Đóa hồng của Đại học Y kiên cường vượt qua những vết thương đau

19/03/2021 12:10
Phạm Minh
GDVN- Em không than trách số phận. Em sẽ sống hết mình với cuộc đời của riêng em, dù bước chân có chậm, vết thương còn đau và bàn tay vẫn phải bám víu tìm điểm tựa.

Người ta thường hay nhắc đến hai từ "số phận" như một cách để thỏa hiệp trước những khó khăn, để chạy trốn khỏi thử thách của cuộc đời. Thế nhưng, chẳng bao giờ "số phận" có thể trói buộc được bất kỳ ai nếu họ có niềm tin và mạnh mẽ tiến về phía trước.

Tôi đã nhận ra điều đó khi gặp gỡ, trò chuyện cùng Vũ Thị Hương Giang (sinh năm 1999) - sinh viên năm thứ 4 khoa Y tế dự phòng, Đại học Y Hà Nội.

Giang nhấc từng bước chân khó nhọc, một tay cố để nâng chân trái, tay còn lại bám vào mép tường ngôi nhà - đó là cách để cô gái ấy tự mình di chuyển. Những bước chân khó khăn của cô gái trẻ khiến người đối diện không tránh khỏi cảm giác ái ngại. Dẫu vậy, bằng đôi mắt sáng lấp lánh cùng nụ cười xinh tươi rạng rỡ, Giang nhanh chóng khiến mọi người quên đi cảm giác ấy, quên luôn đôi chân khiếm khuyết của mình.

Từng ao ước được nhảy dây, đi giày và phải gào khóc trong đau đớn

Tuổi thơ mỗi chúng ta đều trôi qua bình yên, được vui chơi đủ trò nghịch ngợm, chúng ta cứ mặc nhiên xem đó là những điều hiển nhiên của cuộc sống. Thế nhưng, những điều tưởng chừng quá đỗi bình thường với ta đôi khi lại là khát khao cháy bỏng của một người khác.

Vũ Thị Hương Giang - sinh viên năm thứ 4 Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Phạm Minh)

Vũ Thị Hương Giang - sinh viên năm thứ 4 Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Phạm Minh)

Hương Giang sinh ra ở một vùng quê tỉnh Ninh Bình, không may mắn khi cả Giang và người anh trai đều có đôi chân không khỏe mạnh. Đến nay, anh trai vì bệnh tình quá nặng đã hoàn toàn không thể đi lại, còn Giang sau nhiều lần điều trị và trải qua một cuộc phẫu thuật, em vẫn đang cố bước đi mỗi ngày, nỗ lực theo đuổi con đường học tập và sống tự lập giữa Thủ đô.

Giang thuê một căn phòng nhỏ vỏn vẹn khoảng gần 5 mét vuông nhưng mọi đồ dùng được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Chỉ vào chiếc xe lăn được xếp lại và đặt trên gác nhỏ đầu giường, Giang nói: "Ngày đi thực tập ở bệnh viện, em thường phải ngồi xe lăn, thời gian này đang học ở trường có bạn chở bằng xe đạp nên không dùng đến nó".

Rồi Giang lại ngậm ngùi nhớ lại những ngày tháng trước kia: "Hơn 20 năm qua, bố mẹ đã phải cật lực làm việc, kiếm tiền để đưa hai anh em đi thăm khám, chữa bệnh khắp các bệnh viện từ Bắc chí Nam. Tuổi thơ của em gắn liền với bệnh viện, với những nỗi đau về thể xác và có cả những tủi hổ, xót xa".

Ngày bố mẹ phát hiện ra bệnh của anh trai là khi anh bắt đầu tập đi. Trong khi những đứa trẻ khác đi bình thường thì anh liên tục ngã. Thật không may, Giang cũng mắc phải căn bệnh tương tự.

Cô học trò nhỏ ngày ấy bắt đầu nhận thức được sự khác biệt của mình khi không thể chạy nhảy, vui chơi như các bạn. Giang chỉ có thể nhìn các bạn nữ chơi nhảy dây bằng ánh mắt thèm khát, rồi lại âm thầm "gói ghém" ước mơ giản dị đó vào trong lòng.

Càng lớn lên, chân em càng teo nhỏ lại, bàn chân trái của Giang càng bị lật ngửa, phải đi bằng cạnh bàn chân. Từng bước đi vô cùng đau đớn!

Giang xúc động nhớ lại những ngày tháng khó khăn: "Có ai mách ở đâu chữa được bệnh là bố mẹ lại cho hai anh em đi khám, từ đông y đến tây y, từ bấm huyệt, châm cứu đến làm các xét nghiệm hóa sinh. Năm anh trai học lớp 10, các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai thiết kế cho anh hai cái nẹp để cố định lại, giúp bàn chân không bị ngửa. Hai nẹp chân hết 12 triệu đồng khi đó là tất cả vốn liếng còn lại của bố mẹ".

Lên lớp 10, Giang nhìn thấy bạn bè được đi giày trong những ngày đông lạnh giá nhưng đó vẫn là ước mơ ngoài tầm với khi bàn chân em không thể đi lại bình thường.

Năm đó, các bệnh viện ở ngoài Bắc không dám thực hiện phẫu thuật. Bố mẹ đưa Giang vào Nam thực hiện một ca mổ sắp xếp lại xương bàn chân với hi vọng em có thể đi lại bình thường.

Hương Giang chăm chỉ học tập, nỗ lực bước đi bằng đôi chân của chính mình (Ảnh: Phạm Minh)

Hương Giang chăm chỉ học tập, nỗ lực bước đi bằng đôi chân của chính mình (Ảnh: Phạm Minh)

Hương Giang tâm sự: "Đến bây giờ, em vẫn ám ảnh mãi lần phẫu thuật đó, thuốc mê dần hết tác dụng, em mới cảm nhận được sự đau đớn, em gào khóc suốt hai tiếng đồng hồ vì chưa bao giờ phải trải qua cảm giác đau đớn kinh khủng đến vậy.

Sau phẫu thuật hơn 7 tháng, em lại tiếp tục phải mổ để lấy những chiếc đinh cố định trong chân ra. Trải qua thời gian dài, những chiếc đinh như đã là một phần của cơ thể, giờ phải rút ra là lại thêm một lần đối diện với sự đau đớn.

Vì lúc đó nhà không đủ tiền, em phải thực hiện phẫu thuật lấy đinh tại một phòng khám. Sau khi thực hiện xong, không còn tiền đi taxi, bố mẹ cũng đành chở em về bằng xe máy. Chân vừa thực hiện phẫu thuật buông thõng sát mặt đường bỏng rát dưới cái nắng gần 40 độ C lại càng thêm đau".

Cũng sau lần phẫu thuật ấy, bàn chân của Giang đã có thể úp xuống nhưng việc đi lại, di chuyển vẫn vô cùng khó khăn vì cơ chân rất yếu. Hơn 20 năm chữa bệnh nhưng nguyên nhân khiến đôi chân của hai anh em trở nên yếu ớt vẫn đang là một dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời.

Bước đi trên đôi chân “đặc biệt” và ước mơ trở thành bác sĩ giỏi

Cả ông ngoại và ông nội của Hương Giang đều tham gia chiến đấu trên chiến trường năm xưa. Nhiều người đặt nghi vấn về tình trạng của anh em Giang là do di chứng của chất độc màu da cam.

"Ngày còn sống, ông đã từng tự trách bản thân rằng vì mình mà các cháu phải chịu đau đớn như vậy. Nhưng em chưa bao giờ nghĩ thế, em vẫn luôn tự hào về ông, không bao giờ trách ông hay than phiền.

Ai cũng có một cuộc đời riêng, em sẽ sống hết mình với nó dù bước chân có chậm hơn người khác, dù vết thương vẫn đau mỗi khi trở trời và đôi bàn tay vẫn phải bám víu tìm điểm tựa", Giang chia sẻ những tâm tư của mình.

Mỗi khi nhắc về những hi sinh, vất vả của bố mẹ, Giang lại không kìm được nước mắt. Có lẽ, con người ta dù mạnh mẽ, bản lĩnh đến đâu thì cũng luôn có những giọt nước mắt đời thường như thế. Với Giang, những kỷ niệm đó cũng giống như những chiếc bong bóng mỏng manh chứa đầy cảm xúc, chỉ cần chạm nhẹ, tất cả sẽ vỡ òa.

Nhưng, Giang không bị đắm chìm trong buồn tủi, em luôn lạc quan với nụ cười rạng ngời, trong sáng.

Vượt lên nghịch cảnh, Hương Giang đang nỗ lực trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vượt lên nghịch cảnh, Hương Giang đang nỗ lực trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vượt qua những nỗi đau bệnh tật, Hương Giang nỗ lực học tập và quyết tâm thi vào ngành Y. Đó cũng là mong ước của bố mẹ em, hi vọng con gái học ngành y sẽ có cơ may tìm ra nguyên nhân và phương pháp chữa bệnh cho mình, cho những ai có cùng cảnh ngộ.

Năm 2017, Giang đỗ vào Đại học Y Hà Nội theo học khoa Y tế dự phòng. Cũng từ đây, cô gái tuổi 18 bước vào một hành trình dài với nhiều thử thách mới. Nhưng đây cũng chính là con đường để Hương Giang tự định nghĩa chính mình, sống tự lập và tự bước đi trên đôi chân đặc biệt ấy.

“Thời gian đầu, nhiều bạn chưa biết nên thường nhìn em với ánh mắt dò xét khó hiểu. Có lúc em nhờ bạn học một chuyện nhỏ nhưng vì nhìn mình vẫn đứng được nên họ tỏ thái độ không bằng lòng. Lúc đó, em rất buồn và tủi thân.

Ngày trước, khi còn ở ký túc xá, khoảng cách từ phòng đến trường không xa. Nếu 1 rưỡi vào lớp bạn bè chỉ đi trước 10 phút, còn em phải đi học từ 12 giờ”, Giang tâm sự.

Những ngày đầu bước vào cuộc sống tự lập thật không dễ dàng với Hương Giang, cũng không ít lần em bắt gặp câu hỏi vì sao lại chọn học ngành y với đôi chân không được khỏe mạnh.

Nhưng Giang luôn tạo cho mình lối sống tích cực, không ngừng nỗ lực học tập. Đặc biệt, cô sinh viên đã hạnh phúc và tự hào khoe với bố mẹ khi lần đầu nhận được học bổng của trường.

Không bao giờ muốn sống một cuộc đời vô nghĩa, Giang vừa học, vừa làm gia sư. Nữ sinh trường Y đã đi dạy thêm từ năm nhất để giúp bố mẹ đỡ phần gánh nặng.

Năm vừa qua, Giang nhận được học bổng của Trung tâm Tiếng Anh Apollo. Hiện tại, Giang vừa đi học, vừa dạy kèm cho 4 học sinh, vừa học thêm ở trung tâm tiếng Anh.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất với em là thời gian thực tập tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Để tiện cho công việc, em phải ngồi xe lăn vì nếu tự đi sẽ di chuyển khó khăn và chậm.

Hình ảnh bác sĩ mặc áo blouse trắng ngồi trên chiếc xe lăn khiến ai cũng ngạc nhiên, đôi lúc có em thấy tủi thân vì những ánh nhìn của mọi người.

Nhưng con đường đã chọn, em luôn tin tưởng và cố gắng. Và cuộc đời cũng đã tiếp thêm động lực khi cho em được gặp một vị bác sĩ làm việc tại khoa Tiêu hóa – một bác sĩ ngồi xe lăn và vẫn miệt mài làm việc, khám bệnh cho bệnh nhân.

Từ đó, niềm tin trong em cũng lớn dần, em không buồn trước những ánh mắt nghi ngại của người khác, em chứng minh bằng hành động, bằng sự nỗ lực học tập, hăng hái làm việc mỗi ngày”, Hương Giang chia sẻ.

Hương Giang cũng khẳng định rằng, bạn bè là những người đã giúp đỡ em trong quãng thời gian học tập xa nhà, cho em động lực cố gắng. Nhóm bạn thân có người chở Giang đến lớp, có bạn cõng Giang lên cầu thang...

Dù vậy, Giang vẫn luôn cố gắng tự bước lên, chỉ khi nào cảm thấy kiệt sức, cô gái mới nhận sự hỗ trợ từ các bạn.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Giang nói rằng mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi và là một diễn giả truyền cảm hứng cho những người gặp khó khăn, kém may mắn trong cuộc đời.

Hương Giang cũng mong sau này sẽ xây dựng được một quỹ của riêng mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Kiên cường, bản lĩnh, lạc quan, Hương Giang là minh chứng sống cho “tinh thần thép” giữa dòng đời ngang trái! Nhìn nụ cười rạng rỡ của Giang, tôi lại nhớ đến những ca từ trong một bài hát: "Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời/ Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời/ Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn/ Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi"!

Phạm Minh