Công văn…“chỉ đạo” khó hiểu của EVN

14/11/2011 10:55
Thanh Thủy
(GDVN) -Từ một vụ án tham nhũng tại Yên Bái đã lộ ra một Công văn của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạo điều kiện cho đơn vị cấp dưới chỉ định thầu.
Vụ án kinh tế lớn nhất tỉnh Yên Bái…

Sau gần 9 tháng điều tra vụ Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái bước đầu xác định: "Các đối tượng trong vụ án đã thông đồng lập chứng từ khống rút ra số tiền trên 17 tỷ đồng để chiếm đoạt sử dụng cá nhân và chi tiêu trái quy định của Nhà nước.

Công văn số 910/EVN-KTSX ngày 20-3-2009 của EVN
Công văn số 910/EVN-KTSX ngày 20-3-2009 của EVN


Cơ quan điều tra đã tạm giữ được số tiền hơn 4,3 tỷ đồng, hiện vẫn trong quá trình tiếp tục điều tra để làm rõ...". Tới đây, 5 bị can, trong đó có 3 người tại Công ty Sứ Hoàng Liên Sơn gồm: Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc công ty; Nguyễn Thị Kim Hoa, kế toán trưởng; Quyền Thị Ngọc Anh, kế toán thanh toán rồi sẽ phải ra trước vành móng ngựa...

Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn với ngành nghề sản xuất, kinh doanh sứ cách điện phục vụ ngành công nghiệp kỹ thuật điện và xuất khẩu. Năm 2004, công ty được chuyển đổi thành công ty cổ phần, đến năm 2007, công ty được UBND tỉnh Yên Bái chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước về Tập đoàn Kinh tế Vinashin. Tại thời điểm tháng 7-2010, vốn điều lệ của công ty là 29 tỷ 740 triệu đồng; trong đó vốn Nhà nước là 4 tỷ 739,6 triệu đồng, vốn của cổ đông là 25 tỷ 400 nghìn đồng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 200 lao động. Kể từ năm 2007 khi chuyển Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn về Tập đoàn Kinh tế Vinashin, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường khá ổn định, nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chủ quản là Tập đoàn Kinh tế Vinashin nên ông Nguyễn Khắc Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Hoa bằng nhiều thủ đoạn đã biến hóa tiền của Công ty thành tiền của cá nhân, hợp thức hóa việc tăng vốn, mua cổ phiểu…

Do vậy, vốn Nhà nước từ 56% xuống còn 14%. Nhiều câu hỏi đặt ra về sự giàu có bất thường đó khiến nhiều cổ đông không thể không nghi ngờ.

Qua nghiên cứu nội dung đơn tố cáo, kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngày 24-2-2011, Cơ quan CSĐT Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và đã xác định được thủ đoạn phạm tội của các bị can: Yêu cầu các nhân viên văn phòng công ty, các đơn vị kinh doanh bên ngoài ký hộ, ký khống các phiếu chi mà không được nhận tiền, để các bị can rút tiền chi tiêu trái quy định.

Tự ký mạo tên người nhận tiền trên phiếu chi khống, để rút tiền sử dụng trái phép. Thông đồng với người cung cấp vật tư, hàng hóa nhằm nâng khống giá mua, số lượng hàng hóa, dịch vụ. Dùng phiếu chi của các văn phòng đại diện đã được Công ty duyệt thanh toán vào chi phí hằng tháng của các văn phòng, để sửa thành phiếu chi của công ty nhằm thanh toán thêm một lần nữa tại văn phòng công ty. Cùng một nghiệp vụ kinh tế phát sinh, các bị can đã lập hai bộ chứng từ để thanh toán hai lần...

Hiện cơ quan Công an đã tiến hành xác minh hơn 500 doanh nghiệp liên quan ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm làm rõ các hành vi phạm tội của các bị can.

…Đến Công văn “chỉ đạo” khó hiểu của EVN

Trong quá trình đi thu thập tài liệu về vụ án tham nhũng tại Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, chúng tôi tình cờ phát hiện Công ty này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “ưu ái” quá mức. Cụ thể, tại Công văn số 910/EVN-KTSX ngày 20-3-2009, ông Đậu Đức Khởi đã ký thay Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh “lệnh” cho các đơn vị thuộc cấp sử dụng sứ kỹ thuật của Công ty Hoàng Liên Sơn.

Công văn này nhấn mạnh: “Để ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí trong nước, Tập đoàn thông báo để các đơn vị và các nhà thầu xây dựng ưu tiên sử dụng các sản phẩm sứ kỹ thuật của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cho các dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp và sửa chữa của đơn vị mình khi các sản phẩm này đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu và giá cả cạnh tranh”.

Như vậy là các đơn vị của “siêu” Tập đoàn EVN như các Công ty Điện lực, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, các Ban quản lý dự án nguồn điện, các Nhà máy điện phải chịu sự “điều chỉnh” của Công văn này.
Vì sao trong nước có nhiều đơn vị cung cấp sứ kỹ thuật cho ngành điện nhưng không được lãnh đạo EVN “trọng dụng”? và vì sao EVN lại “khuyến khích” sử dụng sứ kỹ thuật của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn mà không cần yêu cầu các đơn vị thành viên đấu thầu công khai là câu hỏi cần được cơ quan điều tra làm rõ.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây thực chất là công văn theo dạng “chỉ định thầu” của lãnh đạo cấp trên. Đúng sai, thiệt hại sẽ có cơ quan công an làm rõ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đưa ra ý kiến của một chuyên gia về đấu thầu:  Về cơ bản, quy trình chỉ định thầu có thể nhanh hơn, nhưng lại lãng phí trong đầu tư, bởi lẽ đấu thầu rộng rãi có thể giúp giảm bình quân 5 - 6% giá gói thầu, còn với chỉ định thầu, tỷ lệ này có khi chỉ đạt…1%. Theo Báo cáo của Cục Quản lý đấu thầu mới đây cho thấy, chỉ định thầu chỉ mang lại tỷ lệ tiết kiệm 2,07% (mức tiết kiệm bình quân là 5,87%). Tỷ lệ tiết kiệm này thấp hơn rất nhiều so với đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, hay đấu thầu hạn chế.

Thanh Thủy