Hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa Toán 6 Chân trời sáng tạo có chính xác?

22/03/2021 06:44
Sơn Quang Huyến
GDVN- Hình ảnh trong sách giáo khoa Toán lớp 6 đã được một số giáo viên đang dạy môn Hóa học đưa lên trên mạng xã hội và nhận được những đánh giá trái chiều.

Trang 47, sách Toán 6 kì II, bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục, trong phần minh họa Bài toán 3. Thành phần các chất trong hóa học có hình ảnh làm cho người đọc phân vân.

Ảnh chụp màn hình trang 46- 47 sách giáo khoa Toán 6 kì II, bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ảnh chụp màn hình trang 46- 47 sách giáo khoa Toán 6 kì II, bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hình ảnh trên cũng đã được một số giáo viên đang dạy môn Hóa học đưa lên trên mạng xã hội, nhận được những đánh giá trái chiều.

Người viết đã hỏi ý kiến thầy giáo S. (đề nghị không nêu tên) giáo viên dạy Hóa học Trung học phổ thông, khi được hỏi nhận xét hình minh họa đã chia sẻ: “Em thấy tấm hình minh họa không thể hiện được gì về môn hóa học mà học sinh cần tích hợp liên môn, họ chỉ lấy bừa cho có thôi.

Cũng thông cảm cho họ, họ không phải dân hóa học, nên không chú trọng bản chất hóa học. mình là dân hóa học nên soi ra cái vô lý của nó.

Thế nhưng, nếu thay được tấm hình khác đẹp hơn, đúng ý nghĩa hơn thì nên thay”.

Em Thắng, học sinh lớp 9 khi nhìn vào hình minh họa trên, đã nhận xét “Nếu nhìn vào liên kết của các nguyên tử được biểu diễn trong hình, em thấy vô lý quá.

Natri, Kẽm, Magie có 3 gạch hóa trị, nên có hóa trị III, Canxi có 5 gạch hóa trị nên có hóa trị V, như vậy là sai với kiến thức chúng em đã học”.

Có thể thấy, hình ảnh minh họa trên đã phản tác dụng, gây phản cảm, khó hiểu cho người đọc.

Trong môn Hóa học, mô hình cấu tạo phân tử của chất luôn luôn đảm bảo hóa trị của nguyên tử nguyên tố.

Ví dụ, nguyên tử Cacbon luôn đảm bảo có 4 gạch hóa trị trong phân tử hợp chất hữu cơ để đảm bảo Cacbon luôn có hóa trị IV; nguyên tử hydro chỉ có 1 gạch minh họa hóa trị I...v.v.

Mô hình phân tử Etylen (Ảnh do tác giả cung cấp)

Mô hình phân tử Etylen (Ảnh do tác giả cung cấp)

Với một số hình ảnh mô hình chất kết tinh minh họa trong môn Hóa học, số gạch xung quanh nguyên tử của nguyên tố không biểu diễn hóa trị của nguyên tố đó, minh họa bằng ví dụ sau:

Mô hình tinh thể muối ăn. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Mô hình tinh thể muối ăn. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Để tránh hiểu lầm cho học sinh, cho người đọc, người ta đều chú thích rõ là mô hình phân tử hay mô hình tinh thể chất.

Đôi điều kiến nghị

Việc biên soạn sách giáo khoa chịu nhiều áp lực của dư luận, mạng xã hội, là "làm dâu triệu họ", vì thế khó có thể thỏa lòng mong đợi của tất cả mọi người. Chính vì vậy, sách giáo khoa càng đơn giản, dễ hiểu, có tính kế thừa, gần gũi thực tế càng tốt.

Hình ảnh minh họa cần chọn lọc, trước tiên phải đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mĩ, rõ ràng, dễ hiểu, tạo biểu tượng bộ môn, mang biểu tượng kiến thức; để học sinh dễ nhớ, dễ hình thành biểu tượng kiến thức, hứng thú với nội dung kiến thức tích hợp liên môn.

Hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa nên có chú thích, đặc biệt là các hình ảnh khoa học, có như vậy mới đảm bảo tính giáo dục, cũng qua đó giáo dục tính cẩn thận, tỉ mỉ cho học sinh trong học tập.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến