học tập; Đạo đức của cán bộ quản lý trong giải quyết các vấn đề ở nhà trường mầm non và cộng đồng thuộc kỹ năng của cán bộ quản lý ở cơ sở Giáo dục Mầm non.

Sự nhầm lẫn này có cả ở các chương trình bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp ở cả giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Ví dụ chuyên đề 6 "Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II" nội dung chương trình dành cho cán bộ quản lý nhà trường do không có nội dung về phát triển năng lực nghề nghiệp như mục tiêu của chương trình là: "Vận dụng sáng tạo và đánh giá được việc vận dụng những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh tiểu học của đồng nghiệp"(Điều 1. QĐ số 2516/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 7 năm 2016)

Thứ ba, một số tiêu chuẩn không thực tế và mang tính tiêu chuẩn kép. Ví dụ, tại Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT để đạt được giáo viên mầm non hạng I, giáo viên cần phải được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc là giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên.

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này gồm cả nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập công lập thì không thể là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và không thể là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Đó là chưa kể nếu giáo viên muốn đạt được danh hiệu thi đua thì phải đạt xuất sắc và gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ như một số tiêu chuẩn đề cập trong Thông tư.

Hơn nữa tỷ lệ người đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua bị hạn chế theo quy định hiện hành. Điều đó có nghĩa cơ hội sẽ không đồng đều cho mọi giáo viên có phẩm chất tốt và năng lực chuyên môn giỏi.

Thứ tư, có nhiều nội dung mà giáo viên đã được học trong chương trình đại học, cao đẳng nhưng vẫn có trong chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nội dung bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I có chuyên đề về Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nội dung này giáo viên có thể hoàn toàn tự học để cập nhật thêm.

Dấu hỏi về chuẩn đầu ra của chương trình bồi dưỡng

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, rất khó để khẳng định về chuẩn đầu ra của chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên.

"Việc tổ chức nghiệm thu và đánh giá chương trình bồi dưỡng theo quy định còn hời hợt và thiếu nghiêm túc...như đã chỉ ra bất cập ở trên. Những vấn đề tài chính cho các lớp bồi dưỡng cũng đang là dấu hỏi lớn mà cơ quan quản lý nên có trả lời trước công luận", Tiến sĩ Vinh chia sẻ.

Thậm chí, việc tồn tại những bất cập như một số cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng còn liên kết đào tạo bồi dưỡng với một số cơ sở là doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới chất lượng của công tác bồi dưỡng giáo viên.

Đặc biệt, các vấn đề về kiểm định chất lượng chứng chỉ; thời gian đào tạo bồi dưỡng; tình trạng lớp học, chất lượng giờ học đều là những điều chưa thể khẳng định.

Tiến sĩ Vinh cho biết thêm: “việc phân hạng giáo viên cũng đã được thực hiện ở một số nước. Tuy nhiên, việc phân hạng này được thực hiện theo tiêu chuẩn rõ ràng và theo từng giai đoạn cụ thể.

Ở châu Âu, giáo viên chia ba giai đoạn và tương ứng với ba hạng A, B, C gồm giai đoạn phát triển, giai đoạn chuyên nghiệp và giai đoạn nâng cao được định nghĩa khá rõ ràng.

Hoặc kinh nghiệm của Hoa Kỳ về chương trình đào tạo bồi dưỡng (professional development) cung cấp chứng chỉ cấp độ nâng cao cho giáo viên ở Hoa Kỳ nhằm mục đích là một phương tiện để xác định những giáo viên có kiến thức, kỹ năng đặc trưng cho công việc thực tế dạy học.

Giáo viên hoàn thành chương trình được kỳ vọng sẽ cải thiện năng lực thực hành của chính mình. Thực hiện chương trình này sẽ ảnh hưởng đến việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cải thiện thực hành của giáo viên, cải thiện điều kiện việc làm cho giáo viên có kinh nghiệm và trình độ cao,…

Ngoài ra, những chương trình cung cấp chứng chỉ cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện hệ thống giáo dục, giúp nâng cao chất lượng giáo viên và do đó, cải thiện việc học tập của học sinh. Đó chính là đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn, nhu cầu thực tiễn của giáo dục.”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh khẳng định, việc bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay được thiết kế với nhiều hạn chế, người sử dụng lao động trực tiếp là Hiệu trưởng không được tham gia xây dựng; tiêu chuẩn ban hành thiếu một nguyên tắc là phải đạt được sự đồng thuận cao nhất của các bên liên quan mà tiêu chuẩn chi phối.

Chương trình bồi dưỡng ban hành năm 2016 rất cần phải đánh giá việc thiết kế, thực hiện, các cơ sở thời gian qua được giao nhiệm vụ bồi dưỡng...điều chỉnh để có thể nâng cao chất lượng bồi dưỡng, cập nhật với một số nội dung mới trong các Thông tư 01,02,03, và 04/2021/TT-BGDĐT có tính thực chất và có ý nghĩa với nâng cao chất lượng giáo dục thực chất và góp phần cải cách chế độ tiền lương hiện nay.

Phạm Minh