Gian dối không còn là chuyện của vài cá nhân
Công tác rà soát cán bộ chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới đang diễn ra khẩn trương, nhanh chóng, cẩn thận tại các địa phương để tìm ra được những cán bộ đủ tài năng, phẩm chất, đạo đức đại diện thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước.
Công tác chuẩn bị cán bộ cho bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp sắp diễn ra được tiến hành qua các bước quy trình cẩn trọng. Chính vì thế đã có những cán bộ thiếu tài năng, thiếu đạo đức được phát hiện, xử lý qua công tác rà soát lần này.
Một trong những ví dụ điển hình là vụ việc 9 cán bộ, trong đó những cán bộ nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các xã thuộc huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai bị phát hiện sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.
Sự việc trên xảy là hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác nhân sự tại các địa phương còn có những kẽ hở. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi, băn khoăn về công tác tuyển chọn, quy hoạch cán bộ vẫn còn bỏ ngỏ. Như sự việc xảy ra ở huyện Ia Pa, Gia Lai thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu tuyển chọn sai người? Ai sẽ đảm bảo rằng những cán bộ kia chỉ dừng lại ở sai phạm bằng cấp?
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, đây là một dạng tham nhũng, là những con sâu, con mọt, gây hại cho dân, gây tổn thất cho đất nước.
Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích: “Vấn đề cán bộ trước đây thì lên quan đến ‘5C-4Ệ’, nhưng bây giờ theo tôi là liên quan đến mấy chữ “T”.
Chữ “T” đầu tiên là thân, tức là quan hệ thân thích, gia đình. Chữ “T” thứ hai là tình, tình cảm, nâng đỡ không trong sáng. Chữ “T” thứ ba là tiền bạc, mua quan, bán chức, bằng cấp, chứng chỉ. Chữ “T” thứ tư là tuổi tác. Cuối cùng là thích, chữ “T” thứ 5. Nếu đã thích thì dù nhiều khuyết điểm cũng được làm nhẹ đi, rồi lại trở thành hoàn hảo.
Đây là những thứ tự ưu tiên đối với tuyển dụng “đen” hiện nay. Việc quy hoạch cán bộ và đưa cán bộ vào các vị trí ở không ít nơi cũng có những biểu hiện của tình trạng này. Đến khi cháy nhà mới ra mặt chuột, mới phát hiện ra bằng giả, chứng chỉ giả.
Đây được xem là nỗi xấu hổ của đất nước mình khi mà nhiều cán bộ đều vướng vào câu chuyện lừa dối này. Đó là biểu hiện của tham nhũng quyền lực, tham nhũng bằng cấp, mua quan, bán tước”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Cao Kim Anh. |
Cán bộ làm việc phục vụ nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân, đi sâu sát vào đời sống nhân dân, thực thi công bằng, dân chủ và văn minh. Liệu những công việc, kết quả của những kẻ giả dối này thực thi có được như nhân dân và đất nước mong đợi?
Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc gian dối này không chỉ là vấn đề của một vài cá nhân mà phải xem lại sự quản lý của hệ thống.
“Những kẻ mang bằng cấp giả để được đưa lên các vị trí quan trọng thì chắc chắn là loại đạo đức xấu xa rồi. Nhưng tệ hại hơn đó là những kẻ cố tình làm ngơ để đưa những kẻ thiếu đạo đức đó leo cao, chui sâu vào các vị trí của bộ máy nhà nước.
Đây là điều đáng hổ thẹn, đáng buồn cho đất nước mình. Người có tài năng thật sự, học hành tử tế, người trung thực có thể sẽ không được tin dùng, còn những kẻ giả dối, không trung thực lại được cân nhắc, bổ nhiệm. Đó là nguy cơ vô cùng to lớn của đất nước.
Nếu chúng ta không rà soát thì những người này tiếp tục được bầu vào, được hợp thức hóa bởi những phiếu bầu ngây thơ của người dân. Trong bộ máy mà có sâu mọt thì rất nguy hiểm, chúng sẽ liên kết với nhau để đục khoét, phá hoại đất nước. Ở cấp thấp mà không bị phát hiện, chúng sẽ chui lên cao hơn, càng lên cao càng gây hại cho đất nước nhiều hơn”, ông Nhưỡng nhận định.
Cán bộ yếu kém luôn tìm mọi thủ đoạn gian dối
Việc sử dụng bằng cấp giả không chỉ còn là bài học của một vài địa phương, đã có những cán bộ phải trả giá rất đắt vì sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả.
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại những kẻ muốn “leo cao, chui sâu” nhưng không đủ tài, đủ đức, đủ phẩm hạnh và như thế buộc phải sử dụng những phương thức tuyển dụng gian dối, lừa lọc để hoàn thành được mục đích không trong sáng của bản thân, vụ lợi, tham ô.
Sử dụng bằng cấp giả, lừa dối nhân dân, đất nước được ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá là một loại tham nhũng, gây ra nhiều hệ lụy cho nhân dân, quốc gia.
“Hệ lụy đầu tiên chính là tạo ra những chi tiết giả trong bộ máy thật. Chúng ta xây dựng tiêu chuẩn nhưng những người không đúng, không đủ tiêu chuẩn vẫn chui lọt vào thì phải xem xét lại.
Những kẻ mua quan, bán chức tức là đã “ứng vốn” vào cuộc mua bán, họ sẽ tìm cách lấy lại bằng cách này hoặc cách khác, tạo ra hệ lụy tham nhũng chồng lên tham nhũng.
Điều nghiêm trọng cuối cùng là phát sinh ra “thói quen” tham nhũng, lớp trước đi được thì lớp sau tiếp tục chui được. Những cán bộ yếu kém tiếp tục bao che cho nhau. Một bộ máy chính quyền mà tồn tại những kẻ dối trên, lừa dưới thì có nguy cơ phá gây tổn hại cho quê hương, đất nước”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Từ trước đến nay, từ trung ương tới địa phương, luôn nhấn mạnh phải tìm bằng được những cán bộ tài đức vẹn toàn, có phẩm chất, đạo đức, thực lực. Công tác quy hoạch, tuyển chọn, bầu cử, ứng cử, tái cử… đều được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng.
Tuy nhiên, để lọt lưới, tồn tại những kẻ yếu kém về thực lực, yếu kém về đạo đức, theo ông Lưu Bình Nhưỡng một trong những nguyên do đó chính là chế tài chưa xử lý nghiêm khắc, triệt để.
“Giải pháp trong công tác quy hoạch cán bộ được đề cập rất nhiều rồi. Chúng ta phải dựa vào thể chế chính trị, thể chế pháp luật. Phải có nâng cấp, đào tạo bài bản, giáo dục đội ngũ cán bộ trung thực.
Quan trọng nhất vẫn là công tác xử lý cán bộ sai phạm. Người nào vi phạm phải xử lý kịp thời, nhanh chóng, triệt để. Thêm nữa là phải xử lý những người lãnh đạo, cấp trên. Cấp trên, lãnh đạo quản lý mà để xảy ra việc này thì làm sao quản lý cán bộ, điều hành đường lối địa phương?
Phải xử lý người đứng đầu, như vậy mới không dám mua quan, bán chức. Xử lý phải triệt để từ gốc, không chỉ xử lý ở đằng ngọn”, ông Nhưỡng khẳng định.