Để học sinh “bắt nạt” cô giáo, đừng nghĩ chỉ riêng cô Tuất đau!

31/03/2021 06:02
Ngân Chi
GDVN- Để học sinh “nổi loạn” trong giờ học và liên tục có những hành vi không đúng mực, không phải chỉ riêng lỗi của giáo viên mà còn là sự thờ ơ đáng trách của trường.

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất (hiện là giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tố cáo nhà trường trù dập không cho đứng lớp bắt đi dọn vệ sinh, lại bị học sinh trong lớp có biểu hiện chống đối, thậm chí, “bắt nạt” cô giáo.

Thật khó để có thể tin, một giờ học của giáo viên đã có thâm niên gần 30 năm công tác, lại có thể nhốn nháo đến vậy.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương cho rằng, kinh nghiệm quản lớp của một giáo viên có thâm niên gắn bó gần 30 năm, không thể nói là bằng “0”. (Ảnh Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương: Nhân vật cung cấp).Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương cho rằng, kinh nghiệm quản lớp của một giáo viên có thâm niên gắn bó gần 30 năm, không thể nói là bằng “0”. (Ảnh Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương: Nhân vật cung cấp).

Trước khi bàn đến thực hư của việc cô Tuất có bị nhà trường trù dập hay không, chúng ta nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ ở độ tuổi lên 9, lên 10 đang có những hành vi vô tổ chức và quậy phá một cách ngang nhiên trong giờ học, để những điều đó xảy ra nhiều như vậy, khác nào, giáo viên và nhà trường đang bỏ mặc tương lai của những “mầm non đất nước”?

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lộc Phát - Lâm Đồng) bày tỏ: “Dư luận đang băn khoăn, trong câu chuyện trên, thực chất vấn đề nằm ở đâu? Tuy nhiên, tôi muốn đặt ra trách nhiệm của cô Tuất khi để học sinh trong lớp như vậy, rồi trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của phụ huynh nằm ở đâu?

Từ thực tế cảm nhận của một người thầy, tôi có suy nghĩ như thế này, nếu bản thân một người giáo viên tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì học sinh, chắc chắn sẽ không thể để xảy ra những cảnh tượng như vậy trong một khoảng thời gian dài.

Trước hết, cô Tuất đã đi dạy hàng chục năm, có đến 6 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, khi giao lớp cho cô, cô phải quản được. Nghĩa vụ của giáo viên là thiêng liêng, Hiệu trưởng cũng không thể can thiệp. Nếu giao cho một lớp học quậy phá mà cô lại không quản được, cô đành bất lực hay sao? Những kiến thức, kỹ năng đã được học đâu? Nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giáo dục, cảm hóa học sinh ở đâu? Đọc tin mà tôi cảm thấy tức anh ách, vừa giận vừa thương mà vừa buồn cho ngành giáo dục”.

Thầy Chương phân tích thêm: “Ngay cả đối với những giáo viên trẻ mới vào nghề, những tình huống phát sinh trong giờ học hoàn toàn có thể xảy ra, có nhiều học sinh phản kháng. Điều này đòi hỏi năng lực của giáo viên, bản thân giáo viên phải có vốn sống, kỹ năng ứng xử, biết những tình huống bất ngờ đó sẽ phải xử lý ra sao...

Đồng thời, phải bình tĩnh và thông qua đồng nghiệp và nhà trường để cảm hóa học sinh, cùng xử lý, không thể đứng đơn độc mãi được. Ở đây, học sinh cũng cần được tư vấn, cần được trợ giúp, được quan tâm và dõi theo, để kịp thời chia sẻ, không thể để những hành động vô lối như trên tiếp diễn”.

“Tôi tự hỏi: “Công đoàn nhà trường đứng ở đâu? Tổ chuyên môn nơi cô Tuất sinh hoạt ở đâu?”. Đây là điểm khiến tôi rất bức xúc! Chưa cần nói đến chuyện cô Tuất có lỗi hay không có lỗi, nhưng cô Tuất là giáo viên trong nhà trường, là một phần của mình, nhà trường không thể “làm ngơ” như vậy.

Trong trường hợp dù cô Tuất có thế nào, nhà trường và đồng nghiệp phải tác động như thế nào đến giáo viên để thay đổi họ? Người làm lãnh đạo đừng bao giờ có suy nghĩ “thắng giáo viên của mình”, đôi khi giáo viên có những cá tính riêng, phải có sự quan tâm, sâu sát để họ vẹn tâm với nghề.

Nhưng tại sao tổ chức công đoàn và tổ chuyên môn lại im lặng hết? Theo tôi, nếu thanh tra thì phải thanh tra toàn bộ trách nhiệm của các bộ phận, nên đi thẳng vào vụ việc, tìm hiểu bản chất vụ việc phải được mở ra một cách trung thực nhất”, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lộc Phát đề nghị.

Trước đó, ngày 30/3, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, khi đang cùng đoàn thanh tra của huyện Quốc Oai, Hà Nội làm việc tại Trường Tiểu học Sài Sơn B, cô Nguyễn Thị Thanh Hải – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cho biết:

"“Theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện, đoàn của chúng tôi đã tiến hành công tác thanh tra liên quan đến vụ việc của cô giáo Nguyễn Thị Tuất ngay sau buổi công bố quyết định thanh tra vào sáng ngày 29/3. Trong thời điểm chờ kết luận của cơ quan chức năng, mong các cơ quan báo chí trong lúc này hãy hết sức bình tĩnh”.

Khi được hỏi về các thủ tục và tiến trình thanh tra tại trường Tiểu học Sài Sơn B được diễn ra như thế nào, cô Hải cho biết thêm: “Ngày hôm nay là cuộc thanh tra chuyên ngành về những vấn đề mà cô Nguyễn Thị Tuất cho rằng mình đang bị “trù dập” được báo chí có phản ánh trước đó.

Đồng thời, đoàn cũng thanh tra về những vấn đề liên quan đến quản lý của nhà trường. Trong đoàn đi làm việc lần này sẽ phân ra từng nhóm làm nhiệm vụ độc lập theo các nội dung được phân công.

Với cương vị là uỷ viên trong đoàn thanh tra nên những vấn đề liên quan đến chuyên môn dạy và học thì tôi mới trả lời báo chí được. Còn việc thanh tra như thế nào thì đồng chí Chánh thanh tra huyện là trưởng đoàn mới là người đủ thẩm quyền phát ngôn”.

Ngân Chi