Tri ân nhà giáo đã có phụ cấp nghề, bỏ phụ cấp thâm niên mới xóa được trì trệ

18/03/2021 06:54
HƯƠNG GIANG
GDVN- Chính sách tiền lương mới đã có lộ trình, bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo đã được Quốc hội thông qua thì mọi ý kiến để duy trì chế độ phụ cấp này là rất khó.

Đến thời điểm này, chúng ta đã thấy những văn bản pháp lý như Nghị quyết 27-NQ/TW và Luật Giáo dục năm 2019 đã hướng dẫn không còn chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo nữa và đây được xem là một trong những thay đổi lớn về chính sách cải cách tiền lương trong những năm tới đây.

Việc cắt chế độ phụ cấp thâm niên có thể ảnh hưởng đến hàng triệu nhà giáo đang công tác, giảng dạy ở các cấp học trên cả nước bởi cắt phụ cấp thâm niên cũng đồng nghĩa là tổng thu nhập của phần lớn nhà giáo bị ảnh hưởng, nhất là những thầy cô có số năm công tác cao.

Nhưng, không có gì là tồn tại bất biến với thời gian cả, mọi thứ phải vận động, thay đổi theo xu hướng chung của xã hội. Cắt chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo để trả lương theo vị trí việc làm hoặc trả lương theo khối lượng công việc cũng là một việc làm cần thiết trong chính sách cải cách tiền lương.

Ảnh minh họa: VTV.vn

Ảnh minh họa: VTV.vn

Cải cách tiền lương trong bối cảnh hiện nay là cần thiết

Thời gian qua, trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều các bài viết bàn về chế độ tiền lương của giáo viên sau khi Luật Giáo dục năm 2019 được thông qua và phụ cấp thâm niên nhà giáo đã không còn nữa.

Có một luồng ý kiến của giáo viên muốn Nhà nước duy trì chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo nhưng cũng có những ý kiến đồng tình với việc cắt thâm niên nhà giáo để trả lương theo vị trí việc làm là cần thiết vì nó sẽ rút ngắn được khoảng cách lương giữa những giáo viên mới vào nghề và những giáo viên có thâm niên công tác cao.

Những thầy cô muốn duy trì phụ cấp thâm niên thì thường nêu ra quá trình cống hiến của tuổi trẻ trong thời kỳ khó khăn của đất nước. Lúc ấy, mỗi tháng chỉ vài chục, vài trăm ngàn đồng nhưng họ vẫn đeo bám theo nghề.

Vì thế, việc duy trì phụ cấp thâm niên nhà giáo là cách mà xã hội tri ân đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Những bài viết đồng tình với chính sách cải cách tiền lương mới là bỏ phụ cấp thâm niên, trả lương theo vị trí việc làm thường có những ý kiến phản hồi không đồng tình…

Nhưng, chính sách tiền lương mới đã có lộ trình cụ thể, bỏ phụ cấp thâm niên đã được Quốc hội thông qua thì mọi ý kiến để duy trì chế độ phụ cấp này gần như không thể nào thay đổi được (mà theo người viết thì ít nhất là trong khoảng 5-10 năm tới đây).

Bởi vì chính sách cải cách tiền lương mới áp dụng chung cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chứ không riêng gì đội ngũ nhà giáo.

Nói về "giai đoạn khó khăn", thì kinh tế đất nước trong những tháng năm bao cấp hay những năm đầu đổi mới thì cả xã hội đều khó khăn, lương cán bộ công chức, viên chức đều thấp chứ không riêng gì đội ngũ thầy cô giáo. Vì thế, có người bỏ nghề có người trụ lại là lựa chọn riêng của mỗi người.

Sự “cống hiến” cho công việc, cho ngành nghề của mình theo đuổi thì tuổi trẻ ở bất kỳ thời kỳ nào, ngành nghề nào cũng đều làm như vậy. Hơn nữa, "cống hiến" lại là một khái niệm khó định lượng, nhưng lại rất giàu cảm xúc, dễ che đậy những tồn tại yếu kém của ngành và xã hội.

Chính vì vậy, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hướng dẫn bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và chỉ còn quân đội, công an, cơ yếu được hưởng khoản phụ cấp và trả lương theo vị trí việc làm cũng là điều tất yếu trong thời điểm hiện nay.

Trả thu nhập theo…năm công tác thì vô hình chung đang cào bằng tất cả

Lâu nay, chế độ tiền lương đối với đội ngũ công chức, viên chức trên cả nước đa phần được trả theo bậc, hệ số lương. Nếu người lao động không bị kỷ luật thì 3 năm lên một bậc, càng lớn tuổi thì càng có mức thu nhập cao hơn.

Đối với đội ngũ nhà giáo thì ngoài cách tính lương theo bậc và hệ số còn có thêm phụ cấp thâm niên nhà giáo, mỗi năm được cộng thêm 1% lương và phụ cấp đứng lớp.

Bản thân phụ cấp đứng lớp cũng là một chế độ ưu đãi, tôn vinh đối với đội ngũ nhà giáo mà nhiều ngành nghề khác không có được.

Vẫn biết, nếu Nhà nước có thể tiếp tục chi trả thêm phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được xem là một chính sách nhân văn, đãi ngộ, tuy nhiên, chính sách này không phải không đã và đang có nhiều hạn chế nảy sinh trong bối cảnh mà ngành giáo dục liên tục có những đổi mới.

Có nhiều thầy cô lớn tuổi trở thành “trụ cột”, là những “cây cao bóng cả” trong các nhà trường để giáo viên trẻ học hỏi kinh nghiệm và họ có những ý kiến đóng góp có trọng lượng trong việc phát triển nhà trường.

Song, bên cạnh đó cũng có nhiều thầy cô giáo khi cứng tuổi thì không còn ý chí tiến thủ, họ bằng lòng với thực tại, ít phấn đấu, cứ làm tàng tàng miễn sao không có vi phạm là được bởi vì cứ…đến hẹn là lên lương.

Vì thế, việc trả lương theo năm, theo thâm niên cũng đã tạo ra những so sánh cho chính những thầy cô lớn tuổi với nhau và cả những thầy cô giáo trẻ với những thầy cô lớn tuổi.

Không so sánh sao được khi mà trong đơn vị có những giáo viên rất yếu chuyên môn, kém nhiệt huyết, phân công dạy lớp nào là học sinh ngao ngán, phụ huynh có ý kiến phản đối nhưng tổng thu nhập hàng tháng thì nằm ở tốp đầu của đơn vị.

Trong khi, những thầy cô khác cùng tuổi họ cũng chừng ấy lương nhưng lại có đóng góp tốt hơn cho đơn vị. Hàng năm, đem lại những hiệu quả công việc thiết thực cho đơn vị và luôn được học trò yêu mến.

Thậm chí, nhiều giáo viên trẻ họ có nhiệt huyết, có chuyên môn tốt và đã khẳng định được tay nghề và vị trí trong nhà trường nhưng lương chỉ bằng 1/3 những thầy cô khác vì thua năm công tác.

Chúng ta đều biết, tấm huy chương nào thì cũng có mặt trái, mặt phải và áp dụng chính sách cải cách tiền lương nào trong lúc này cũng đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

Nhưng theo cá nhân người viết, việc bỏ chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo có thể khiến cho một số thầy cô giáo lớn tuổi giảm đi một chút thu nhập nhưng đổi lại, sẽ thiết lập một hệ thống trả lương/thu nhập mới công bằng hơn dựa vào chất lượng và hiệu quả công việc, chứ không phải cào bằng như hiện nay.

Trả thu nhập theo khối lượng, chất lượng và hiệu quả công việc mới thực sự khuyến khích sự cạnh tranh và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung, giải phóng sức lao động, xóa bỏ sự trì trệ và sức ì trong đội ngũ.

Còn để tri ân nhà giáo, đáp ứng được đặc thù nghề, thì chế độ phụ cấp nghề/phụ cấp đứng lớp đã thực hiện vai trò này rồi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG