Cùng với vaccine nội địa thứ nhất đã bước sang giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng và vaccine nội thứ 3 dự kiến sẽ trình Hội đồng Đạo đức quốc gia vào cuối tháng 3 này, Việt Nam đang từng bước minh chứng “cuộc chạy đua” này hứa hẹn sẽ thành công.
Nữ tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine CIVIVAC tại Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
COVIVAC là vaccine nội địa thứ 2 do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, phát triển. Sau những mũi tiêm đầu tiên ngày 15/3, tất cả tình nguyện viên được tiêm sức khỏe đều ổn định.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 120 người tình nguyện tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 được tiêm từ ngày 15/3 đến 20/4, mỗi đợt sẽ có khoảng 12-18 người tiêm và cách nhau 8 ngày, mũi 2 cách mũi 1 là 28 ngày.
Dự kiến, giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vaccine sẽ kết thúc vào tháng 5 tới.
Nếu kết quả tốt, giai đoạn 2 sẽ bắt đầu ngay sau đó với 300 người tham gia và dự kiến sẽ thực hiện tại huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - nơi đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lựa chọn và tổ chức thử nghiệm lâm sàng nhiều vaccine trước đây.
Giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ được tiến hành ở nhiều nước. Toàn bộ người tham gia thử nghiệm được mua bảo hiểm.
Lãnh đạo Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội động viên và chia sẻ những thông tin về tiêm vaccine cho tình nguyện viên. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
“Hiện tại, Bộ Y tế đang phối hợp với các đại sứ quán Việt Nam tại một số nước để liên hệ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Nếu các giai đoạn thành công, chúng ta sẽ sớm chủ động được nguồn vaccine phòng COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người, vaccine COVIVAC được đánh giá khá tốt. Viện Kiểm định vaccine quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Paster Nha Trang, Trường Đại học Y Huế đều đánh giá vaccine này có kết quả thử tính an toàn và tính sinh miễn dịch rất tốt.
Tại Ấn Độ, vaccine cũng đã được đánh giá an toàn trên toàn động vật thí nghiệm. Thí nghiệm trên động vật (chuột hamster) ở Mỹ cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine rất tốt.
Lấy máu xét nghiệm cho tình nguyện viên trước khi tiêm vaccine Covivac. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
“Vaccine này cũng đã được đánh giá ở những chủng SARS-CoV-2 khác nhau, trong đó có biến chủng tại Anh và Nam Phi, cũng như các chủng đang lưu hành tại Việt Nam và đều cho kết quả bảo vệ rất tốt”, Giáo sư Đặng Đức Anh chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng bày tỏ, đây là vaccine Bộ Y tế rất kỳ vọng và có niềm tin sẽ thành công, vì vaccine này được ra đời từ sự tận tâm, tận lực của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học của IVAC.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), mỗi quy trình nghiên cứu và phát triển một vaccine phải mất thời gian khoảng 7 đến 12 năm.
Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu hiện nay, với sự tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, quy trình nghiên cứu vaccine phòng bệnh COVID-19 ở nước ta được rút ngắn tối đa có thể về quy tắc hành chính, tuy nhiên tính khoa học, chuyên môn và kỹ thuật phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Sáng 15/3, một phụ nữ ngoài 30 tuổi là một trong 6 người đầu tiên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC chia sẻ: “Từ lúc đăng ký tham gia đến khi được tiêm, tôi chưa bao giờ do dự, hay có suy nghĩ rút lại ý định tham gia tiêm thử nghiệm vaccine, vì tôi tin tưởng các nhà khoa học Việt Nam”.
Trực tiếp động viên, hỏi thăm các tình nguyện viên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ sự trân trọng đặc biệt tới những người tình nguyện đã có nghĩa cử cao đẹp, vì sức khoẻ cộng đồng, để chúng ta có đủ người tham gia nghiên cứu.
Tình nguyện viên được tư vấn và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Trước đó, từ 17/12/2020, Bộ Y tế đã cho tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vaccine phòng bệnh COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, là vaccine Nanocovax.
Đến nay, vaccine này đang thử nghiệm ở giai đoạn 2 với 620 người đã được tiêm. Tất cả những người tiêm thử nghiệm đều an toàn.
Mặc dù còn sớm để đánh giá, so sánh các loại vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên, với các sự kiện như vaccine “made in Vietnam” thứ 2 phòng bệnh COVID-19 đã chính thức thử nghiệm lâm sàng trên người sau hơn 7 tháng nghiên cứu và phát triển, vaccine nội địa thứ nhất cũng đã bước sang giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng và vaccine nội thứ 3 dự kiến sẽ trình Hội đồng Đạo đức quốc gia vào cuối tháng 3 này... Việt Nam đang từng bước minh chứng “cuộc chạy đua” này hứa hẹn sẽ thành công.
Đây chính là những dấu mốc quan trọng của ngành y tế nước nhà, đồng thời cũng là dấu ấn trong sự phát triển khoa học của Việt Nam. Chúng ta hy vọng không chỉ có một mà sẽ có nhiều loại vaccine an toàn.
Chúng ta có thể sẵn sàng hội nhập với các nước về sự tiến bộ khoa học và thế chủ động hơn nữa trong nghiên cứu và phát triển vaccine để phục vụ người dân, thậm chí có thể tiến tới xuất khẩu vaccine.