Bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo thông tư mới có đang làm khó các địa phương?

26/03/2021 06:44
NHẬT KHOA
GDVN- Công văn 971 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không hướng dẫn cụ thể mà chỉ quy định chung chung như các địa phương phải trình phương án bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.

Sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành có hiệu lực từ 20/3/2021 thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp.

Hiện nay đã qua ngày 20/3 (ngày chùm Thông tư có hiệu lực) nhưng việc chuyển xếp lương vẫn dậm chân tại chổ, việc chuyển xếp lương vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến, vẫn chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để các địa phương thực hiện.

Thông tư đã có hiệu lực, tuy nhiên vẫn chưa thể bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới cho giáo viên cả nước là trách nhiệm của ai?

Rất nhiều câu hỏi, băn khoăn của bạn đọc của giáo viên cả nước về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đến nay chưa có sự trả lời chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ban ngành liên quan.

Xin được nêu lại một số câu hỏi hiện nay được rất nhiều giáo viên quan tâm nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn, trả lời chính thức thì sẽ rất khó để thực hiện được việc bổ nhiệm trong thời gian tới.

Có thể tóm lại một số các câu hỏi, băn khoăn về các thông tư trên như sau: Việc quy định xếp hạng cả đạo đức nhà giáo, giáo viên hạng cao có đạo đức tốt hơn, cao hơn là một bất cập cần sửa đổi; Quy định cụ thể việc chuyển xếp lương, thăng hạng, “tụt hạng”;

Giáo viên đã có bằng đại học nhiều năm trước vẫn chưa được chuyển xếp lương sẽ được xếp hạng ra sao?;

Giáo viên đã được bổ nhiệm hạng cao, nay không còn thực hiện nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ có bị “tụt hạng”, cùng thực hiện nhiệm vụ, cùng trình độ đào tạo, sao lại có giáo viên hạng II, III,…

(Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

(Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Công văn 971 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đẩy trách nhiệm về cho địa phương?

Rõ ràng một số nội dung trong Thông tư còn gây nhiều cách hiểu khác nhau, một số không phù hợp,…

Tuy nhiên thay vì ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để các địa phương thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đảm bảo đúng hiệu lực thi hành của Thông tư là ngày 20/3 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Công văn 971 đẩy trách nhiệm về cho các địa phương.

Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ban hành ngày 12/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non và phổ thông công lập.

Công văn 971 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không hướng dẫn cụ thể mà chỉ quy định chung chung như các địa phương phải trình phương án bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trước 30/6/2021, báo cáo kết quả bổ nhiệm trước 31/12/2021; một số hướng dẫn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã có trong Thông tư,…

Công văn 971 của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đi ngược khi yêu cầu các địa phương xây dụng phương án bổ nhiệm trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét trước ngày 30/6/2021 như vậy chẳng khác nào đá quả bóng trách nhiệm về các Sở Giáo dục và Đào tạo, khi đó mỗi địa phương hiểu khác nhau trình phương án khác nhau thì Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết như thế nào?

Thay vì hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện bổ nhiệm xếp lương theo đúng hiệu lực của Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Công văn 971 đẩy trách nhiệm cho các địa phương, làm chậm trễ việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên, gây khó khăn cho các địa phương là việc làm không cần thiết, làm chậm trễ quá trình thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương đúng hiệu lực của Thông tư.

Một lần nữa, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư hoặc văn bản hướng dẫn để các địa phương tiến hành bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới giáo viên trong thời gian sớm nhất, tránh tình trạng Thông tư đã ban hành, đã có hiệu lực nhưng mọi thứ lại phải chờ, gây thiệt thòi, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA