9 cán bộ dùng bằng giả ở Gia Lai, những ai phải chịu trách nhiệm?

19/03/2021 15:50
Cao Kim Anh
GDVN- “Phải xử lý khẩn trương, nghiêm khắc, công bằng, công khai những cán bộ có dấu hiệu vi phạm trong công tác nhân sự”, bà Bùi Thị An nêu quan điểm.

Các địa phương đang gấp rút chuẩn bị công tác bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với yêu cầu quy trình chuẩn bị nhân sự thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, công khai, minh bạch. Việc rà soát, kiểm tra, xác minh bằng cấp, chứng chỉ của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp tại các địa phương cũng là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra.

Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng Nhân dân về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, rà soát nghiêm ngặt cho công tác chuẩn bị nhân sự cho bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân sắp tới, đã phát hiện ra những trường hợp cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất nhưng đang được giữ các vị trí quan trọng tại địa phương.

Một trong những trường hợp mới nhất như Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trong quá trình kiểm tra, rà soát cán bộ chuẩn bị công tác nhân sự bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gần tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai thực hiện rà soát theo đề nghị của Huyện ủy Ia Pa đề nghị thẩm tra thì có đến 9 trường hợp sử dụng bằng giả, không phải do Giám đốc Sở cấp.

Những người này bao gồm: Ông Trần Đức Việt (sinh năm 1980) hiện đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pờ Tó; ông Trần Trọng Chỉnh (sinh năm 1987) hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Pờ Tó; ông Đặng Xuân Long (sinh năm 1986) hiện là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Pờ Tó; ông Trần Xuân Khải (sinh năm 1982) Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Chư Răng…

Một trong những trường hợp đã được xác định không được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai ký cấp bằng tốt nghiệp. ảnh: AN.

Một trong những trường hợp đã được xác định không được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai ký cấp bằng tốt nghiệp. ảnh: AN.

Đại biểu Hội đồng nhân dân được nhân dân và nhà nước trao những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể để đại diện cho nhân dân, nói lên ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, người được tuyển chọn vào đội ngũ nhân sự, cán bộ Hội đồng nhân dân các cấp phải có phẩm chất, đạo đức, trong sạch và tài trí.

Câu hỏi đặt ra nếu không có rà soát, kiểm tra để chuẩn bị công tác bầu cử này thì những cán bộ, trong đó có cả lãnh đạo cấp xã có biểu hiện gian dối thì đến khi nào mới bị phát hiện và xử lý?

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII), cho biết: “Mục tiêu của chúng ta là nâng cao chất lượng dân cử, các cơ quan dân cử đại diện ý chí nguyện vọng của nhân dân ở địa phương cũng như cấp quốc gia. Cho nên lựa chọn những người vào Hội đồng nhân dân phải đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn như Bộ Chính trị, Trung ương quy định.

Để những trường hợp gian dối tồn tại được trong đội ngũ cán bộ là đã làm không đúng quy định, đó là sự thiếu sót quá lớn. Tại sao cấp quản lý lại để xảy ra câu chuyện 9 người sử dụng bằng giả? Chúng ta phải lật lại vấn đề quản lý cán bộ ở địa phương đó như thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm?”.

Theo bà An việc sử dụng bằng cấp giả trong hồ sơ của các cán bộ cấp xã tại Gia Lai gây hậu quả khôn lường, làm hiệu quả công tác, hiệu lực cơ quan kém đi, mất lòng tin của nhân dân và điều rất đáng lo ngại là đây không phải vụ đầu tiên bị phát hiện, vì vậy cần phải có một cuộc tổng rà soát đối với cán bộ lãnh đạo ở các cấp.

“Đề nghị cơ quan làm rõ trách nhiệm vì sao lại để lọt vào những cán bộ sử dụng bằng cấp giả. Cần phải xử lý nghiêm khắc và công khai các cán bộ sai phạm. Đề nghị Tỉnh ủy Gia Lai vào cuộc, xử lý nhanh chóng và không được tái diễn nữa ở bất kỳ địa bàn nào trong tỉnh”, bà An nhận định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. ảnh: Tùng Dương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. ảnh: Tùng Dương.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, đã là cán bộ thì phải trung thực dân mới tin, phải trung thành với nhân dân thì mới có tầm lãnh đạo. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bản thân cán bộ đã không trung thực với chính mình, với tổ chức thì không thể nào trung thực và tròn trách nhiệm với nhân dân, không thể vì nhân dân.

Cũng theo bà An: “Nếu cán bộ nào đó không trung thực trong công tác tuyển dụng thì rõ ràng là họ có động cơ không tốt, họ chỉ vì lợi ích của cá nhân, chứ không phải vì dân. Cơ quan dân cử là đại diện ý chí, nguyện vọng chính đáng của dân mà cán bộ thực thi không trung thực thì không đủ tư cách Đảng viên, không đủ tư cách làm lãnh đạo, cán bộ đại diện cho nhân dân. Cán bộ mà gian dối như vậy thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Một người không trung thực, không đủ tư cách làm cán bộ, gian dối thì sẽ không đưa ra những quyết sách đúng đắn, không thể đưa địa phương phát triển, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân”.

Bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sắp diễn ra, Phó Giáo sư Bùi Thị An bày tỏ mong muốn quá trình chuẩn bị nhân sự, lựa chọn, tuyển cử, ứng cử, tái cử cán bộ được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, minh bạch, công khai để mỗi đại biểu đứng vào đội ngũ Hội đồng nhân dân xứng đáng với niềm tin tưởng, đại diện thực hiện ý chí, mong muốn của nhân dân, đất nước.

Cao Kim Anh